Phát hiện chiếc trống đồng dâng cúng dưới chân núi Tản

03/04/2023 19:11 GMT+7 | Văn hoá

Hôm 1/4, khi nghe tin một nhà sưu tầm cổ vật thông báo phát hiện dòng minh văn chữ Hán viết theo lối "khải" khá muộn trên mặt một trống đồng phong cách Đông Sơn, chúng tôi nghĩ ngay đây là "quà của Cá tháng Tư". Tuy nhiên, khi anh bạn lễ mễ chở ô tô đến và khiêng vào phòng khách của bảo tàng thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, chúng tôi mới bật ngửa…

Giữa thanh thiên bạch nhật, một chiếc trống đồng khá lớn, đường kính mặt đo được 68cm, cao 55cm, với dòng minh văn khắc chìm nguyên thủy, rất sắc nét, gồm 26 chữ Hán-Nôm hiển hiện trên vành ngoài trống, nơi dành cho bốn khối tượng cóc ngự trị.

Thuộc loại Đông Sơn muộn

Chiếc trống còn khá nguyên vẹn, khi nằm dưới đất trống đặt ngửa, phần mặt áp sát đất, phần chân trống ở phía trên đã bị mất gần hết. Tuy nhiên phần thân, tang và mặt trống còn giữ được đầy đủ, lành lặn. Các băng hoa văn hình học dày đặc trên thân, tang và mặt trống dù đã bị bong loang lổ, vẫn cho phép nhận ra trống thuộc loại Đông Sơn muộn, thường thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, gần với dạng trống Lãnh Thủy Sung vùng Quảng Tây (Trung Quốc). Niên đại được cho là có từ thế kỷ 2-3 sau Công nguyên đến tận thời Đại Việt sớm, thế kỷ 11-12.

Phát hiện chiếc trống đồng dâng cúng dưới chân núi Tản - Ảnh 1.

Trống đồng mà Tô Thái phó dâng cúng đền Tản Viên từ thế kỷ 12

Đây là loại trống có mặt tràn ra ngoài, tạo thành rìa mặt trống, trên mặt trống có 4 cóc, ngôi sao 12 cánh mập ở giữa, có vành chim bay, vành người hóa trang biến điệu và những hình khánh dạng "bích" bốn cánh đặc trưng. Chiều vận động của cóc và chim vẫn tuân thủ truyền thống Đông Sơn (ngược chiều kim đồng hồ). Tang trống cong nhẹ, chỉ có một vành hoa văn gồm 6 băng nhỏ ngăn cách bởi các đường chỉ nổi (hai băng trơn ngoài cùng bao lấy hai băng những đường vạch thẳng, ngắn và trong cùng là hai băng những hình tròn đồng tâm). Đây là đồ án trang trí hình học chung cho cả vành miệng ngoài cùng và các vàng ngăn chạy dọc chia đều ô thân.

Nối giữa tang và thân là bốn quai trống tương ứng vị trí bốn cóc trên mặt theo chiều thẳng đứng. Phần chân đế đã bị mất gần hết, nhưng vẫn đủ để nhận ra kiểu trang trí các đỉnh tháp tam giác ngược như búp măng chĩa đầu xuống đất, rất đặc trưng cho loại hình giai đoạn muộn này. Quan sát các lớp gỉ bong trên bề mặt thân, tang trống, dễ dàng nhận ra hai lớp patine gỉ chồng lên nhau. Lớp trong có màu xanh lá cây đặc trưng, lớp áo ngoài có màu nâu gỉ sắt.

Phát hiện chiếc trống đồng dâng cúng dưới chân núi Tản - Ảnh 2.

Vết con kê trên trống đồng

Trống "cúng dường"

Điều đáng nói nhất ở đây chính là dòng minh văn chữ Hán-Nôm sắc nét, gồm 26 chữ, nằm gọn trong một khoang phần tư rìa mặt trống, giới hạn bởi vị trí hai con cóc.

Minh văn khắc trên mặt trống thuộc loại chữ to, lối "khải", khắc sâu, như cách khắc đục trên bia đá, chứ không phải lối khắc nhấp nháy trên đồng. Điều này, cùng với hiện tượng trống có hai lớp patine gỉ chồng lên nhau, cho thấy việc khắc chữ được tiến hành khi lớp bề mặt bên ngoài trống đã có lớp patine gỉ làm mất độ cứng tự nhiên của đồng thau. Hiện tượng này giúp giải thích sự cách biệt đáng kể của niên đại đúc trống và niên đại minh văn khắc trên trống.

Phát hiện chiếc trống đồng dâng cúng dưới chân núi Tản - Ảnh 3.

Đoạn minh văn có chữ Tô Thái phó

Dòng minh văn trên vành mặt trống khá dễ đọc: "Tân Mão niên, nhị nguyệt, nhị thập tứ nhật, Tô thái phó cúng dường Tản Viên sơn hạ tràng (trường) thần miếu đồng cổ nhất diện". Tạm dịch: Năm Tân Mão, tháng 2 ngày 24, Thái phó họ Tô cúng dường thần miếu ở chân núi Tản Viên một trống đồng.

Tuy minh văn chỉ ngắn ngủi như vậy, nhưng đã hé mở cho chúng ta nhiều điều bất ngờ, thể hiện sự tương tác chặt chẽ giữa ba dữ kiện: Năm Tân Mão, Thái phó họ Tô và việc dùng trống đồng cổ để cúng dường miếu thần chân núi Tản Viên.

Dưới đây là kết quả truy xét bước đầu của chúng tôi:

Thứ nhất: Tô Thái phó là ai? Trong lịch sử Việt Nam có một vị quan lớn nổi tiếng triều Lý ở thế kỷ 12 là Tô Hiến Thành. Chức vụ mà ông gánh vác lâu dài là chức Thái úy, nhưng sau đó ông được phong Thái phó. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trong dịp lập Long Trát làm Hoàng thái tử vào mùa Xuân năm Ất Mùi, Thiên Cảm Chí Bảo thứ 2 (1175) thì Tô Hiến Thành đã được phong làm Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sư, giúp rập dạy dỗ cho Hoàng thái tử ở Đông Cung.

Phát hiện chiếc trống đồng dâng cúng dưới chân núi Tản - Ảnh 4.

Minh văn có chữ năm Tân Mão

Thứ hai: Năm Tân Mão là năm nào? Chúng ta đều biết theo cách tính can chi thì cứ 60 năm lại quay lại một năm Tân Mão. Tra trong sử sách thời Tô Hiến Thành có một năm Tân Mão, đó là năm 1171. Năm Tân Mão này được ghi trong cả Toàn thư lẫn Việt sử lược -là hai cuốn sử sớm nhất hiện biết ở nước ta - ghi về hiện tượng động đất, khiến hư hỏng một số công trình kiến trúc, cung điện, đền miếu, trong đó có điện thờ Văn Tuyên Vương và đền Hậu Thổ. Nhà vua đã ra lệnh cho tu sửa những điện và đền đó. Sau đó nhà vua đi tuần xem dân tình trên khắp hải đảo, đất liền trong cả nước. Rất có thể việc Tô Thái phó cúng dường chiếc trống đồng vào miếu sơn thần, chân núi Tản Viên,diễn racùng sự kiện vua cho tu bổ điện thờ và đền hậu thổ năm Tân Mão 1171 đó.

Thứ ba: Niên đại trống đồng rõ ràng là không cùng niên đại minh văn. Theo phân kỳ của các nhà khảo cổ học Việt Nam, thì kiểu trống như chiếc trống có minh văn nêu trên thuộc loại muộn của trống Đông Sơn, được đúc trong khoảng thế kỷ 3 đến thế kỷ 7-8 sau Công nguyên. Hoa văn trên trống khá giống với hoa văn các mảnh khuôn đúc trống cùng thời khai quật được trong thành Lũng Khê (Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh). Đối chiếu với những trống đồng đời Lý với những hoa văn hình rồng, hoa lá đặc trưng, thì trống này mang đậm phong cách truyền thống Đông Sơn hơn là phong cách Lý Trần. Còn nếu so với các minh văn cùng thời Đông Sơn, phát hiện khá nhiều trên đồ đồng, thì minh văn trên trống này khác hẳn và rất gần với minh văn trên bia đá thời Đại Việt.

Phát hiện chiếc trống đồng dâng cúng dưới chân núi Tản - Ảnh 5.

Đoạn minh văn có chữ Tản Viên sơn hạ tràng thần miếu

Xem xét kỹ đường khắc có thể thấy chúng được khắc sau khi trống đồng đã hình thành lớp patine gỉ xanh và trước khi bị phủ lớp patine sau màu nâu gỉ sắt. Từ đó cho phép gợi ý là chiếc trống có thể đã được người dân đào lên từ trước đó, sau dâng cho Tô Hiến Thành để ông cúng dường cho ngôi miếu thần dưới chân núi Tản Viên. Hiện tượng người dân phát hiện ngẫu nhiên đồ đồng cổ trong lúc đào đất khiến ta liên tưởng đến việc người dân làng Ngọc Lũ năm 1889 đi phu đắp đê ở làng bên, phát hiện trống đồng đã dấu nhẹm, đến đêm ra đào đưa về, rồi cúng dường cho chùa làng Ngọc Lũ. Hơn 10 năm sau, 1902, Viện Viễn Đông bác cổ Pháp mới biết và trưng dụng, bày trong Hội chợ đấu xảo 1902 tại Hà Nội.

Câu chuyện cúng trống đồng vào đền của Tô Thái phó kể trên khiến liên tưởng đến phát hiện gần đây của chúng tôi về mảnh trống đồng Đông Sơn thế kỷ 1 sau Công nguyên ở vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Trống này có dòng minh văn Champa cổ, nhắc đến tên một vị vua Lâm Ấp ở thế kỷ 6 là Rudravarman, đã cúng trống lớn cho một ngôi đền nào đó.

Dòng minh văn trên trống đồng cúng dường cho miếu sơn thần Tản Viên đã góp thêm nhiều tư liệu quý để hiểu vai trò tâm linh to lớn và lâu dài của văn hóa trống đồng ở Việt Nam. Đồng thời, hiện diện vật thật gắn với một nhân vật lịch sử có công lao to lớn trong quá trình phát triển triều đình nhà Lý, cũng như nước Đại Việt sớm, trong thế kỷ 12: Thái úy - Thái phó Tô Hiến Thành.

"Chiếc trống có thể đã được người dân đào lên từ trước đó, sau dâng cho Tô Hiến Thành để ông cúng dường cho ngôi miếu thần dưới chân núi Tản Viên" - TS Nguyễn Việt.

Nguyễn Việt - Phan Anh Dũng - Mai Sĩ Tất Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm