Từ 'cái nôi' Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam (Kỳ 11): Lê Chức - Rút ruột để nhả giọng

29/12/2020 18:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từng là giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, NSƯT Lê Chức tâm huyết hướng dẫn sinh viên cách hành động tâm lý bằng lời kịch, tiếng nói sân khấu trong vai diễn; phương pháp điều khiển giọng nói theo nhân vật; kỹ thuật diễn xuất và tự tin trước ống kính cũng như trên sân khấu… Đặc biệt, thầy nhấn mạnh cho sinh viên 3 yếu tố cơ bản làm nên thành công một vở kịch là: Kịch bản hay, đạo diễn giỏi và diễn viên tốt.

Trần Lực - người làm 'trở gió' sân khấu kịch

Trần Lực - người làm 'trở gió' sân khấu kịch

Sớm bén duyên điện ảnh nên Trần Lực đến với sân khấu có phần hơi muộn. Nhưng tôi lại nghĩ sân khấu đã ngấm vào máu Trần Lực từ vành nôi gia đình, để rồi chỉ có dịp là “quẫy cựa” tưng bừng.

Khi là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSƯT Lê Chức đã đến thăm và tặng tôi cuốn thơ Một thinh không (2011). Ngồi trước tôi là một người đàn ông “kháu lão”, dáng cao lớn, bệ vệ, có mái tóc bồng bềnh muối tiêu lượn sóng “có tổ chức”, da mặt đỏ au - người đạo diễn trên 50 vở kịch đủ các loại hình sân khấu từ tuồng, chèo, cải lương đến kịch nói; một nhà thơ có giọng thơ khá phong cách, lạ; một chất giọng vàng đặc biệt đầy nội lực đến ma mị cứ như thể được trời cho “ăn lộc”…

Nghệ sĩ đa tài, đa năng

Cùng tập thơ Một thinh không, NSƯT Lê Chức tặng tôi tập thơ của cha anh - nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn Lê Đại Thanh, thuộc thế hệ những nghệ sĩ đầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại, cùng thời với Thế Lữ và Vi Huyền Đắc.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Lê Chức thị phạm cho diễn viên

Bằng chất giọng trời cho trầm ấm, vang ngân, đầy nội lực, anh đọc bài thơ Di chúc của cha đầy xúc động:

Khi tôi chết, những người thân đừng nhỏ lệ

Mà ngâm với tôi một đoạn ngắn thơ tôi

(Chết là trở về tinh thể sao trời

Trả trái đất những gì vay mượn trước)

Cuộc đời Lê Chức gắn với sân khấu. Anh chọn sân khấu hay sân khấu chọn anh? Chắc cả 2. Cái mốc anh khắc ghi là từ ngày 13/2/1965, khi anh là diễn viên chính của Đoàn kịch Hải Phòng. Trước đó, anh đã nỗ lực làm bất cứ việc gì như kéo xe, làm đường… để nguyện ước kế nghiệp cha đang bộn bề, dang dở. Anh sở hữu dáng người cao đậm, một gương mặt đẹp kiểu Tây phương, cùng mái tóc xoăn bồng bềnh, trang phục lúc nào cũng lịch sự là lượt nếp ly.

Kể từ vai diễn đầu tiên Hoài “sữa” trong vở Chiều cuối (kịch bản: Thiết Vũ, đạo diễn: Dương Ngọc Đức) năm 18 tuổi và hơn 15 năm sau đó, anh thường đóng những vai chính, như: Vichto trong vở Ma sa, vai Êdốp trong vở Con cáo và chùm nho, vai Bí thư Xôlômakhin trong Biên bản một cuộc họp Đảng ủy, vai Trung úy Nguyễn Thế Kỷ trong vở Cửa mở hé…

Chú thích ảnh
Đạo diễn Lê Chức (phải) cùng các nghệ sĩ ở Moscow năm 1983

Năm 1987, Lê Chức tốt nghiệp bằng đỏ ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Kiev với các vở: Đợi đến mùa Xuân (Xuân Trình), Tin ở hoa hồng (Lưu Quang Vũ) và Người con trai cả (A.Vampilov).

NSƯT Lê Chức là nghệ sĩ đa tài, là tác giả, đạo diễn trên 50 vở kịch đủ các loại hình sân khấu kịch hát dân tộc (tuồng, chèo, cải lương) đến kịch nói. Với vai trò đạo diễn, anh đã dàn dựng hai tác phẩm âm nhạc thanh xướng kịch cho Nhà hát Vũ kịch Việt Nam: Hoa Lư - Thăng Long, bài ca dời đô và Định mệnh bất chợt (nhạc sĩ Doãn Nho và nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo). Và Lê Chức coi đây là một cuộc hợp tác nghệ thuật đầy sáng tạo.

Là một nghệ sĩ tài năng, anh luôn ý thức trao truyền nhiệt huyết đam mê sân khấu cho lớp trẻ. Bởi thế, ngoài công việc khá bận rộn, anh rất chú trọng công tác đào tạo, truyền nghề. NSND Triệu Trung Kiên biết ơn thầy Lê Chức đã mang luồng gió mới từ sân khấu thế giới về làm khởi sắc sân khấu cải lương Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21. Thời sinh viên tuy không được thầy lên lớp, nhưng thạc sĩ Đặng Minh Nguyệt - giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thì luôn gọi anh là thầy - bậc thầy về chuyên môn sân khấu và nhân cách ứng xử, rất xứng đáng được tôn vinh.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Lê Chức (thứ ba phải sang) đến chúc mừng đạo diễn Triệu Trung Kiên công diễn vở diễn mới

Đã bước qua tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nhưng trời cho anh sức khỏe dẻo dai, tinh thần làm việc đến quên mình khiến thanh niên chắc cũng phải nể phục. Thường thấy anh trên con xe máy đi về như con thoi từ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội…

Chưa lúc nào thấy anh nghỉ ngơi, xao nhãng, hoặc làm kiểu hời hợt cho có. Anh tham gia dạy lớp dẫn chương trình (MC) cho cả nước. Lớp nào có NSƯT Lê Chức đứng lớp là y như rằng sĩ số tăng lên đang kể. Học trò đăng ký theo học lớp thầy rất đông bởi nhiều lẽ. Trước hết, người học thông minh biết chọn thầy có chuyên môn giỏi, một nghệ sĩ có nghề thực thụ. Bài giảng của thầy truyền cảm, lắng sâu, thổi bao nhiệt huyết, lòng đam mê cho họ. Hơn thế, học trò kính phục thầy Lê Chức bởi chính nhân cách nghệ sĩ, sự hào hiệp, dễ gần.

Trời cho chất giọng vàng

Tôi đặc biệt ấn tượng với chất giọng chuẩn về Tiếng Việt của NSƯT Lê Chức. Anh có cách phát âm rõ ràng, tròn vành, rõ chữ; làm chủ âm lượng và tốc độ giọng nói, ngữ điệu khi lên bổng, lúc xuống trầm, đôi khi lại nhấn nhá tạo sự thu hút cho người nghe; phát triển độ rung vang cho giọng nói, trầm ấm, vang rền; và nhất là giọng nói ấy đã thực sự truyền cảm, lay động.

Anh đã được thừa hưởng gen di truyền từ song thân, cha: Nhà thơ, kịch sĩ Lê Đại Thanh; mẹ: Diễn viên không chuyên Đinh Ngọc Anh xinh đẹp, khuê các - người đầu tiên thể hiện thành công hình tượng người anh hùng Võ Thị Sáu (kịch bản của chồng) trên sân khấu Hải Phòng năm 1956.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Lê Chức trong buổi ra mắt vở  rồi“Thân phận nàng Kiều"

Vẫn chất giọng trầm ấm, anh cười hiền hiền nói: “Đó là di sản cha mẹ truyền cho các con, đặc biệt là út ít “cấn cơm, cấn sữa” của ông bà để làm “cần câu cơm”. 2 cụ Đại Thanh và Ngọc Anh đều có chất giọng khỏe và đẹp. Ông thể hiện những bài thơ của mình rất ấn tượng, khiến bao người nghe đều động lòng, xúc động. Chất giọng của bà vừa khỏe lại vừa trầm ấm, vang ngân, truyền cảm. Mỗi khi bà cất giọng nói, chất giọng mềm ấm phát ra, chiếc cổ kiêu cao càng tôn lên phong cách quý phái, sang trọng".

Anh tâm sự: "Tôi đọc thơ và diễn kịch từ khi học phổ thông. Giọng nói, tiếng nói của tôi là một phương tiện làm nghề nên tôi phải cố gắng rất cao để nâng tầm chuyên nghiệp; chuyên sâu hơn để có thể trở thành một chuyên gia và mong muốn của tôi là truyền nghề cho thế hệ sau. Tôi có niềm hạnh phúc được làm công việc mình yêu thích. Số tác phẩm nhận đọc là 600 đơn vị cũng không hề nhỏ và tôi cũng chưa dừng ở con số đó nếu trời cho sức khỏe”.

Chú thích ảnh
NSƯT Lê Chức cùng chị gái Lê Mai và cháu Lê Khanh  

Từ năm 1979, anh đã là người đầu tiên thu âm giọng đọc thơ vào đĩa trường ca Mặt đường khát vọng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Anh đã xử lý từng câu thơ, dòng thơ, dấu câu, cách ngắt nghỉ, nhấn giọng, khi dồn nén, khi bung phá nối nhau chạy từng đợt sóng… thể hiện một kỹ thuật điêu luyện của người làm nghề. Và điều quan trọng hơn anh đã thổi tiếng lòng, khắc khoải nhịp đập trái tim cộng hưởng trường ca Mặt đường khát vọng khiến câu thơ dạt dào cảm xúc, phơi phới niềm tự hào về đất nước - nhân dân. Tiếp nối những người đi trước được coi là “khai sơn, phá thạch” cho nghề MC, đọc lời bình tại Việt Nam như: NSƯT Văn Thành, NSƯT Trần Đức và NSƯT Lê Chức được coi là thế hệ tiếp nối.

Không lạ, khi anh trở thành giọng đọc chính của hầu hết những phim tài liệu quan trọng, như: Ký sự Thăng Long (80 tập trên tổng số 100 tập), Huyền thoại tàu không số (10 tập), Mùa Xuân toàn thắng, Đức thánh Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… các bộ phim chính luận, truyền thống của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các ban, bộ, ngành Trung ương; thể hiện lời bình cho nhiều lễ hội lớn, nhỏ…

(Còn tiếp)

Cho nghệ thuật sân khấu tỏa sáng

Hoạt động nghệ thuật của NSƯT Lê Chức được ghi nhận bằng những giải thưởng: Trường ca Lúa; 2 kịch bản Thơ - Múa (Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam); giải diễn viên; giải cho đạo diễn và một số vở diễn…

Với những đóng góp cho nghệ thuật sân khấu, năm 1997, anh được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

 Nhưng với anh còn có một giải thưởng quan trọng hơn cả là sự ghi nhận của công chúng cho mỗi vở diễn khi mình là một thành viên của ê kíp sáng tạo dù ở vị trí đạo diễn, tác giả hay kịch bản… Đôi mắt anh lấp lánh hoan ca khi vở rối Thân phận nàng Kiều (đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng) do anh và nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản đã đoạt 10 giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm Quốc tế lần thứ 4 (4 HCV, 6 HCB) và được công diễn tại Nhà hát Lớn, rạp Hồng Hà (Hà Nội) tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1820-2020).

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm