Trẻ em xơi mì ăn liền

03/06/2014 07:40 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Dạo này bà chủ mệt mỏi với cậu quý tử ở nhà quá. Trước đây, mỗi lần đi chợ hay siêu thị với con là nó lại đòi mua bằng được một cái gì đó, thường là đồ chơi. Nhưng dạo này cu cậu toàn đòi mì tôm, trời thì nóng thế này, ăn mì vừa khó tiêu hóa vừa bị nguy cơ béo phì. Nhưng nếu không được là nó ăn vạ. Bà chủ sợ đến nỗi bây giờ chẳng dám cho con theo mỗi lần đi mua đồ.

Không hiểu sao, dạo này quảng cáo mì tôm trên ti vi lại chuyển hướng nhắm vào trẻ em, toàn hình ảnh các bé vui chơi ngộ nghĩnh, với đồ chơi, với diều, với cá vàng… Trẻ con bây giờ hàng ngày được xem quá nhiều quảng cáo sản phẩm trên ti vi nên khôn hơn và ý thức sở hữu cao hơn trước.

Có lần bà chủ phải để lại cả cái xe đã chất nhiều đồ ăn trước quầy thanh toán để lôi con về khi nó "ăn vạ" tại siêu thị. Nhưng cũng không ăn thua, khi cứ tới bữa là cu cậu lại đòi ăn mì, “ứ” chịu ăn cơm.

2. Trẻ nhỏ cần sự tác động của thế giới bên ngoài để phát triển, trong thời buổi này, tác động nhanh nhất là từ ti vi và trẻ em luôn ở vị trí thụ động…

Ngay trào lưu truyền hình thực tế cho trẻ em cũng chưa bao giờ xuất hiện nhiều như bây giờ. Hết The Voice kidsĐồ rê mí đôi đến Con đã lớn khôn, Trẻ em luôn đúng, Vũ điệu đam mê đến Vietnam’s Got Talent, sắp tới lại có Bước nhảy hoàn vũ phiên bản nhí… Ôi nhiều vô kể.

Khi cha mẹ đầu tắt mặt tối với công việc văn phòng, sau đó là nội trợ, không gì giúp bọn trẻ ngồi yên bằng việc đặt chúng trước màn hình và dúi vào tay chúng cái remote. Mà chúng ngồi yên xem ti vi còn là tốt.

Các nhà quảng cáo thừa tinh tế để gây ảnh hưởng tới quyết định mua sắm của cha mẹ từ các cục cưng của họ. Loại thứ nhất là để bọn trẻ lặp đi lặp lại yêu sách của mình cho đến khi nào cha mẹ không thể kháng cự, đành phải mua cho chúng. Còn kiểu quảng cáo thứ hai, “đẳng cấp” hơn, tinh vi hơn là khiến cho cha mẹ chúng như ông bà chủ đây cảm thấy món đồ ấy có tầm quan trọng rất lớn với con. Khi những đứa trẻ ngày càng ít, điều kiện kinh tế ngày càng nhiều, thời gian cho con cái ngày càng ít, thì cha mẹ sẽ tự động tìm cách bù đắp cho con mình thôi.

Người ta đã nghiên cứu, một đứa trẻ 6 tháng tuổi đã biết nhận diện màu sắc hình dáng của logo và biểu tượng hãng dù chưa biết nói. Khi lên hai, chúng đã có thể nhận diện thương hiệu quen thuộc và đến tuổi đến trường thì có thể phân biệt hàng trăm logo của các hãng cũng như đã hình thành sở thích đối với một số thương hiệu.

Dựa trên những cuộc nghiên cứu vô cùng tốn kém và quy mô ấy, các nhà quảng cáo thấu hiểu sâu sắc tâm lý của trẻ nhỏ, từ hành vi, trí tưởng tượng, cho đến ước mơ. Chiếm được trái tim của chúng sẽ chiếm được hầu bao của cha mẹ chúng. “Nhưng rõ ràng, mì ăn liền thì không phù hợp với trẻ nhỏ” - bà chủ hậm hực nói với ông chủ.

Đúng là thời đại mì ăn liền trên truyền hình, người am hiểu truyền hình như bà chủ cũng khó tránh được sức mạnh của nó.

Remote
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm