NSƯT Sĩ Tiến - Nghệ thuật là bầu trời của tự do và sáng tạo

30/12/2020 08:14 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi có nhiều dịp gặp nghệ sĩ Sĩ Tiến trực tiếp tại Nhà hát Tuổi trẻ. Không khó để nhận ra người nghệ sĩ có style khá bền bỉ với cặp kính trắng, mái tóc chẻ ngôi giữa, dáng người cao đậm (dạo này có vẻ hơi “tốt bụng”), sở hữu chất giọng trầm ấm. Anh đã đảm nhận cương vị Phó Giám đốc Nhà hát được 3 năm nay.

Từ 'cái nôi' Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam (Kỳ 11): Lê Chức - Rút ruột để nhả giọng

Từ 'cái nôi' Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam (Kỳ 11): Lê Chức - Rút ruột để nhả giọng

Từng là giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, NSƯT Lê Chức tâm huyết hướng dẫn sinh viên cách hành động tâm lý bằng lời kịch, tiếng nói sân khấu trong vai diễn; phương pháp điều khiển giọng nói theo nhân vật; kỹ thuật diễn xuất và tự tin trước ống kính cũng như trên sân khấu… Đặc biệt, thầy nhấn mạnh cho sinh viên 3 yếu tố cơ bản làm nên thành công một vở kịch là: Kịch bản hay, đạo diễn giỏi và diễn viên tốt.

1. Nguyễn Sĩ Tiến sinh ngày 22/8/1968 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chuyên ngành đạo diễn sân khấu cùng với NSƯT Chí Trung và NSND Lê Khanh.

Trước thực trạng khán giả ít “mặn mà” đến với sân khấu kịch, khi là Trưởng đoàn Kịch 2 của Nhà hát Tuổi trẻ, đạo diễn Sỹ Tiến không khỏi trăn trở, suy tư. Anh hoang hoải nhớ tới thời điểm “hoàng kim” của sân khấu kịch việc đi diễn đơn giản hơn rất nhiều. Cái thời mà người nghệ sĩ chỉ lo làm tròn phận sự sáng tạo, được trả công sau mỗi buổi diễn, ngoài ra không phải lo cái gì khác.

Nhưng ngày nay, công chúng có nhiều lựa chọn khác nhau để thưởng thức nghệ thuật, nên người nghệ sĩ vất vả, gian nan hơn rất nhiều.

“Có lúc đi lưu diễn, chúng tôi “mỗi người phải sắm vài ba vai chèo”. Vừa biểu diễn trên sân khấu, vừa thay phiên nhau bán vé, tiếp cận công chúng, mang vác, trèo leo… Nhìn diễn viên trong đoàn phải phải loay hoay, đối mặt với nhiều khó khăn như thế, chúng tôi đau lòng lắm” – anh tâm sự - “Nhưng đau, xót không có nghĩa là ngồi đó than thân, trách phận, mà chúng tôi - đội ngũ nghệ sĩ, quản lý phải nát óc nghĩ suy, trăn trở, tìm ra những kế sách để vở diễn đến với công chúng, được công chúng chấp nhận. Là nghệ sĩ, không có nỗi lo sợ sự nào hơn là thái độ thờ ơ, quay lưng của khán giả. Chúng tôi trăn trở đi tìm khán giả cho mình. Để kéo họ đến rạp, giúp họ yêu sân khấu, chúng tôi đã tìm cách tìm hiểu sở thích, “món ăn”, mong muốn… phù hợp với thị hiếu khán giả để từ đó tìm lối viết kịch bản, biểu diễn. Chất lượng vở diễn chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu…’’.

Chú thích ảnh
NSƯT Sĩ Tiến (phải) trong vở “Tất cả đều là con tôi”

“Vì thế, sau mỗi buổi biểu diễn, chúng tôi lại ngồi lại với nhau rút kinh nghiệm ở hậu trường, điều chỉnh diễn xuất của diễn viên, chấn chỉnh ngay điều chưa hợp lý, bổ sung ngay chi tiết cần thiết, cắt bỏ những chi tiết thừa từ phát hiện của người quản lý, đạo diễn, đề xuất của diễn viên và nhất là lắng nghe phản ứng của khán giả sau mỗi đêm diễn. Vẫn biết đã qua rồi cái thời hoàng kim của sân khấu kịch, nhưng mỗi nghệ sĩ phải trăn trở, đổi mới rất nhiều. Tiếp cận khán giả hôm nay, mỗi nghệ sĩ phải đổi mới. Đổi mới để tồn tại. Mà không đổi mới thì chấp nhận sự hiu hắt cho sân khấu. Chúng tôi phải nỗ lực hơn rất nhiều mới có khán giả. Họ chính là người thẩm định công minh nhất…”

2. Bước chân vào Nhà hát Tuổi trẻ, Sĩ Tiến bắt đầu công việc bằng những vai diễn dành cho trẻ em. Tôi luyện trong môi trường thử thách đầy nghiệt ngã, anh đã sớm trở thành một gương mặt quen thuộc, ấn tượng trong 15 chương trình hài kịch “Đời cười” vào những năm cuối thập niên 1990 - đầu thập niên 2000. Khán giả nhớ và ấn tượng với những vai diễn của anh trong các vở như: Quỷ nhập tràng (tác giả Nguyễn Khắc Phục), Nhà Búp bê (Henrick Ibsen), Con cáo và chùm nho (G.Fighereido), Tất cả đều là con tôi (Arthur Miller)…

Với từng bước đi vững vàng trải nghiệm từ vị trí diễn viên, Sĩ Tiến thử sức bằng vai trò đạo diễn. Anh hiểu đạo diễn là “một lĩnh vực sáng tạo mà không thể nắm vững nó bằng sách giáo khoa. Nghệ thuật chuyển từ tay người này sang tay người khác, từ thầy sang trò. Ngoài lý thuyết còn có thực hành”.

Chú thích ảnh
Cảnh trong vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” (kịch bản Lưu Quang Vũ) do NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến đạo diễn

Sau khi học đạo diễn sân khấu, Sĩ Tiến đạo diễn nhiều vở kịch. Với kịch thiếu nhi, anh đã dàn dựng các vở: Mẹ ơi, con sắp lớn(2009), Ông ba bị, Thợ săn sa bẫy, Con chim xanh (2017)…Trong đó vởCon chim xanh(tác giả:Maurice Maeterlinck, đồng đạo diễn với Xavier Lukomski- đạo diễn người Bỉ, 2017) đã khẳng định việc tiếp cận cho các dự án hợp tác nghệ thuật sân khấu quốc tế giúp khán giả nhỏ tuổi Việt Nam có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật sân khấu quốc tế nổi tiếng. Đây chính là bước đi đúng hướng mà Nhà hát Tuổi trẻ đã đặt ra, chuẩn bị cho một lớp khán giả nhỏ tuổi tiếp cận thế giới trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Chương trình hài kịch Nước mắt đàn ông do Sĩ Tiến đạo diễn cùng ê kíp sáng tạo (kịch bản: Đinh Tiến Dũng, thiết kế mỹ thuật: Doãn Bằng) và dàn diễn viên “gạo cội” của Đoàn kịch 2 (NSƯT Đức Khuê, NSƯT Ngọc Huyền, Tú Oanh, Bá Anh, Thanh Dương…) đã được công chúng yêu mến, đón nhận và được các nhà chuyên môn đánh giá cao ở sự chắc tay, bố cục gọn, liên kết từng phần như một câu chuyện, tình huống xử lý khéo.

Thành công của vở hài kịch Nước mắt đàn ông là nhờ đạo diễn khéo léo xâu chuỗi 4 tiểu phẩm trong một chỉnh thể thống nhất, chặt chẽ và rất logic. Hài kịch Nước mắt đàn ôngđã mang đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái, vui vẻ…nhưng cũng đầy ngẫm ngợi, hoang hoải, nghĩ suy.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến được bổ nhiệm Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ

Dường như không còn thấy khoảng cách giữa diễn viên và khán giả. 2 trong 1 cười khóc với hài kịch. Bao giọt nước mắt rơi ân hận. Bao xót xa, tiếc nuối, ngậm ngùi về cách ứng xử đã để hạnh phúc tuột khỏi tầm tay…Mỗi người xem đều thấy có hình bóng mình trong đó. Mỗi người xem tự suy ngẫm, tự điều chỉnh các mối quan hệ gia đình, đặc biệt là quan hệ vợ chồng.

3. Trên hành trình sáng tạo, Sĩ Tiến luôn nỗ lực không ngừng nghỉ. Anh đã khẳng định được vai trò đạo diễn của mình qua vở diễn. Điều đó đã được ghi nhận Liên hoan Sân khấu Kịch toàn quốc 2018, cùng22 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệptham gia Liên hoan,vở diễnHoa cúc xanh trên đầm lầy (kịch bản Lưu Quang Vũ) đoạtbaHCV: 1 cho cho vở diễn và hai giải cá nhân (diễn viên Thanh Sơnvà Thu Quỳnh).

Kịch bản Hoa cúc xanh trên đầm lầy đã được một số nghệ sĩ đạo diễn thành công. Giữa thập niên 1980, NSND Nguyễn Đình Nghi đã dàn dựng cho Đoàn Kịch Hải Phòng. Cuối năm 2000, NSƯT Đỗ Kỷ dựng thành công cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Và cuối năm 2017, đạo diễn Sĩ Tiến đã mang đến một phiên bản mới Hoa cúc xanh trên đầm lầycho Nhà hát Tuổi Trẻ.

Tiếp thu, học hỏi người đi trước đã dàn dựng thành công và đến lượt mình, đạo diễn Sĩ Tiến cũng tự tạo áp lực cho mình. Nhà biên kịch Lê Quý Hiền chia sẻ thách thức mà đạo diễn Sĩ Tiến phải đối mặt “ê kíp thực hiện đứng trước một sự thách đố dựng một tác phẩm cũ đã có nhiều đạo diễn dựng thành công”.

Chú thích ảnh
Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến (giữa) cùng các nghệ sĩ Nhật Bản

Hiểu điều đó, Sĩ Tiến tâm niệm, là nghệ sĩ hơn lúc nào hết phải thể hiện thành công thông điệp lớn mà cố tác giả Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua kịch bản xuất sắc này. Điều quan trọng qua những xung đột tinh thần của con người hiện đại khi tìm giá trị sống. Trong hành trình không ít gian nan, thử thách, con người luôn nỗ lực kiếm tìm hạnh phúc. Như vậy, “mẫu số chung” cho mỗi người dàn dựng chính là điều Lưu Quang Vũ gửi gắm từ gợi ý trong dân gian: “Ai tìm được bông hoa cúc xanh mọc trong đầm lầy sẽ đạt được ước nguyện hạnh phúc".

“Hoa cúc xanh” là một biểu tượng đẹp - một “ký hiệu học văn hóa” mà tác giả tài năng đã mượn từ trong dân gian để chuyển tải một thông điệp giàu tính nhân văn về lòng tốt và hạnh phúc của con người. Hạnh phúc không đâu xa mà có ngay trong mỗi con người. Hạnh phúc thật giản dị, nó là sự trung thực, ước mơ trong sáng, sống đẹp, giàu phẩm tính thiên lương, lương thiện…

Không lặp lại người đi trước, đạo diễn Sĩ Tiến đã bám vào yếu tố giả tưởng từ kịch bản để thỏa sức sáng tạo, làm mới một phiên bản cũ.

Sự tài tình của đạo diễn là lồng yếu tố đương đại vào tác phẩm một cách khéo léo, hợp lý để không làm mất đi giá trị nguyên bản cách đây hơn 3 thập kỷ. Câu chuyện về tệ nạn quan liêu thời nào cũng nguyên tính thời sự và thêm vào đó là cuộc sống hôm nay với một tuần 6 cuộc họp trong cơ quan nhà nước; vấn nạn lái xe ôm "chặt chém" khách; tập thể dục trong công viên trên nền nhạc trẻ; cạnh khóe, gây gổ hài hước của nhóm nhân vật cùng đợi chuyến tàu…

Năm 2020, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến đạo diễn vở “Bộ cảnh phục” (tác giả: Đỗ Đức Trung). Đây là vở kịch chính luận về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc lần IV do Bộ Công an, Bộ VHTTDL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp tổ chức.

Chú thích ảnh
Diễn viên Ngô Lệ Quyên (Nhà hát Tuổi trẻ) đoạt Huy chương Vàng và Giải Diễn viên thể hiện xuất sắc hình tượng người chiến sĩ CAND trong vở kịch “Bộ cảnh phục”

4. Tính đến nay, hoạt động sân khấu của Sĩ Tiến đã được khẳng định qua các giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật. Đó là 3 HCV liên tục từ năm 2015 đến 2018: HCV vai ông Sát trong vởBiến dạng tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Thanh Hóa (2015); vai vua trong vởLời nói dối cuối cùng tại Liên hoan sân khấu Thủ đô (2016); HCV ở vai trò đạo diễn vởHoa cúc xanh trên đầm lầy tại Liên hoan sân khấu kịch nói tại TP.HCM (2018).

3 Huy chương Bạc với vai diễn: Anh Sĩ trong vở kịch Khuất Nhị NhịtạiLiên hoan Sân khấu Hài Toàn quốc lần thứ nhất tại Quảng Ninh (2011); vai Trung đoàn Trưởng Đỉnh trong vởLời thề thứ 9 tại Liên hoan Sân khấu các tác phẩm Kịch Lưu Quang Vũ tại Hà Nội (2012); vai trò đạo diễn vở diễn Bộ cảnh phục tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần IV-2020.

Tôi tin thông điệp của NSƯT Sĩ Tiến: “Nghệ thuật vốn là bầu trời của tự do và sáng tạo”. Bầu trời tự do và sáng tạo ấy đang hứa hẹn những mùa vàng.

(Còn tiếp)

Duyên điện ảnh của Sĩ Tiến

Ngoài sân khấu, Sĩ Tiến rất có duyên khi chạm ngõ điện ảnh. Anh xuất hiện trong một số phim, như: phim “Trò đời” (cố tác giả Vũ Trọng Phụng, đạo diễn Nhuệ Giang); phim “Chàng rể họ Lê” (đạo diễn Lê Quang Hưng, năm 2008); “Đàn Trời” (Bùi Huy Thuần đạo diễn, Phạm Ngọc Tiến viết kịch bản dựa theo tiểu thuyết “Đàn trời” của Cao Duy Sơn)…

“Đàn Trời” là một bộ phim chính luận dài 36 tập phát trên VTV1 “Giờ vàng phim Việt” bắt đầu từ ngày 18/4/2012 thu hút sự quan tâm của khán giả truyền hình về cuộc cuộc chiến chống tham nhũng ở các dự án trong chương trình 135 ở miền núi phía Bắc. Sĩ Tiến đóng vai là Thức - phóng viên mảng thời sự truyền hình mải mê tìm kiếm sự công bằng, dám đấu tranh bảo vệ sự thật, mong đưa ra ánh sáng những mảng tối của chốn quan trường. Vì những bài phóng sự điều tra chống tiêu cực mà nhà báo Thức bị bắt giam. Các nhà báo Thức, Vương (Trung Anh) cùng những phóng viên thời sự đã làm việc theo nhóm; luôn sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực thể hiện đạo đức nghề nghiệp làm báo đã để lại những ấn tượng sâu sắc. Dù là diễn viên sân khấu, nhưng trong phim, Sĩ Tiến có khả năng nhập vai rất nhanh, hiểu nhân vật, diễn có chiều sâu tâm lý nên Sĩ Tiến trong phim tự nhiên như đã thấy Sĩ Tiến ở ngoài đời.

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm