Viết tiếp về nhà thơ Y Phương: Bức chân dung tự họa của 'Người đồng mình'

15/02/2022 11:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) -  Sự ra đi của nhà thơ Y Phương (Hứa Vĩnh Sước), tác giả bài thơ Nói với con (được đưa vào SGK Ngữ văn 9) đã khiến ta nhớ về một phong cách thơ vô cùng độc đáo.

Vĩnh biệt nhà thơ Y Phương: 'Tiếng hát tháng Giêng' đã cất vào 'ruột đá'

Vĩnh biệt nhà thơ Y Phương: 'Tiếng hát tháng Giêng' đã cất vào 'ruột đá'

Nhà thơ Y Phương, tác giả của bài thơ nổi tiếng "Nói với con" trong SGK "Ngữ văn 9" đã qua đời ngày 9/2 vừa qua.

Nhìn vào toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Y Phương - phong phú về nội dung, đa dạng về đề tài - cũng không khó để nhận ra bức chân dung tự họa bằng văn chương của chính người sáng tạo nó. Nhìn vào chân dung tự họa đó, con người nhà thơ được bộc lộ khá rõ từ hình dung bên ngoài đến suy nghĩnội tâm.

1. Y Phương tự họa mình bằng ngôn ngữ văn chương. Ở thể loại nào, anh cũng gửi gắm suy nghĩ, bộc lộ chính kiến, quan điểm của cái tôi nhà thơ và từ đó không khó để nhận ra chân dung tự họa của tác giả. Từ thơ, trường ca đến văn xuôi, anh đều phát huy được thế mạnh của từng thể loại để gài chân dung tự họa của mình.

Trong trường ca Chín tháng, chân dung tự họa của Y Phương gắn với từng chặng đường đời nhà thơ từ lúc thơ bé cho đến lúc trưởng thành.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Y Phương trước góc trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Chân dung nhà thơ thể hiện qua hoài niệm về thời thơ ấu bao đau buồn:

- Tôi đã biết đòi mẹ

Cất lều rơm cho dế thổi pí lè

- Tôi bé lắm

Đêm đêm còn tè dầm

Chưa biết thổi cơm nóng

Chưa biết sợ cáo chồn

Chạy theo chị phát nương nhổ cỏ

- Tôi ù té ôm mình lưng ngựa

- Con lớn khôn nhường kia

Sao lông tơ ria mép không buồn cạo

Ngần ấy tuổi mụ sao còn để mẹ giục tắm

Đến bữa mẹ bưng mâm gọi về ăn

Đây là chân dung nhà thơ qua ký ức ngày đầu đến lớp: Là “tấm lưng gầy của mẹ/ Cõng tôi vào lớp Một”; là lớpMột thời chiến tranh chỉ có “Cột tre/ Mái rơm/ Vách đất”, có“Treo ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc”(Đò trăng).

Đó còn là chân dung cái thời trèo sung, vặt ổi, mải chơi chọi dế, để trâu ăn lúa…của cậu bé Sước đã được “dựng” và “vẽ” bằng thơ. Cậu bé làng Tày “Đùa nghịch như quỷ núi” (Đò trăng) còn có cái tên gọi thân mật là Choóng (Cái tên Choóng ra đời khi một y sĩ người miền Nam đến khám bệnh cho học sinh trường cấp I Trùng Khánh. Y sĩ hỏi Sước: “Cháu có choóng mẹt không?” (Cháu có chóng mặt không?), nhưng anh ngơ ngác không hiểu y sĩ nói gì. Vì mới tập nói tiếng Kinh, nên Hứa Vĩnh Sước tưởng “choóng” là từ mới nên đã hỏi người bạn cùng lớp là người dân tộc Kinh… Và cái tên Choóng được bạn bè gọi Hứa Vĩnh Sước từ đó.

Nói về những trò nghịch ngợm ma quỷ ấy, Y Phương đã tự bạch: “Tôi có một tuổi thơ buồn lắm. Bị xa lánh, bị bỏ rơi. Tuổi thiếu niên không được đeo khăn quàng đỏ như chúng bạn. Tuổi thanh niên dẫu đã thuộc lắm bài hát Tiến lên Đoàn viên, nhưng vẫn bị bỏ quên, vẫn chưa một lần trên ngực được gắn huy hiệu Đoàn. Tôi như đứa trẻ tự kỷ giữa đông đảo bạn bè. Chỉ biết chơi với mình. Thế là tôi bày ra đủ trò. Một phần là tính hiếu động của con trai. Phần nữa tôi muốn gây sự chú ý của mọi người, muốn bộc lộ nỗi khát khao con trẻ được có bạn bầy, được giao hòa với mọi người. Các cụ già ở làng Hiếu Lễ còn nhớ rất lâu những trò nghịch của tôi. Cũng may, ngày nhỏ tôi còn có những trò nghịch ấy để làm bạn…”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Y Phương (bìa phải, hàng ngồi) tại Trại sáng tác văn học năm 2017

2. Sau tuổi thơ, đến tuổi thanh niên, trái tim chàng trai Tày biết rung động, đập loạn nhịp trước các cô gái và bắt đầu lón lén lên sàn trăng: “Anh trai làng/ Áo quần xênh xang/ Tóc chải mượt/ Thập thò lên sàn trăng”.

Chân dung anh bộ đội đi qua khói lửa chiến tranh và từng bước trưởng thành thể hiện khá đậm trong sáng tác của anh. Thời điểm người lính có tên “Sước” nhập ngũ được nhắc đến nhiều lần trong sáng tác như một dấu ấn không thể nào quên:

- Sáng tháng tư năm sáu tám

Mẹ thả ra đồng

Đứa con tên Sước

Mẹ cầm chặt nỗi lòng

Mẹ trao con cho đất nước

(Chín tháng)

Lần đầu tiên xa làng Tày, người con trai Tày nhớ mẹ “Nhớ rồi khóc không cho ai biết”, “Nhớ mẹ quá thì ngồi lên đá”. Giải pháp người lính vượt qua nỗi nhớ mẹ là“Trốn ra bãi đùa cát nghịch nước”; là “Vẽ lên cát hình núi/ Vẽ lên cát mái trường phố huyện/ Vẽ lên cát nhà sàn thoáng rộng/ Vẽ lên cát người con gái cao cao/ Vẽ lên cát thằng bạn đen đen” và nhất là “Vẽ lên cát con nai bú mẹ”.

Chú thích ảnh
Tập tản văn “Fừn nèn - Củi Tết” của Y Phương

Giải pháp người lính vượt qua khó khăn chính là vịn tựa vào văn hóa “người đồng mình”. Văn hóa mỗi dân tộc đều chứa trong đó sự khác biệt. Y Phương dùng hình ảnh để so sánh tư duy của người Tày và tư duy của người Kinh: “Người Tày ở tư thế của bông lúa, chứ không phải tư thế của cây tùng, cây bách. Cây lúa thiết thực, cụ thể. Cây lúa nuôi sống con người”.

Vịn vào văn hóa, người lính luôn nhắc nhở mình:“Không được phép quên/ Một sợi sống lọt qua muôn vàn sự chết”, “Dân tộc Tày của tôi từ xưa nói rằng/ Chẳng ai nhìn thấy gáy của mình”; “Dân tộc Tày của tôi lại nói/ Hãy giữ mình như giữ lửa/ Cứ ngồi ngay/ Đừng sợ bóng người cong” (Đò trăng).

Nhà phê bình Lê Thành Nghị nhận thấy “Y Phương cho dù đi đến đâu, tha phương cầu thực, ăn nhờ ở đậu lang bạt kỳ hồ phương trời nào cũng không tách khỏi núi đá Trùng Khánh (Cao Bằng). Người từ đó đi ra, hồn vía nhớ đó trở về, cứ quanh quẩn bịn rịn như mây, như gió qua thung lũng, ở lại đó làm nên mùi vị riêng”.

3. Rời Cao Bằng về sống giữa thủ đô Hà Nội là một dịp để nhà thơ tự nhận thức về mình và dân tộc mình. Anh luôn có ý thức bảo tồn tiếng nói dân tộc: “Người ta phải yêu tiếng mẹ đẻ cái đã. Yêu hết mình mới có thơ ca. Yêu từ tim gan bên trong xương thịt mình. Cảm xúc sáng tạo không phải là thứ đặt hàng”. Anh yêu “cái làng Tày như da bọc lấy người tôi. Nó nghi ngút khói lửa cay đắng trong hồn tôi. Ngôi làng ấy biến nước lã thành máu, chảy thấm qua và nuôi hàng trăm nghìn vạn tế bào quanh thân xác tôi".

Anh có ý thức giao tiếp với vợ con, người thân bằng tiếng Tày hàng ngày với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Anh có một yêu cầu khắt khe với các cháu từ Cao Bằng về Hà Nội học tập là phải giao tiếp bằng tiếng Tày (kể cả qua điện thoại). Niềm tự hào tiếng nói của dân tộc đã cho anh niềm đam mê để viết 2 tập thơ song ngữ Ngược gió (Thất tàng lồm)Vũ khúc Tày (Tủng Tày).

Anh ý thức được sáng tác thơ bằng tiếng dân tộc là rất cần thiết. Đó cũng là một cách tốt nhất để góp phần bảo tồn văn hóa và chữ viết: “Riêng tôi, tôi tự phải có trách nhiệm với việc bảo tồn văn hóa và chữ viết của dân tộc mình nên dẫu nhuận bút có thấp, thậm chí không có thù lao, tôi vẫn tiếp tục sáng tác bằng cả 2 thứ tiếng…”.

Chú thích ảnh
Và với tập thơ song ngữ “Vũ khúc Tày”, đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016

4. Bài thơ Nói với con của Y Phương mang đậm văn hóa Tày. Bài thơ được viết năm 1980, sau thời điểm đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ lâu dài và gian khổ, tiếp tục trải qua thời bao cấp với chồng chất những khó khăn, nhất là sau chiến tranh biên giới (năm 1979), Cao Bằng quê anh và các tỉnh biên giới phía Bắc lại chịu thêm sự tàn phá của chiến tranh. Khó khăn chồng chất khó khăn. Cả xã hội lúc như đang hối hả, gấp gáp kiếm tìm tiền bạc. Con người có người tốt, kẻ xấu. Lúc này rất cần một sức mạnh thúc đẩy, một sự động viên kịp thời, cần nơi vịn tựa, yêu tin.

Sức nén của vốn văn hóa dân gian Tày ngấm vào từng mạch máu nhà thơ để những thông điệp văn hóa cất lên, niềm mong của người cha được tỏ bày với con:

Sống trên đá (đừng chê đá gập ghềnh)

Ở trong thung (đừng chê thung nghèo đói)

Cả bài thơ Nói với con đã hàm súc, dồn nén năng lượng văn hóa dân gian, và chỉ riêng câu thơ sau của Y Phương đã là một như tục ngữ:

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương làm ra phong tục

Cùng đội ngũ nhà văn các dân tộc thiểu số như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Triều Ân, Vi Hồng, Nông Minh Châu, Lò Ngân Sủn, Cao Duy Sơn, Lâm Tiến… luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của mình, Hứa Vĩnh Sước - Y Phương là một trong số những nhà thơ như vậy. Người trai Tày sinh ra và lớn lên ở làng Hiếu Lễ, dưới chân núi Bo Păn ở gần biên giới Việt - Trung, thuộc huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) nổi lên như một gương mặt thơ tiêu biểu, xuất sắc, một phong cách riêng, độc đáo cho vùng văn hóa dân tộc miền núi vừa đậm đà bản sắc “người đồng mình”, vừa rộng mở giao hòa với vùng văn hóa rộng lớn để hợp lưu thành con sông văn chương Việt Nam.

“Nói với con” để nói với mình

Nhà thơ chia sẻ nguyên do ra đời bài thơ Nói với con với những biểu tượng “đá” ám ảnh: Giống như một người mới ốm dậy, xã hội khi ấy bắt đầu xuất hiện người tốt, kẻ xấu để tranh giành sự sống. Thực ra, theo tôi không có con người xấu, mà chỉ có những tính xấu như trộm cắp, tham nhũng, lừa đảo, sự dối trá…Ta phải biến những cái xấu ấy thành phân, để bón cho cây cối và làm giàu cho đất cát. Chính thời điểm đó, Nói với con ra đời. “Nói với con” chính là nói với mình, đối thoại với bản thân, tự răn dạy mình, phải sống cho ra một Con Người - Con Người viết hoa.

(Còn tiếp)

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm