Trống đồng Sông Đà - Từ nhà quan lang Mường đến Paris

26/09/2023 19:22 GMT+7 | Văn hoá

(LTS): Vừa qua, TS Nguyễn Việt và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã được đề nghị nghiên cứu và tổ chức cùng bà con thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) và xưởng đúc đồng Hồng Thắm (làng Rồng, Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên) đúc lại trống đồng Sông Đà (hay còn gọi là trống Moulie, chiếc trống nổi tiếng thế giới, đang được bày tại bảo tàng Guimet ở Paris, Pháp). Sau một thời gian chế mẫu, tạo khuôn, cuối tuần qua, lễ đúc trống đồng đã diễn ra tại xưởng Hồng Thắm.

Sau các nghi thức thành kính, những người thợ đã vào cuộc và chỉ vài giờ sau, chiếc trống mới đúc đã hiện nguyên hình, trọn vẹn với chỉ vài lỗi nhỏ do áo trong khuôn xô, tạo vét nhăn nhẹ trên mặt. TS Nguyễn Việt đã có bài viết gửi độc giả về lai lịch chiếc trống này.

"Cặp mắt xanh" của Heger

Năm 1889, Chính phủ Pháp tổ chức tại Paris một triển lãm trưng bày những sản phẩm độc đáo của Pháp và các thuộc địa của Pháp bấy giờ. Một trong những sản phẩm độc đáo của xứ Đông Dương khi đó là chiếc trống đồng cổ mang tên trống Sông Đà (còn gọi là trống Moulie).

Trống đồng Sông Đà có đường kính mặt 78cm, đường kính tang rộng nhất là 86cm, cao 61cm. Đây là một trống đồng cổ thuộc loại lớn và rất hiếm có ở thời điểm đó. Nó báo hiệu cho các nhà khoa học trên thế giới về một nền văn mimh đồng thau cổ ở Đông Dương (Indochine) khác với các nền văn minh cổ đại xung quanh như Ấn Độ (Indo) và Trung Hoa (Chine).

Trống đồng Sông Đà - Từ nhà quan lang Mường đến Paris - Ảnh 1.

Trống Sông Đà trưng bày tại bảo tàng Guimet (ảnh chụp năm 2012)...

Chiếc trống này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều học giả trên thế giới. Một trong số đó là tiến sĩ Frank Heger, khi đó đang làm việc tại bảo tàng các dân tộc trên thế giới tại Wien (Áo). Ông đã dành thời gian để dập hoa văn, đo vẽ chi tiết kích thước như những tài liệu khoa học cơ bản về hiện vật quý giá này.

Hơn 10 năm sau, năm 1902, trống Sông Đà được trân trọng công bố trong cuốn sách nổi tiếng của Frank HegerAlte Metal Stromeln aus Suedost Asien (Trống kim loại cổ ở Đông Nam Á), Leipzig, 1902, với tư cách là đại diện duy nhất cho trống đồng loại 1 cổ nhất  theo hệ thống phân chia 4 loại hình của Heger (H1).

Kể từ đó cho đến nay đã hàng trăm lần trống Sông Đà từ cuốn sách của Heger được trích dẫn và lan truyền rộng rãi ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Trống đồng Sông Đà - Từ nhà quan lang Mường đến Paris - Ảnh 2.

... và bản vẽ ghi kèm kích thước trống Sông Đà do chính tay Heger tạo dựng năm 1889

Xứng đáng là "báu vật"

Trống đồng loại 1 Heger mà trống Sông Đà làm đại diện được các nhà khoa học trong và ngoài nước đặc biệt chú ý. Đây là chiếc trống Đông Sơn xuất hiện đầu tiên trong giới học thuật cuối thế kỷ 19, thuộc dòng trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa... Trống được biết đến là vật thờ trong nhà một Lang lớn ở tỉnh Hòa Bình. Khi đó Moulie làm Phó Thống sứ tỉnh Hòa Bình đã nhiều lần ngỏ ý mua lại, nhưng đều bị từ chối. Sau khi quan Lang Mường mất, bà vợ người dưới xuôi đã đồng ý nhượng lại cho Moulie.

Có mấy lý do để trống được giới hàn lâm trên thế giới quan tâm:

Thứ nhất, độ tin cậy của trống rất cao với hồ sơ lý lịch, chủ nhân khá rõ ràng. Cho dù việc trống được phát hiện ở đâu và trong hoàn cảnh nào còn chưa rõ, nhưng chí ít từ giữa thế kỷ 19 nó đã là báu vật trong nhà Lang Mường tỉnh Hòa Bình rồi.

Trống đồng Sông Đà - Từ nhà quan lang Mường đến Paris - Ảnh 3.

TS Nguyễn Việt (thứ ba từ trái sang) cùng “đội hình kỹ thuật chính” và mọi người chụp ảnh lưu niệm với trống đồng

Thứ 2, độ bảo tồn của trống rất tốt, gần như không bị nứt gãy, tu sửa, có hoa văn sắc nét rõ ràng giúp để lại nhiều thông tin quý giá cho tìm hiểu nền văn hóa Đông Sơn. Thật hiếm có những trống còn nguyên vẹn như vậy. Một số con kê trên mặt và trên thân tang trống đã bị rụng ra cho thấy có thể trống đã trải qua một quá trình ô-xi hóa nhẹ do chôn dưới đất, hoặc do quá trình sử dụng.

Thứ 3, trống Sông Đà được tư liệu hóa và được nghiên cứu từ rất sớm bởi những học giả hàng đầu thế giới. Và cho đến nay trống cũng đang ở một vị trí bảo tồn, bảo vệ, trưng bày trang trọng nhất trên thế giới Bảo tàng Guimet (Paris). Năm 1889 sau khi trưng bày tại Hội chợ Paris, trống Sông Đà đã biến mất, không để lại tung tích. Cho đến hơn 70 năm sau, năm 1960, người ta phát hiện trống còn nguyên vẹn trong kho bảo tàng quân đội Pháp tại Paris. Chính phủ Pháp đã chuyển giao trống cho bảo tàng Guimet cho đến ngày nay.

Kỹ thuật đúc và hoa văn trang trí

Nói đến "trống đồng" là nói đến một nhạc cụ thuộc bộ gõ được đúc bằng hợp kim đồng pha chì, thiếc mà đúng nghĩa từ dân gian chính là đồng thau (bronze). Thống kê cho thấy đa số trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam có tỷ lệ hợp kim khoảng 85-90% đồng (Cu), Chì (Pb) khoảng 8-12% và thiếc (Zn) 4-6%.

Trống đồng Sông Đà - Từ nhà quan lang Mường đến Paris - Ảnh 4.

Lễ đúc trống đồng với những nghi thức thành kính

Trống Sông Đà được đúc bằng khuôn 3 mang (2 mang ốp 2 bên và 1 mang úp làm mặt trống), một kỹ thuật phổ biến dùng để đúc trống thời Đông Sơn. Đến nay, 2 đường chỉ ráp khuôn còn rất rõ nét trên trống sông Đà, chia đều trống thành 2 nửa cân xứng. Trống có 4 quai, mỗi quai được tạo bởi một cặp 2 quai nhỏ hơn níu chắc với nhau. Quai được đặt cân xứng ở mỗi phần nửa trống, chia bởi đường ráp khuôn, một đầu quai bám vào sườn dốc xuống của tang, đầu kia bám vào thân khiến có thể liên tưởng sẽ có một đai thừng xuyên qua các quai ôm lấy eo tang để treo hoặc di chuyển một cách chắc chắn.

Trống đồng Sông Đà - Từ nhà quan lang Mường đến Paris - Ảnh 5.

Rất khẩn trương chuyển nồi nấu đồng vào vị trí đậu rót khuôn trống

Trống Sông Đà có dáng thân rất độc đáo khi phần eo thân/viền chân thu nhỏ hẳn vào so với phần eo thân/tang, khiến nhìn nghiêng dáng trống vươn lên, nở rộng tang và mặt trống.

Trang trí hoa văn tập trung nhất ở trên mặt chứng tỏ trống thường để đứng và được gõ từ trên xuống. Chính giữa mặt trống là hình nổi ngôi sao 14 cánh vuốt nhọn nằm gọn trong cụm tròn hình đĩa viền bởi băng các hình chữ S hình khối bình hành, bao bọc bằng 2 băng hẹp đường chấm rải.

Trống đồng Sông Đà - Từ nhà quan lang Mường đến Paris - Ảnh 6.

Thả những mảnh vỡ trống Đông Sơn thật vào nồi nấu!

Băng trang trí lớn tiếp theo là nội dung chính mô tả quang cảnh lễ hội với ngôi nhà sàn lễ nghi, bên trên có chim thần và bên trong có 2 người nâng chiếc cốc đồng 2 tay cầm dài chuyên dùng để dâng rượu cúng cho thần thánh. Đoàn người hóa trang nhảy múa ở phía trước (bên trái) và dàn người đánh trống trên sàn ở phía sau (bên phải). Tiếp đến là cảnh nhà kho và 2 người giã và sàng gạo bên những chú gà nhặt thóc rơi.

Trống đồng Sông Đà - Từ nhà quan lang Mường đến Paris - Ảnh 7.

Dỡ khuôn đúc trống đồng

Bố cục trên mặt trống không cân xứng, có thể là lỗi dồn hình của thợ cả, khi một nửa có đoàn người hóa trang gồm 4 vũ công, nửa kia chỉ có 3. Điều tương tự cũng xảy ra với băng chim bên ngoài, trong đó có 1 chim bay được thay thế bằng 2 chim đứng. Vành chắn lớn ngoài cùng trên mặt trống được phối trộn bởi 2 kiểu hoa văn: Hồi văn bình hành và hồi văn hình thoi.

Tang trống Sông Đà rất nở, rộng hơn mặt trống mỗi bề 4cm, đủ để chứa 6 thuyền chiến được chặn bởi 6 chú chim mỏ dài đứng ở giữa đầu và mũi thuyền. Người trên thuyền đều đội mũ gắn lông chim, đa số ngồi chèo thuyền, trong khi một vài chiến binh đứng cầm rìu, giáo. Tương ứng với 6 thuyền trên tang là 6 khung chia đều ở thân. Trong đó, 2 khung lớn ở giữa 2 quai có 2 chiến binh hóa trang, còn lại mỗi bên là ô có 1 chiến binh. Hình chiến binh khá ổn định với chiếc mũ lông chim cao. Tay trái cầm khiên, tay phải cầm xênh như đang múa. Tổng cộng đếm được 8 chiến binh.

Trục chuyển động của toàn bộ các hoạt động người, chim trên trống Sông Đà đều thống nhất trong chiều thuận phải, ngược chiều kim đồng hồ.

Phần diềm chân trống xòe ra, tuy vẫn nhỏ hơn đường kính mặt 8cm và đường kính tang 16cm, vẫn tạo thế vững chãi độc đáo.

Nhìn những hình người đánh trống trên giàn cạnh nhà sàn, ta có thể hình dung cách đánh trống thời xưa để tạo nhịp cho vũ công diễu hành cũng như tạo âm vang thần thánh cho lễ nghi shaman (thầy cúng) diễn ra trong nhà sàn. Trống Sông Đà giữ được đường nét mô tả rõ nét vào loại nhất khung cảnh lễ nghi trong nhà sàn, xác nhận việc dâng lễ cho thần thánh bằng những chiếc cốc đồng có 2 tai dài, một vật dụng rất tiêu biểu cho lễ nghi Đông Sơn.

"Chúng tôi đã lần theo mô tả và đo vẽ tỉ mỉ của Heger cũng như các bản ảnh, ghi hình của chúng tôi từ 1988, 2001, 2008... đến vài tháng gần đây nhất, để phác dựng chính xác khuôn đúc trống, từ vị trí con kê đến hoa văn và thành phần kim loại. Đây cũng là thử thách với xưởng đúc Hồng Thắm và các cộng sự xứ Thanh. Cách đây trên 20 năm tôi cũng đã từng cùng Công ty T&T phối hợp xưởng Hồng Thắm chế khuôn đúc trống Ngọc Lũ" - TS Nguyễn Việt.

TS Nguyễn Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm