Thợ Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 3): Thợ cả tạo khuôn, những người được 'đời' chọn

26/10/2023 14:00 GMT+7 | Văn hoá

Hôm nay chúng ta sẽ dõi theo những tác phẩm "hội họa, điêu khắc" kinh điển nhất trong nghệ thuật tâm linh trang trí trên đồ đồng Đông Sơn. 

Trên phương diện thống kê, có tới trên 95% đồ đồng Đông Sơn được trang trí mang tính mỹ thuật ứng dụng đơn giản hơn là mang tính kể chuyện. Khoảng 5% hiện vật Đông Sơn còn lại có nội dung trang trí đậm nét sự tích, khiến người xem có thể "đọc" ra những nội dung hàm chứa ý tứ, cốt truyện tâm linh trong lịch sử đương đại.

1. Lần tìm trong khối tư liệu hàng ngàn bản dập, hình chụp hoa văn trang trí Đông Sơn, chúng tôi nhận thấy  những nội dung mang theo cốt truyện tâm linh đó được thể hiện chủ yếu trên mặt, thân một số trống đồng, thạp đồng tiêu biểu. Sự độc đáo và tính tương đối thống nhất của các nội dung trang trí trên các đồ đồng đó cùng với một số khối tượng cho phép ta hình dung ra diện mạo lễ nghi chính thức mang tính cộng đồng cao nhất trong xã hội Đông Sơn.

Như đã nói trong kỳ 2, chỉ một số thợ cả thuộc 2 tuyến lò đúc Đông Sơn Tây Âu, Lạc Việt mới có thể được giao trọng trách tạo nên những đồ đồng "quốc bảo" này.

Chúng ta sẽ lần lượt đề cập đến nội dung trong từng tác phẩm một. Hôm nay tôi muốn "đọc" cùng các bạn nội dung tâm linh mà một thợ cả Đông Sơn nào đó đã tạo nên trên các băng trang trí của 2 chiếc thạp đồng phong cách thạp bảo vật quốc gia Hợp Minh.

Thợ Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 3): Thợ cả tạo khuôn, những người được 'đời' chọn  - Ảnh 1.

Thạp Hợp Minh với lớp giấy bản rập hoa văn bên ngoài do chính tác giả tiến hành năm 2013 tại Bảo tàng Yên Bái (bên trái) và một chiếc thạp cùng kiểu có nguyên nắp với bốn con hổ ở vị trí bồ nông, nhưng chỉ có duy nhất một băng hình thuyền ở giữa

Việc chọn "đọc" nội dung trang trí trên 2 thạp này có một lý do duy nhất: Chỉ có 2 thạp này mới có băng hình lễ hội với nhà sàn, dàn nghệ nhân đánh trống, giã gạo và vũ công hóa trang nhảy múa, bên trên băng trang trí các thuyền chiến trong lễ khải hoàn.

Thạp Hợp Minh được phát hiện trên sườn đồi sát sông Hồng phía tả ngạn, bên kia cầu dẫn vào thành phố Yên Bái ngày nay. Chiếc thạp cao khoảng 40cm, còn nguyên nắp thạp với 4 khối tượng chim bồ nông. Thân thạp trang trí dày đặc gồm 4 khoanh chính tính từ trên xuống dưới: chim bồ nông, lễ hội quanh nhà sàn, thuyền chiến và hươu nai.

Chiếc thạp thứ 2 phát hiện trên sông Lô đoạn chảy qua thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Hiện nằm trong sưu tập Nhà Hàng Trống Đồng Đông Sơn (Hà Nội), chiếc thạp này không còn nắp, cao khoảng 40cm, trên thân trang trí kín mít với nội dung 4 khoanh trang trí chính rất giống với thạp Hợp Minh.

Thợ Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 3): Thợ cả tạo khuôn, những người được 'đời' chọn  - Ảnh 2.

Hình trên thạp Hợp Minh: bên cạnh nhà kho chứa những cụm gạo là cảnh ba người giã, sàng gạo làm cơm cúng và gà chim xung quanh

So với một số thạp đồng Đông Sơn tiêu biểu khác như Đào Thịnh, Xuân Lập, Lào Cai, thạp Mai Xuân Trường, Nguyễn Đình Sử, Barbier-Mueller, Việt Khê… mà chúng tôi sẽ có dịp đề cập tới trong những phần sau, 2 thạp nói trên cung cấp cho chúng ta một nội dung tâm linh Đông Sơn quan trọng: các nghi lễ thể hiện trong và xung quanh nhà sàn lễ nghi. Những nội dung này cũng chỉ mới thấy trên một số mặt trống đồng như Ngọc Lũ, Sông Đà, Hoàng Hạ, Cổ Loa… Sự giống nhau trong bố cục, chủ đề các nội dung hành lễ được mô tả trên trống, thạp kể trên cho thấy tính thống nhất cao của tư duy tâm linh xã hội Đông Sơn được một vài thợ cả đúc đồng nắm giữ và thể hiện.

"Mục đích đúc ra các thạp đồng hoàn toàn không nhằm chế sẵn những chiếc quan tài. Chỉ khi có tang ma, chủ nhân thạp đồng mới dùng vật qúy này thay cho quan tài mà thôi" - TS Nguyễn Việt

2. Để đọc hiểu mạch tư duy của người thợ cả Đông Sơn đã được xã hội Đông Sơn trao gửi quyền tạo tác ý nguyện tâm linh của cộng đồng, chúng tôi tập trung dưới đây mô tả từng yếu tố thể hiện trên chiếc thạp đồng bảo vật quốc gia Hợp Minh (Yên Bái).

Trước hết, xin có vài lời về chức năng của thạp đồng Đông Sơn. Trong một công trình chuyên khảo về thạp đồng Đông Sơn đăng trên tạp chí quốc tế Art & Culture, Geneva, 2005, tôi đã từng chứng minh và xác định mục đích sản xuất ra những chiếc thạp đồng Đông Sơn là dùng để đựng rượu trong các lễ tiệc cộng đồng.

Thợ Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 3): Thợ cả tạo khuôn, những người được 'đời' chọn  - Ảnh 4.

Một chiếc thạp thuộc phong cách Đông Sơn Tây Âu - băng thú bên dưới gồm cả hổ và hươu thần có cánh. Hiện vật Bảo tàng Yên Bái đang được tác giả rập hoa văn

Chiếc thạp đồng Đông Sơn lớn nhất là thạp Đào Thịnh có thể chứa tới 200 lít. Hai chiếc thạp mà chúng ta đề cập đến ở đây thuộc dạng thạp lớn phổ biến có chiều cao trên dưới 40cm, sức chứa khoảng 40 lít. Hiện trạng những thạp đồng Đông Sơn cỡ lớn tìm được thường có chứa xương người ở bên trong. Thạp Hợp Minh cũng vậy, với hài cốt khá đầy đủ của một em bé chứng 4 - 5 tuổi được bọc trong các lớp cói vải nằm gọn trong chiếc thạp. Tuy nhiên, mục đích đúc ra các thạp đồng hoàn toàn không nhằm chế sẵn những chiếc quan tài. Chỉ khi có tang ma, chủ nhân thạp đồng mới dùng vật quý này thay cho quan tài mà thôi.

Vì vậy, trước mắt chúng ta cũng như trong tâm trí hình dung của người thợ cả Đông Sơn không phải là một chiếc quan tài bằng đồng mà là một đồ đồng đựng rượu phục vụ lễ hội.

Thạp Đông Sơn đựng rượu có dáng hình trụ, đáy thu miệng loe, thân lượn cong khá giống hình chiếc vại sành sau này. Thạp có nắp đậy bằng đồng thường được tạo thêm một cặp quai cân xứng để có thể dùng dây xuyên qua mu quai đúc sẵn trên thân và nắp thạp, buộc chặt nắp và thân thạp với nhau.

Người thợ cả Đông Sơn có nhiệm vụ tạo dáng đầu tiên cho đồ đựng lễ nghi cao quý này. Chiếc nắp thạp được chế cong lồi duyên dáng. Ngoài tạo dáng vươn cao cho chiếc thạp thì độ cong lồi của nắp thạp còn tạo ra một "núm" đồng để khi cơm rượu no say, nắp thạp có chức năng gõ nhịp như một chiếc chiêng. Với chức năng kiêm đồ gõ như vậy, nắp thạp đồng được thợ cả tạo dáng vừa như một chiếc khiên đồng, vừa như một mặt trống với hình ngôi sao nhiều cánh ở giữa và chim bay, đậu trên nắp vòm trời đó.

Thợ Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 3): Thợ cả tạo khuôn, những người được 'đời' chọn  - Ảnh 5.

Đặc tả sinh động hai nửa thân thạp Yên Bái, bên trái còn giữ nguyên bản, bên phải phủ lớp giấy bản để rập hoa văn: Thuyền và thú thuộc phong cách trang trí Đông Sơn Tây Âu điển hình

 Nắp thạp Hợp Minh được nghệ nhân trang trí toát ra hình ảnh của một vòm trời như vậy. Nếu trên nắp thạp Đào Thịnh là bốn cặp nam nữ đang ái ân, nắp thạp Vạn Thắng là bốn chú hổ cắp lợn thì ở thạp Hợp Minh là 4 con bồ nông quay mỏ ra ngoài. Chính giữa là mặt trời tỏa nhiều tia sáng xuống trần gian, còn bên ngoài là một vành lớn có những chim mỏ dài bay quanh ngược chiều kim đồng hồ.

Nắp thạp được đỡ bởi một gờ đúc sẵn trên vành miệng thân thạp. Toàn bộ diện tích thân thạp cong nhẹ tạo ra diện trang trí khá bằng phẳng. Vị thợ cả Đông Sơn đáng kính đã tạo một bố cục tâm linh truyền thống: Trên là trời được thể hiện bằng chim. Dưới là đất rừng được thể hiện bằng thú (hươu nai). Giữa là người với nội dung đầy đủ gồm sân lễ hội dâng cúng thánh thần và thuyền chiến khải hoàn hay lễ hội bơi chải.

Đây cũng chính là bố cục "chuẩn" từng thấy trên mặt những trống đồng nghi lễ thuộc dòng Đông Sơn Lạc Việt. Tính đầy đủ trong bố cục chuẩn tâm linh giúp chúng tôi phân định giá trị của đồ đồng nghi lễ Đông Sơn.

3. Nhìn vào băng trên cùng của thân thạp Hợp Minh ta thấy rõ ý tưởng của thợ cả khi đặt đàn chim bồ nông nối đuôi nhau (trời). Liền bên dưới, ở vị trí căng phồng nhất của thân thạp ngự trị băng chính của tư duy tâm linh Đông Sơn: Thầy cúng dâng lễ bằng chiếc cốc hai tai kéo dài trong nhà sàn mái cong, nơi cũng có một người ngồi đối diện đang rót rượu vào cốc hai tai đó và luôn có chim thần lớn trên nóc mái.

Dàn nhạc gồm trống, khèn ở cả trong nhà sàn lẫn ngoài sạp. Trước sân là những vũ công đội mũ lông chim nhảy múa. Sàn sau nhà sàn là dàn trống đồng với nhạc công gióng dùi từ trên xuống. Cạnh đó là một nhà kho và hai người đứng giã, và một người sàng gạo bên những con gà nhặt thóc vương ra. Cảnh như vậy lặp lại ở nửa thạp bên kia, lấy bờ ngăn khuôn đúc là ranh giới.

Thợ Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 3): Thợ cả tạo khuôn, những người được 'đời' chọn  - Ảnh 7.

Chiếc thạp cùng kích thước, kiểu dáng thạp Hợp Minh, đặc biệt nắp thạp với 4 tượng bồ nông. Sưu tập Kính Hoa (Hà Nội)

Cũng bố cục một băng tròn như vậy, phía bên dưới băng nhà sàn là 4 chiếc thuyền chiến với chim bay bên trên và cá rùa bên dưới. Ỏ những thạp này, thuyền chiến rất rõ với lầu gác phía trước người chèo lái, bên trên có người bắn cung nỏ. Bên dưới sạp thuyền là những người cầm giáo, rìu, qua và thường có một tù binh cởi trần ngồi ở chân cột cờ, quay ngược hướng với tất cả chiến binh, trong tư thế tay trói sau lưng chờ xử trảm. Nhiều chiến binh trên thuyền tay cầm đầu lâu, thậm chí đầu lâu treo ở cả mũi thuyền. Giữa mũi và đầu mỗi cặp thuyền là những chú chim đứng có cổ dài mỏ ngắn.

Băng trang trí dưới cùng sát vành chân đế thạp là băng hươu nai đại diện cho đất rừng. Thể hiện nội dung này, ở đồ đồng thuộc truyền thống Đông Sơn Tây Âu thợ cả thường thêm hổ, voi, hươu thần có cánh…

2 dòng thợ cùng tồn tại

Ở cả hai thạp Hợp Minh và thạp Việt Trì đều thể hiện băng trang trí có cảnh lễ hội bên trong và xung quanh nhà sàn. Một băng hình cùng nội dung như vậy nhưng thể hiện bằng phong cách khác mang đậm nét Đông Sơn Tây Âu thuộc chiếc thạp trong sưu tập Phạm LH nay đã chuyển về Grussemayer (Bỉ). Đây là có sở quan trọng để thấy sự tồn tại hai "dòng thợ" cùng song song tồn tại trong một thống nhất Âu Lạc thế kỷ 3 trước Công nguyên.

(Còn tiếp) 

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm