Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 5): Theo chân thợ cả lên một chiếc thuyền Đông Sơn lộng lẫy

09/11/2023 16:22 GMT+7 | Văn hoá

Kỳ này, tôi sẽ dẫn các bạn lên thăm một chiếc thuyền lộng lẫy nhất đương thời. Hãy cùng tưởng tượng đây chính là chiến thuyền đã ngang dọc sông Hồng từng chiến thắng những cuộc xâm chiếm của các bộ tộc du mục thượng nguồn.

1. Tôi tin rằng những chiến thuyền lớn mà người thợ cả đúc đồng Đông Sơn đã từng chứng kiến tận mắt để khắc vẽ trang trí trên đồ đồng Đông Sơn là những chiến thuyền có thực. Chúng tôi may mắn đã khai quật và trục vớt được những bằng chứng thuyền độc mộc có mộng để nâng cao mạn thuyền lên ba bốn chục phân và mở rộng lòng thuyền tới hàng mét. Phần quan tài còn lại trong khu mộ Động Xá khai quật được năm 2004 và con thuyền vớt lên ở vùng sông Lục Đầu cho ta thấy rất rõ một sự thực về lòng thuyền, đuôi thuyền của những thuyền chiến Đông Sơn đó.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 5): Theo chân thợ cả lên một chiếc thuyền Đông Sơn lộng lẫy - Ảnh 1.

Chi tiết phần đầu con thuyền Đông Sơn 2400 - 2500 năm trước

Để lên thuyền, sẽ có những cầu thuyền. Đó là hệ thống cọc sát bờ nước để gác tre, gỗ từ bờ ra chỗ sâu khoảng 1 - 2m. Những con thuyền gỗ độc mộc mà chúng tôi khai quật được, kể cả phần ván ghép cao lên, có thể có độ sâu mớn nước tới 80cm. Vì thế, một cầu thuyền cần ra tới độ sâu ven bờ 1 - 1,2m. Một chiếc cột đầu vót nhọn, trên có mộng gác xã gỗ, vớt được cạnh các thuyền độc mộc năm 2018, cho thấy chiều cao tới mặt sàn là 1,2m, rất phù hợp với một cầu thuyền Đông Sơn bình thường.

Vị thợ cả đáng kính sẽ dẫn những vị khách tham quan theo chiếc cầu đó lên thuyền. Vùng sông Lục Đầu chứa những thuyền Đông Sơn dưới đáy sông, ở không xa các khu mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn như Kiệt Thượng, La Đôi… là vùng nước ngày nay vẫn còn chịu ảnh hưởng của thủy triều về độ nhiễm mặn, nhưng không bị chi phối nhiều lắm bởi biên độ dao động mực nước.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 5): Theo chân thợ cả lên một chiếc thuyền Đông Sơn lộng lẫy - Ảnh 2.

Chiếc thuyền Đông Sơn với hàng lỗ mộng hai bên mạn thuyền được định tuổi C14 vào thế kỷ 4 trước Công nguyên (2400 - 2500 năm cách ngày nay).

Tính theo tương quan người/thuyền được vẽ khá thống nhất trên 300 tiêu bản hình thuyền thời Đông Sơn mà tôi đã có thì bề dày mạn thuyền khoảng 1/2 thân người (chừng 80cm). Chiều dài thuyền khoảng 6 thân người (9 - 10m), phần đuôi và mũi nâng cao khoảng gấp đôi thân người (tầm 3m). Sạp thuyền có độ cao dưới vai người (khoảng 1 - 1,2m), rộng khoảng một thân người (1,5 - 1,6m). Kích thước như vậy rất giống những thuyền độc mộc Đông Sơn chúng tôi vớt được. Từ những thuyền vớt được này có thể nhận ra rất rõ khoảng 8 - 10 thanh ngang làm chỗ ngồi. Những thanh ngang này được đẽo vừa căng chiều rộng thuyền và tại vị trí cố định sẽ khoét một khấc sâu để hãm chúng không bật được lên trên. Số lượng thanh ngang đó cũng khá khớp với thống kê người ngồi chèo thuyền trên thuyền Đông Sơn.

Như đã nói, với những thuyền chiến lớn, mạn thuyền độc mộc được cơi nới cao và rộng hơn. Việc đặt trên đó một sạp thuyền cao khoảng 1m không phải là quá khó. Các sạp thuyền này đều làm ở vị trí đuôi thuyền, phía trước vị trí đà công (người chèo lái). Sạp thuyền có thể làm bằng tre gỗ. Đáng tiếc, cho đến nay chúng tôi chưa tìm thấy những chứng cứ hiện vật thật của các sạp này và hoàn toàn phải dựa vào sáng tác của thợ cả đúc đồng.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 5): Theo chân thợ cả lên một chiếc thuyền Đông Sơn lộng lẫy - Ảnh 3.

Thuyền trên tang trống là những chủ đề cụ thể hàm chứa những nội dung tâm linh đặc biệt cũng dành riêng cho thợ cả thể hiện

Bên trên sạp là vị trí khá ổn định của một chiến binh bắn cung nỏ. Tầm cao luôn là vị trí lợi thế của xạ thủ. Trong các mô hình nhà lầu quý tộc thời Tam Quốc, Lục Triều ít thế kỷ sau Đông Sơn thường thấy bố trí những tay cung nỏ ở các góc lầu trên cao. Phía dưới lầu có khi là nơi ngồi của chủ thuyền hay thủ lĩnh, tay cầm quạt hay nâng rượu. Đa số là nơi chứa đồ, gồm cả những chiến lợi phẩm như trống, bình, vò đồng…

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 5): Theo chân thợ cả lên một chiếc thuyền Đông Sơn lộng lẫy - Ảnh 4.

Hình vẽ những chiến thuyền Đông Sơn do các thợ cả tạo ra trên thân thạp đồng Đông Sơn (bản rập hoa văn thạp Nguyễn Đình Sử)

Chính giữa thuyền luôn là vị trí ổn định của cột cờ và thường có một chiếc trống da đặt ngang. Hình ảnh ổn định bên chân cột cờ thường được thợ cả phác họa một người đánh trống và bên kia dưới cột là một tù binh mình trần bị trói giật cánh khuỷu. Khoảng cách còn lại giữa cột cờ và sạp lầu, ngoài người đánh trống, luôn là nơi của một hoặc hai chiến binh trang điểm mũ lông cao, đóng khố dài, tay trái cầm khiên, tay kia cầm vũ khí. Phía mũi thuyền có ba chiến binh: Một người ở đầu thuyền ngồi ở vị trí hô bắt nhịp và hoa tiêu thuyền. Người tiếp theo giơ cao vũ khí, đôi khi cả đầu lâu quân địch. Người thứ ba đứng sát tù binh sẽ đảm nhiệm vai trò đao phủ. Đầu tù binh được hiến tế thần thánh.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 5): Theo chân thợ cả lên một chiếc thuyền Đông Sơn lộng lẫy - Ảnh 5.

Một chiếc thạp thuộc phong cách Đông Sơn Tây Âu - băng thú bên dưới gồm cả hổ và hươu thần có cánh. Hiện vật Bảo tàng Yên Bái đang được tác giả rập hoa văn

"Một người ở đầu thuyền ngồi ở vị trí hô bắt nhịp và hoa tiêu thuyền. Người tiếp theo giơ cao vũ khí, đôi khi cả đầu lâu quân địch. Người thứ ba đứng sát tù binh sẽ đảm nhiệm vai trò đao phủ. Đầu tù binh được hiến tế thần thánh" - TS Nguyễn Việt.

2. Đứng trên thuyền, vị thợ cả chỉ cho xem quang cảnh trên trời là đàn chim bay lượn, trên bờ là đàn hươu nai tung tăng, dưới nước là rùa, cá... Đó là một quang cảnh trở thành chuẩn mực thuyền bè, sông nước tâm linh Đông Sơn do thợ cả sáng tạo ra. Nó được thánh thần, các thủ lĩnh và chúng dân Âu Lạc công nhận.

Kiểu thuyền kinh điển kể trên là kiểu thuyền tâm linh Đông Sơn chuẩn, thuộc phong cách Ngọc Lũ, Hợp Minh, Miếu Môn, Cổ Loa… mang theo nền nếp Văn Lang của Lạc Việt.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 5): Theo chân thợ cả lên một chiếc thuyền Đông Sơn lộng lẫy - Ảnh 7.

Chiếc thạp kiểu dáng thạp Hợp Minh, nắp thạp với 4 tượng bồ nông, trên thân thạp có thể thấy hình thuyền Đông Sơn. Sưu tập Kính Hoa (Hà Nội)

Kiểu thuyền Đông Sơn Tây Âu khác hẳn, đơn giản hơn. Những thuyền trang trọng nhất có vị chỉ huy khăn áo chỉnh tề cầm kiếm. Sạp thuyền thấp ở giữa, nơi thầy cúng làm lễ dâng thần thánh. Đầu thuyền vẫn giữ nguyên vị trí người hoa tiêu bắt nhịp chèo, lái. Ngồi trên các thanh ngang thuyền là trạo công (người chèo thuyền) và đuôi thuyền vẫn có một đà công chèo lái. Đầu và đuôi thuyền Tây Âu được trang trí hình hoa ở đuôi thuyền và hình đầu thú mũ hay lưỡi dài vươn cao. Thợ cả Tây Âu ít khi đưa cảnh chim, thú, cá vào băng tạo thuyền nhưng mô tả con người sống động và ít tính hình học, biểu tượng hơn.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 5): Theo chân thợ cả lên một chiếc thuyền Đông Sơn lộng lẫy - Ảnh 9.

Bản rập hoa văn trên thạp đồng Hợp Minh (Yên Bái) do tác giả trực tiếp thực hiện

Cảm ơn thợ cả Đông Sơn, đã đến giờ khởi hành, mời quý khách xuống thuyền. Đoàn thuyền sẽ tiếp tục đi đến nơi hành lễ ở một bãi sông tâm linh để tế thần thánh đã giúp thắng trận và cầu cho mùa màng tốt tươi…     

Thợ cả và "bài toán" thủy triều

Thời Đông Sơn, bờ biển có thể gần hơn nên ít nhiều có chịu ảnh hưởng biên độ thủy triều khác nhau, nhất là mỗi dịp triều cường. Câu ghi chú nổi tiếng trong sách Quảng Châu ký thế kỷ 3 - 4, được Thủy kinh chú dẫn lại, rằng việc trồng lúa ở Giao Chỉ, Cửu Chân "theo nước triều lên xuống mà làm" là hoàn toàn xác thực. Vì vậy, việc cạp mạn những thuyền chiến lớn Đông Sơn phải tính toán sao không bị mắc cạn mỗi khi thủy triều xuống.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm