Superman bước vào tuổi 75: Vẫn là siêu anh hùng thứ nhất

19/06/2013 13:00 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Năm nay, Siêu Nhân (Superman) kỷ niệm sinh nhật thứ 75, thời điểm tập truyện đầu tiên ra mắt vào năm 1938. Khi danh tiếng của nhân vật này đang lu mờ trước Người Dơi hay Người Sắt thì thắng lợi phòng vé của Man of Steel lại mang tới cho người hâm mộ hy vọng.

Hãng tin CNN đánh giá những năm vừa qua, có vẻ như Siêu Nhân đã bị qua mặt, cả về doanh thu phòng vé lẫn danh tiếng, trước các siêu anh hùng “trẻ hơn” như Người Dơi (ở chung “nhà” DC Comic) và biệt đội siêu anh hùng của Marvel (Người Sắt, Thor, Người khổng lồ xanh...).

Người đàn ông thép vẫn cuốn hút

Câu hỏi đặt ra là: Siêu Nhân, nhân vật đã khởi đầu thời đại của các siêu anh hùng cách đây 75 năm, liệu đã đánh mất sức thu hút khán giả?

Man of Steel là câu trả lời “Không” đanh thép. Trong 3 ngày cuối tuần qua, Siêu Nhân đã thu về 200 triệu USD từ phòng vé toàn cầu, tính cả Việt Nam. 7 năm kể từ phần phim trước, Superman Returns (2006) - một phim có doanh thu không quá thấp nhưng vẫn bị coi là thất bại, Man of Steel đã lấy lại thể diện cho Siêu Nhân.

Thực tế doanh thu cao của phim này không đáng ngạc nhiên. Kinh phí của phim là 225 triệu USD, chưa tính đến khoản tiền phải trả cho 100 đối tác tiếp thị của bộ phim trên toàn cầu. Khi làm phim, nhà sản xuất Warner Bros đã đặt mục tiêu chắc chắn phải vượt qua Superman Returns.

Hình ảnh Siêu Nhân trong tập truyện đầu tiên xuất bản năm 1938 (trên) và trong phim Man of Steel - phiên bản điện ảnh mới nhất năm 2013 (dưới)

Siêu anh hùng đầu tiên và đậm chất người

Nhắc lại thời Siêu Nhân thống trị thế giới các siêu anh hùng, đó là khoảng vài thập kỷ trước. Arie Kaplan, một nhà văn viết truyện tranh có tiếng, nói về nhân vật Siêu Nhân như một biểu tượng văn hóa đại chúng: “Siêu Nhân có nhiều tầng nghĩa hơn người ta tưởng, là một tác phẩm chắp vá: ở đó có một Tarzan, một nghệ sĩ xiếc, một vận động viên”.

Có thể bổ sung: Siêu Nhân, một người ngoài hành tinh rơi xuống trái đất, một cậu bé con nhà nông ở miền Tây nước Mỹ (phần đời này được tái hiện trong series truyền hình Smallville), vừa có chất người vừa có chất siêu anh hùng. Một kẻ nhập cư (từ hành tinh khác), một đứa trẻ mồ côi được nhận nuôi, thông minh và có sức mạnh siêu phàm, nhưng lại cô đơn và nhút nhát.

Riêng tên gọi “Siêu Nhân” (Superman) từng được dùng để chỉ cựu Tống thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, một nhân vật quan trọng của thế giới trong thế kỷ 20.

Trên thực tế, nguyên mẫu của Siêu Nhân là đề tài khiến một thế hệ học giả tranh cãi trong một thời gian dài. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhân vật này ra đời (những năm 1930) đã đáp ứng thị hiếu của công chúng trong một giai đoạn khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị. Tầm ảnh hưởng của Siêu Nhân sau đó vẫn tiếp diễn.

Cho dù điều kiện chính trị xã hội mỗi thời mỗi khác, nhưng tính biểu tượng của Siêu Nhân vẫn còn đó: phản ánh giấc mơ muôn thuở của con người. Nhà nghiên cứu lịch sử truyện tranh Mark Evanier nói với CNN: “Ai cũng mơ được mạnh mẽ hơn, ai cũng mơ mình là bất khả chiến bại, ai cũng mơ mình tuyệt vời hơn trong đời thực”.

Siêu Nhân tồn tại bí mật trong vỏ bọc là cậu học sinh bình thường Clark Kent, đó là chìa khóa thành công của nhân vật này, theo Evanier. “Khi bạn bị áp bức, khi bạn thấy bị đối xử như một kẻ yếu đuối và kém cỏi, bạn ao ước trong đầu: ta sẽ chui vào một bốt điện thoại và biến thành Siêu Nhân. Trẻ con mơ thế và người lớn cũng vậy”.

Không hợp thời trang nhưng vẫn là bất hủ

Theo CNN, khi Siêu Nhân được hai cậu học sinh trung học Jerry Siegel và Joe Shuster sáng tạo ra vào năm 1933, đó được coi là một cuộc cách mạng.

Rắc rối xảy ra khi nhân vật được phát triển về sau. Các tác giả đã khiến Siêu Nhân trở nên “ảo” hơn: quá hoàn hảo, quá thành thực, quá tốt, quá giống thần thánh. Họ thêm vào các năng lực siêu nhiên mới trong khi thực ra cần một cốt truyện ý nghĩa. Kết quả: mất đi sự kết nối giữa Siêu Nhân và thế giới thực.

“Khi cái ác trở nên phức tạp hơn, Siêu Nhân lại quá đơn giản, chỉ có trắng và đen trong một môi trường đạo đức đã bị chuyển sang màu xám - nghĩa là trắng đen lẫn lộn” - Jerald Podair, giáo sư ở Đại học Lawrence ở Wisconsin, nhận định.

Giá trị thị trường của Siêu Nhân cũng không còn như trước, sau một vài biến động với bản thân nhân vật, chẳng hạn cái chết trong phiên bản truyện tranh năm 1992 (mặc dù vậy, về sau Siêu Nhân vẫn tiếp tục xuất hiện). Hiện tại, độ nổi tiếng với công chúng đương đại của Siêu Nhân đã bị Người Dơi và biệt đội The Avengers vượt qua.

Siêu Nhân cần thay đổi để lấy lại vị thế, nhưng với cộng đồng hâm mộ quá lâu năm và trung thành của nhân vật này, mỗi thay đổi đều là một mạo hiểm. Năm nay, khi nhà sản xuất công bố bộ trang phục mới của Siêu Nhân mà không có chiếc quần lót đỏ vốn là biểu tượng, người hâm mộ đã nổi cơn thịnh nộ (nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận).

Có thể Siêu Nhân không còn là nhân vật hợp thời trang. Có thể có quá nhiều cạnh tranh trong thế giới siêu anh hùng vừa đông vừa đa dạng hiện nay. Nhưng 75 năm đã trôi qua, sức ảnh hưởng và giá trị của Siêu Nhân vẫn còn vô tận. Mỗi khi người ta tò mò về lịch sử của các siêu anh hùng, Siêu Nhân vẫn được nhắc đến.

“Người ta sẽ tiếp tục sáng tạo về Siêu Nhân vì ngành công nghiệp siêu anh hùng nợ nhân vật này rất nhiều” – Kaplan nói.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm