Nhà thơ Y Phương: Đội chiếu bóng số 1 ở chiến trường B2

30/04/2020 08:19 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ/ Một bước chạm tiếng nói/ Hai bước tới tiếng cười/ Người đồng mình yêu lắm con ơi...” - Đó là Nói với con, bài thơ của Y Phương được đưa vào sách giáo khoa lớp 9 rất quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh (Xem bài Nhà thơ Y Phương - Một đời nặng lòng với văn hóa “người đồng mình” trên TT&VH số ra ngày 8/1/2020). Thế nhưng ít ai biết, nhà thơ dân tộc Tày lại có một quãng tuổi trẻ xông pha khói lửa gắn với Đội chiếu bóng số 1 trên chiến trường miền Nam.

Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK (kỳ 3): Nhà thơ Y Phương - Một đời nặng lòng với văn hóa 'người đồng mình'

Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK (kỳ 3): Nhà thơ Y Phương - Một đời nặng lòng với văn hóa 'người đồng mình'

Có một nhà thơ mang trong mình sứ mệnh đưa văn hóa của “người đồng mình” (người Tày) phổ rộng, giao hòa với những vùng văn hóa khác của Việt Nam như một dấu ấn đầy kiêu hãnh. Đó là nhà thơ Y Phương (Hứa Vĩnh Sước).

Trong ký ức của Đại tá - nhà văn Lê Thành Nghị, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhớ lần đầu gặp gặp nhà thơ Y Phương (Hứa Vĩnh Sước tại số 2 đường Hồng Thập Tự, TP Sài Gòn - Gia Định) vào buổi chiều 30/4/1975 lịch sử cùng các nhà báo, nhà văn, nhà quay phim, chụp ảnh theo các cánh quân về giải phóng và tiếp quản Sài Gòn.

Những gương mặt còn lấm lem khói bụi chiến trường sáng ngời niềm hân hoan rạng rỡ, từ các ngã đường theo các cánh quân chủ lực về gặp nhau tại đây hồ hởi, tay bắt mặt mừng, ôm nhau siết chặt đến trào rơi nước mắt. Địa chỉ số 2 đường Hồng Thập Tự trước đây vốn là cơ quan tâm lý chiến của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và từ sau ngày chiến thắng đã trở thành cơ quan Cục Chính trị Quân giải phóng.

Chàng trai Tày thuyết minh phim

Nhà văn Lê Thành Nghị biết tác phẩm trước khi biết người. Chả là nhà thơ Văn Thảo Nguyên - biên tập Ban thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân đội cứ lắc lỏm khen 2 bài thơ Bếp lửa trời Dáng một dòng sông của Hứa Vĩnh Sước in trên Tạp chí tháng 6/1973 thật hay, lạ, và mang đậm phong cách “người đồng mình”.

Trước mắt anh là chàng trai dân tộc Tày đẹp trai, đội mũ tai bèo, áo vải dù xanh đen sờn, súng K54 đeo trễ lãng tử, da tái sạm vì sốt rét vốn là chiến sĩ Binh chủng Đặc công mà nhờ có chất giọng đẹp đã trở thành chiến sĩ thuyết minh phim của Đội chiếu bóng số 1 thuộc Cục Chính trị Miền.

Chàng trai Tày thuyết minh phim trong Đội chiếu bóng số 1 là nhà thơ Y Phương. Y Phương tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước. Cái tên do sư phụ của cha mình là thầy tào nổi tiếng Hứa Đạo Cảnh người làng Vườn Luông đặt cho. Y Phương tự bạch về bút danh của mình: “Tôi dùng bút danh Y Phương xuất phát từ ý nghĩa trong Hán tự. Chữ Y gồm có bộ “kỳ” đi cùng với bộ “vi” hợp thành. Y là điều tốt đẹp. Căn cứ vào điều tốt đẹp mà thực hiện. Còn “Phương” có thảo đầu, tôi lấy chữ cuối của bức hoành phi “Đức Lưu Phương”. Chiết tự ba chữ: “Đức” là đạo đức, “phương” là thơm, “lưu” là lưu truyền, để lại. “Đức Lưu Phương” nghĩa là để lại tiếng thơm”. Anh sinh ngày 24/12/1948 tại làng Hiếu Lễ (xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), nhập ngũ năm 1968, được biên chế vào Binh chủng Đặc công. Đầu năm 1973, Y Phương nhận lệnh vào chiến trường B2.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Y Phương

Vì nhiệm vụ bí mật, đến nơi tập trung ở phố Lý Nam Đến (Hà Nội), Y Phương mới biết chỉ có một mình anh thuộc Phòng Tuyên huấn đi B đợt này. Một cán bộ của Phòng Tuyên huấn đã chờ anh ở điểm tập trung. Anh ấy đến bàn giao quân cho Đoàn xe Tổng cục Hậu cần. Đồng chí lái xe vui vẻ mời anh lên trên xe ZIL-130. Xe ZIL-130 là một huyền thoại trong số những xe tải "Made in Xoviet" xuất hiện ở nước trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Những "con ngựa thồ" của bộ đội Trường Sơn đã giúp quân dân ta "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Lần đầu tiên ngồi trên xe ZIL-130, anh cảm phục nơi chế tạo chiếc xe này rất hiểu công năng của nó cho con đường thời chiến. Bao dòng suy nghĩ miên man đã hình thành ý thơ trong đầu. Anh xé vỏ bao thuốc lá ghi vội…

Khi đến đường giới tuyến, anh tạm biệt ZIL-130 “chú ngựa thồ” với bao cảm xúc. Anh nhập đoàn cán bộ chiến sĩ xăng dầu của Tổng cục Hậu cần đi tiếp về phương Nam. Phương tiện đi chủ yếu lúc này của đoàn là “xe căng hải” mà Y Phương gọi vui là xe hiệu “Made in Nhân”. Đoàn hành quân cứ ngày đi, đêm nghỉ. Chừng vài tháng anh cùng đoàn mới đến điểm tập kết Lộc Ninh. Anh được biên chế vào Đội chiếu bóng số 1 thuộc Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Miền (gọi tắt là B2).

Đơn vị đóng tại Sóc Tà Tê (gần thị trấn Lộc Ninh) - nơi có sân bay dã chiến. Đội Chiếu bóng đóng ngay bìa trảng, gần tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng do anh Nguyễn Thành Vân (Nguyễn Trọng Oánh) phụ trách. Đội chiếu bóng số 1 có nhiệm vụ chủ yếu phục vụ các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Miền. Ngoài ra, Đội lưu động đi phục vụ cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đóng xung quanh khu vực nhân các kỳ Đại hội anh hùng dũng sĩ...

Đội chiếu bóng số 1 gồm có 5 chiến sĩ đều từ miền Bắc vào. Mỗi người được phân công từng nhiệm vụ khác nhau. Đội trưởng là anh Nguyễn Đức Thành - người Phú Thọ có dáng người cao gầy và mái tóc xoăn bồng bềnh. Phụ trách máy nổ là chiến sĩ Lâm Minh Liến người thấp đậm, mái tóc húi cua, mắt sâu, râu rậm. Anh là người dân tộc Tày ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang nói tiếng Kinh chưa sõi.

Chú thích ảnh

Thuyết minh chính của đội là chiến sĩ Phạm Văn Chuẩn, người Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Anh Chuẩn người thấp, lưng hơi còng, mặt lưỡi cày, vành tai mỏng, môi mỏng. Giọng thuyết minh mỏng mềm như con gái. Y Phương được giao nhiệm vụ thuyết minh phụ cùng anh Chuẩn.

Phụ trách máy chiếu là chiến sĩ Nguyễn Văn Lân đẹp trai, mắt sáng tươi, long lanh mới được chuyển từ Công trường 7 (tên bí mật của Sư đoàn 7). Trước đây, Nguyễn Văn Lân là công vụ cho Sư đoàn trưởng và được bổ sung vào Đội chiếu bóng số 1. Việc đầu tiên, anh Thành thay mặt đội lên Ban chỉ huy báo cáo lịch công tác. Sau đó, anh đưa danh mục phim chiếu. Nguồn phim (tài liệu, phim truyện) đều từ ngoài Bắc chuyển vào. Có những bộ phim tài liệu của Xưởng phim Giải phóng, Xưởng phim Quân giải phóng quay từ miền Nam gửi ra miền Bắc in tráng rồi lại đưa trở vào.

Giao nhiệm vụ là vậy, nhưng khi có lệnh, Đội lên đường phục vụ chiếu phim và 5 anh em cùng hỗ trợ nhau. Phương tiện chuyên chở máy móc chủ yếu bằng xe đạp. Mỗi người tự lo liệu phần việc của mình, tự đóng gói chằng buộc. Ai đảm nhiệm việc gì làm tốt việc của mình và cùng hỗ trợ nhau việc nặng. Chàng trai Tày Y Phương khỏe như con ngựa núi (chữ dùng của nhà văn Châu La Việt - con trai cố NSƯT Tân Nhân) được phân công nhiệm vụ khó khăn nhất là chở máy nổ. Chiếc máy nổ hiệu Phương Đông đồng bộ gồm máy chiếu, âm li, loa phóng thanh do Trung Quốc chế tạo khá cồng kềnh. Vào mùa khô, đường bằng phẳng, thông thoáng, việc di chuyển không có gì khó khăn. Nhưng mùa mưa thì thật vất vả. Các chiến sĩ lo máy ướt, phim ướt còn hơn lo cho bản thân. Có được một cuốn phim từ miền Bắc mang vào biết bao gian lao, vất vả có khi phải đổi bằng máu. Bởi vậy, cả đội thống nhất giữ phim như giữ máu của mình.

Công việc đầu tiên là chọn bãi, toàn đội tản ra người đóng cọc, người căng phông, người kéo loa, người đặt máy nổ vào góc khuất. Tiếp theo bộ phận máy chiếu bắc giá, đặt máy, chỉnh cự li ống kính. Cuối cùng, người thuyết mình phim tự dọn lấy một chỗ ngồi gần máy chiếu, lấy hòm đựng máy là bàn, còn thùng đựng phim làm ghế, đặt một bóng đèn con lấy ánh sáng đọc văn bản thuyết minh.

Khóc thầm cùng với phim

Nhà thơ Y Phương bồi hồi nhớ lại:

“Chúng tôi chiếu rất nhiều phim kinh điển, cực kỳ hay của các nước XHCN như: Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức… cùng phim kinh điển các nước là phim phim tài liệu, phim truyện Việt Nam. Tôi vẫn nhớ những bộ phim truyện Việt Nam đã trở thành kinh điển đã được Đội chiếu phục vụ, như: Vợ chống A Phủ, Chị Tư Hậu, Trên vĩ tuyến 17, Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Nguyễn Văn Trỗi, Tiền tuyến gọi, Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, Khói, Lửa, Chị Nhung, Rừng o Thắm, Biển gọi…

Đội chúng tôi có nhiệm vụ chủ yếu chiếu phim phục vụ các thủ trưởng ở Bộ Tư lệnh Miền. Có những mùa chiến dịch, Đội chúng tôi có mặt cả tháng để chiếu phim. Tôi vẫn nhớ cảm xúc khi chiếu phim cho các thủ trưởng: Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Thiếu tướng Hoàng Cầm, Thiếu tướng Trần Văn Phác, cùng cán bộ chiến sĩ ở Bộ Tư lệnh Miền xem. Có lần giọng thuyết minh của tôi cũng lạc đi khi thấy sự xúc động của các thủ trưởng xem phim.

Có rất nhiều kỷ niệm với Đội chiếu bóng số 1 của tôi. Tôi nhớ ngày chiếu bộ phim Bài ca người lính của Liên xô. Hình ảnh người lính hồng quân Aliosa nghỉ phép về thăm mẹ và sửa mái nhà đang hỏng. Chàng lính trẻ đã gặp cô gái Shura trên một toa tàu quân sự. Tình yêu nảy nở trong hành trình Aliosa trở về thăm mẹ...

Chú thích ảnh
Đội chiếu bóng số 1 ở chiến trường B2

Máy chiếu vẫn chạy xè xè. Có tiếng khóc thút thít. Đến cảnh Aliosa về đến nhà không thấy mẹ. Anh lính lái xe giục giã, chở anh ra cánh đồng tìm mẹ. Giây phút ngắn ngủi, Aliosa chỉ kịp ôm từ biệt mẹ trong chốc lát, rồi vội vã quay trở lại chiến trường. Đến bây giờ tôi vẫn thuộc lòng lời thoại của 2 nhân vật mẹ và người lính Aliosa:

- Aliosa! Con đã trở về!

- Không mẹ ơi, con về một chút thôi phải đi ngay!

- Con nói sao? Con đi ngay ư?

- Mẹ có khỏe không? Con mua cho mẹ chiếc khăn ở dọc đường.

- Con trai ơi mẹ không có thời gian để ốm. Con đã có râu để cạo rồi sao?

- Con không thể lợp lại mái nhà cho mẹ!

Tiếng còi ô tô giục giã.

- Mẹ sẽ sống để chờ con về…

Đúng là tôi đã thuyết minh bằng cảm xúc người lính. Giọng tôi lạc đi. Tôi nghe được tim mình đập dữ dội. Đêm hôm đó, tôi đã khóc nhiều lắm. Khóc một mình, khóc không để đồng đội biết. Tôi đã rất nhớ người mẹ dân tộc Tày của tôi ở miền biên viễn đá Cao Bằng. Tôi tưởng tượng hàng ngày mẹ vẫn chờ đứa con trai duy nhất trở về. Và biết bao bà mẹ Việt Nam đều ngóng đợi những đứa con trở về sau cuộc chiến như mẹ tôi như thế. Nghĩ đến mẹ, tôi càng quyết tâm làm việc tốt hơn công việc được giao. Tôi cho phép mình chỉ yếu mềm phút giây đó.

Tôi ghi vào sổ tay đoạn văn của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky trong Thép đã tôi thế đấy: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Rồi lần khác Đội chiếu bộ phim Kim Đồng của đạo diễn người Tày Nông Ích Đạt - người đồng hương Trùng Khánh (Cao Bằng) với tôi. Tôi lại không nén được cảm xúc chạy ra ngoài, ôm cây săng lẻ khóc. Bộ phim Kim Đồng quay ở quê hương Cao Bằng của tôi. Anh Kim Đồng là người dân tộc Nùng ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng của tôi. Tôi đã xem phim Kim Đồng ở quê hương Cao Bằng và hôm nay tôi xem ở mảnh đất miền Nam thành đồng trong cảm xúc nhớ quê hương da diết… Đúng là điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp, có tác động rất vi diệu đến tâm hồn con người, nuôi dưỡng mạch cảm xúc nhân văn, hướng công chúng đến cái đẹp, cái chân, cái thiện. Tôi càng thấm thía nhiệm vụ của chúng tôi - những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa…

Duyên điện ảnh, duyên thơ

Tình yêu với điện ảnh lớn lên trong người con dân tộc Tày từ những ngày ở Đội chiếu bóng số 1. Sau khi miền Nam giải phóng, nhà thơ Tày Y Phương đầu quân cho Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Năng khiếu thơ văn đã đưa anh đến học khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du. Y Phương đã trở thành nhà thơ. Từ giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984, đến nay Y Phương đã sở hữu nhiều giải thưởng của các Hội chuyên ngành Trung ương.

Nhà thơ Y Phương đã viết bài thơ Kỷ niệm đội chiếu bóng để nhớ 2 năm (1973-1975) trong rừng là chiến sĩ thuyết minh phim ở Đội chiếu bóng số 1 chiến trường B2.

Với những đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam nói chung và văn học dân tộc thiểu số nói riêng, năm 2007, chiến sĩ thuyết minh phim ở Bộ Tư lệnh Miền - nhà thơ Y Phương đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 (chuyên ngành Văn học).

Bài thơ “Kỷ niệm đội chiếu bóng”

(Tặng Đội chiếu bóng số 1)

Đội chiếu bóng có anh Thành cao và gầy

Có bạn Liến thấp và béo

Có em Lân vừa trẻ lại đẹp trai

Cùng vào Nam từ hồi bảy hai

Đi mải miết bốn tháng trời

Cả tháng chưa cạo râu cắt tóc

Đội chiếu bóng làm nhà bìa trảng

Liên béo đào hầm khỏe như voi đực

Lân lợp nhà hồng như mặt trời

Anh Thành nấu nước

Gia tài chỉ có dao găm và cuốc

Đẵn gỗ trồng khoai

Cũng chỉ cuốc với dao găm

Xa nhau dường như trăm năm

Làng Ngọc Lũ

Làng Luộc

Dòng địa chỉ ngủ quên trong sổ

Chưa đến thăm nhau được lần nào

Người trở về bản cũ mãi vùng cao

Người ở lại

Hay đi đâu

Không biết

Tôi vẫn dùng chiếc ca US

Múc nước lên lại nhớ

Những ngày mưa hành quân

Ngã

Không khóc

Không cười

Nhưng đau rơi nước mắt

Dìu nhau đứng lên mà đi tiếp.

(Y Phương)

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm