Nỗi buồn phở Việt!

06/04/2016 08:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, Hiệp hội các ngày kỷ niệm Nhật Bản đã chính thức lấy ngày 4/4 hằng năm là Ngày Phở Việt tại Nhật Bản nhằm tôn vinh món ăn đại diện của văn hóa Việt Nam. Trước đó, ngày 3/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico đã tổ chức “Ngày phở Việt” để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, mà cụ thể cũng là món phở.

Tức là, thế giới cũng ghi nhận phở như nét biểu trưng riêng có của Việt Nam. Trong thời buổi hội nhập, sản phẩm văn hóa được coi sức mạnh của các nền văn minh. Sản phẩm văn hóa được quốc tế ghi nhận sẽ là mũi nhọn của văn hóa đại chúng quảng bá văn hóa, hình ảnh một quốc gia, một cộng đồng người.  

Thế kỷ trước, nhà văn Vũ Bằng cũng trải lòng về phở Việt: "Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm... Rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm dịu, ngọt một cách thành thực, thiên nhiên, không có chất gì là hóa học...".


Nhiều du khác nước ngoài muốn thưởng thức món Phở khi đến Việt Nam

Tâm tình của nhà văn trong Miếng ngon Hà Nội cũng là tiếng lòng của bao người yêu ẩm thực, văn hóa nước nhà. Song, sự “thành thực, thiên nhiên, không có chất gì là hóa học” đã không còn đúng trong thời đại mới. Càng buồn khi những điều riêng có này đã bị biến chất, ngay khi phở Việt trước ngưỡng cửa vươn ra thế giới, như một sản phẩm văn hóa đặc biệt.

Đầu tiên, về bánh phở, năm 2013, tại TP. Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng phát hiện bánh phở có chứa Tinopal, Acid oxalic. Đây là những chất công nghiệp không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.  

Năm 2015, nạn “tẩy trắng” bánh bún, phở bằng huỳnh quang và hàn the cũng khiến dư luận dậy sóng. Hai chất này nằm trong danh mục chất cấm, có khả năng gây ung thư. Còn chuyện nhiều cơ sở kinh doanh bảo quản bánh phở bằng phoóc môn gây rúng động dư luận một thời cũng là bóng đen ám ảnh tinh hoa ẩm thực nước nhà, trong suốt thời gian dài.

Nước phở cũng bị “nhuốm bẩn” qua nhiều sự vụ: nước phở được chế bằng “siêu bột ngọt” có xuất xứ Trung Quốc, nước phở được chế biến bằng thịt ôi thiu, xương ninh nước phở là thực phẩm bẩn, ruồi nhặng bâu đầy…

Rau, thịt, hành trong phở cũng khiến nhiều người e ngại. “Cơn bão” thực phẩm bẩn “quét qua” mọi ngóc ngách trong đời sống ẩm thực Việt. Phở, món ăn đường phố được nhiều người ưa chuộng đương nhiên cũng không ngoại lệ. Thịt lợn “chế” thành bò được đưa vào phở. Rau, hành phun tẩm hóa chất được tỉa, chẻ mĩ miều bày trong bát phở…

Chúng ta đã bàn nhiều về mối nguy hại của an toàn thực phẩm tới sức khỏe cộng đồng. Song, đáng buồn không kém, thực phẩm bẩn còn ảnh hưởng lớn tới một khía cạnh tưởng chừng không mấy liên quan: văn hóa và quảng bá văn hóa.

Biểu tượng văn hóa quốc gia được chế biến từ những nguyên liệu bẩn. Sản phẩm văn hóa để quảng bá đã không giữ được sự “thành thật, thiên nhiên, không có chất gì là hóa học”. Tinh hoa dân tộc bị vấy bẩn bởi tư duy ăn xổi, hám lợi trước mắt.

Tất nhiên, không phải quán phở nào cũng chế biến “phở bẩn”. Song, phở Việt đang đứng trước thách thức rất lớn để giữ gìn hương vị riêng có, từ những con sâu làm rầu nồi canh.

Vừa qua, đại chiến dịch chống thực phẩm bẩn đang được phát động trên cả nước. Mong sao, phở Việt vẫn giữ được hương thầm, sắc ẩn cùng vẻ thanh sạch ngàn năm khi “cơn bão” thực phẩm bẩn qua đi.

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm