Mỹ: Lộ diện người phụ nữ thay mặt

18/07/2010 10:57 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 16/7, một người phụ nữ Mỹ bị bắn nát mặt năm lên 16 tuổi, trong một tai nạn liên quan tới súng săn, đã lần đầu tiên xuất hiện trước báo giới kể từ khi chị được thay một gương mặt nhân tạo..

Tai họa do nghịch súng

Chrissy Steltz, 27 tuổi, lặng lẽ đi tới giữa phòng rồi ngẩng mặt lên. "Ôi Chúa ơi", "Chrissy!", "Tôi không thể tin được", "Trông con bé hệt như trước đây" - thân nhân của chị thi nhau thốt lên. Những cái miệng há hốc ra kinh ngạc, những lời cảm thán thi nhau tuôn ra, có ai đó huýt sáo và rồi nước mắt theo đó tuôn trào.  

Sự ngạc nhiên đó được họ dành cho khuôn mặt nhân tạo của Steltz. Một vụ tai nạn súng săn khủng khiếp diễn ra cách nay 11 năm đã thổi bay đôi mắt, mũi và cằm của Steltz. Khi đó cô mới 16 tuổi, đang là học sinh trường Trung học Franklin ở vùng Portland và đang sống cùng một người bạn trai 18 tuổi.


Chị Chrissy Steltz trước và sau khi được "lắp" mặt nhân tạo
Vụ nổ súng xảy ra sau một bữa tiệc, nơi các thanh thiếu niên như Steltz tụ tập và uống say bí tỉ. Những kẻ say xỉn đã kéo nhau đi trộm súng, dẫn tới việc một khẩu súng săn vô tình nhả đạn. Thủ phạm gây ra vụ nổ súng đã phải lãnh án tù kéo dài 27 tháng. Bạn trai của Steltz được hưởng án treo vì tội đánh cắp 15 khẩu súng, bao gồm cả khẩu đã bắn nát mặt cô. Còn Steltz, người ngồi ngoài xe trong quá trình diễn ra vụ trộm, không bị khởi tố. Cảnh sát và cơ quan công tố tin rằng những thương tổn mà cô phải nhận lấy đã là một sự trừng phạt nghiêm khắc.

Sau 6 tuần điều tri, Steltz trở về nhà trong tình trạng mù, mất mũi, hàm vỡ tan nát và dù đã được tái tạo vẫn không thể mở đủ rộng để ăn một chiếc sandwich. Tuy hiên Steltz vẫn vượt qua số phận để tiếp tục học tại trường Franklin và tốt nghiệp vào năm 2001. Năm tiếp theo, cô đã gặp bạn trai mới và hai người đã có một đứa con.

Tái tạo lại khuôn mặt đã mất

Tới lúc này, Steltz đã bắt đầu tìm cách để xây dựng lại khuôn mặt cũ của cô hoặc ít nhất là phục hồi một phần hình dáng tự hiện. Một ý tưởng đã được bác sĩ Larry Over, chuyên gia trong lĩnh vực tạo hình mặt đưa ra. Theo đó, ông sẽ tạo nên một khuôn mặt nhân tạo với đầy đủ các đặc điểm ban đầu của Steltz như đôi mắt xanh biếc, một chiếc mũi xinh xắn... rồi "lắp ráp" gương mặt giả này lên đám sẹo nham nhở trên mặt cô.

Steltz đồng ý với ý tưởng này với tới năm 2008, cô đã sẵn sàng để lắp ghép với gương mặt nhân tạo.

Để chuẩn bị cho việc lắp mặt giả, Steltz đã phải trải qua 4 cuộc phẫu thuật. Hồi tháng 9, năm ngoái Eric Dierks, một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng ở Portland đã tiến hành phẫu thuật mở đường lỗ mũi cho Steltz. Tới tháng 2 năm nay, ông tiếp tục khoan 8 thiết bị giống như đinh vít vào những vùng xương nằm ngay trên và dưới hốc mắt Steltz. Gương mặt giả sẽ bám vào những "đinh vít" này và được cố định vị trí bởi những viên nam châm nhỏ.

Dierks và Over đã hợp tác xử lý nhiều trường hợp tạo hình mặt nhưng họ chưa từng gặp ca nào khó như của Steltz. Do gương mặt nhân tạo của cô cần một đôi mắt, một chiếc mũi và phần cằm, Over đã viện tới sự giúp đỡ của bác sĩ David Trainer, một chuyên gia làm mặt giả. Ba bác sĩ đã dành nhiều thời gian để giúp đỡ Steltz.

Cá nhân Trainer đã dành một buổi ngồi nhìn trực diện vào khuôn mặt lồi lõm sẹo của Steltz để quan sát chuyển động của khuôn mặt khi cô nói, cười và tỏ vẻ khó chịu. Ông quyết định sử dụng chất liệu silicone để làm gương mặt nhân tạo. Dù silicone trông không sống động như da người thật nhưng nó cũng không hoàn toàn khiến gương mặt bị "trơ".

Với Trainer, người đã từng xử lý tới 2.000 gương mặt khác nhau, việc tạo ra gương mặt nhân tạo cho Steltz không khó. Ông và cộng sự đã mất 4 ngày để tạo nên gương mặt nhân tạo. Đầu tiên, họ vẽ mẫu đường nét gương mặt của Steltz, dựa trên bức ảnh thời trẻ của cô, tạo khuôn rồi đổ silicone vào và "đúc" gương mặt nhân tạo ở nhiệt độ 230 độ C trong khoảng 90 phút.

Thổi hồn vào gương mặt giả

Tiếp đó họ bước vào khâu hoàn thiện, với thách thức lớn nhất nằm ở chỗ phải thổi hồn cho gương mặt, sao cho nó thật sống động chứ không bị "dại". Hoạt động trang điểm cho gương mặt giả diễn ra hết sức cực nhọc, bao gồm các công đoạn tạo hình, chỉnh sửa, làm mịn và tô màu. "Chuyện này giống như việc sáng tạo nghệ thuật hơn là làm khoa học" - Over tâm sự.

Thành quả của quá trình lao động khổ nhọc kéo dài 1 năm trời là gương mặt nhân tạo rất tự nhiên. Khi Steltz đeo gương mặt này vào, phải để ý người ta mới biết cô bị tai nạn. Khi đi ngủ, Steltz có thể tháo gương mặt ra cho thoải mái.  Được biết gương mặt nhân tạo của Steltz rất bền và cô sẽ sử dụng được nó trong vòng 11 năm trước khi phải thay do biến đổi cơ mặt.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm