Ngẫm từ vụ 'xin đểu' livestream ở Phú Thọ

31/12/2017 11:57 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hai ngày qua, vụ việc 9 thanh niên vác dao chặn xe "xin đểu" tài xế, livestream trên Facebook ở trước trạm thu phí IC8, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc khu 9, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh đã làm xôn xao dư luận.

9 thanh niên này đã “xin” được 400.000 đồng, nhưng đổi lại, 7/9 đối tượng đã phải tra tay vào còng, đối diện với sự nghiêm minh của pháp luật. Một cái giá quá đắt!

Chú thích ảnh
Hình ảnh cắt từ clip cho thấy nhóm đối tượng đang "xin đểu" một tài xế

Theo nhiều luật sư thì nhóm thanh niên kể trên đã phạm 2 tội: Tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật Hình sự và tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật hình sự.

Theo đó trong clip được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng, có thể thấy các đối tượng đã sử dụng hung khí như dao, kiếm, tuýp sắt tự chế để đe dọa các lái xe nhằm mục đích "xin tiền". Hành vi đó đã khiến các lái xe sợ "mất mật" buộc phải đưa tiền cho các đối tượng và hình ảnh ghi lại chính là bằng chứng tố cáo họ đã phạm vào tội cướp tài sản theo điểm đ, khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự 1999 với mức hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù.

Trường hợp Cơ quan công An không làm rõ được các Bị hại hoặc các bị hại không trình báo thì các Cơ quan pháp luật vẫn có thể xử lý các đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng theo điểm a khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt từ 2 đến 7 năm.

Điều đau xót với các bậc phụ huynh và buồn cho xã hội là trong số này có không ít đối tượng vẫn đang là vị thành niên. Các em hành động - như nhiều người nói là rất... "trẻ trâu" thậm chí là rất... "hồn nhiên", minh chứng cho một điều các em không hề có một chút ý thức nào về pháp luật và thậm chí chưa hề được giáo dục về ý thức pháp luật. Bởi lẽ, sẽ chẳng có một nhóm trộm cướp, kể cả là trộm cướp chuyên nghiệp nào khi "hành tẩu giang hồ" lại vô tư livestream tương tác với bàn dân thiên hạ cả. Việc đó chẳng khác nào "lạy ông tôi ở bụi này", chỉ tổ làm hại mình, đưa cả băng nhóm vào... chỗ chết mà thôi.

Xuất hiện video livestream cảnh nhóm thanh niên dùng hung khí chặn đường tài xế

Xuất hiện video livestream cảnh nhóm thanh niên dùng hung khí chặn đường tài xế

Mới đây trên mạng xã hội facebook xuất hiện một video trực tiếp quay cảnh nhóm thanh niên cầm hung khí đứng trên cao tốc chặn đầu các xe ô tô đi ngang qua.

Nhóm "xin đểu" kể trên rồi đây có phải... bóc lịch hay không chúng ta còn phải chờ kết luận của cơ quan công an. Nhưng qua vụ việc này, làm người viết nhớ đến hàng loạt những vụ án liên quan đến những người "mặt còn búng ra sữa" như họ. Kể ra đây hẳn nhiều người sẽ phải giật mình.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) (Cục C64, Tổng cục Cảnh sát) tổng kết từ báo cáo của Công an các địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2017 trên cả nước xảy ra 2.258 vụ vi phạm pháp luật do 3.340 trẻ em và người chưa thành niên gây ra.

Trong đó, nổi lên các tội danh như: Giết người có 36 vụ, 63 đối tượng; Cướp tài sản 59 vụ, 103 đối tượng; Cưỡng đoạt tài sản 14 vụ, 25 đối tượng; Hiếp dâm, cưỡng dâm: 35 vụ, 36 đối tượng; Cố ý gây thương tích 302 vụ, 574 đối tượng; Trộm cắp tài sản 896 vụ, 1.200 đối tượng; Tổ chức sử dụng ma túy 224 vụ, 265 đối tượng; Gây rối trật tự công cộng 84 vụ, 223 đối tượng; Đánh bạc 71 vụ, 101 đối tượng; Mua bán ma túy 90 vụ, 103 đối tượng…

Điều đáng nói là về lứa tuổi, tình trạng trẻ phạm tội có xu hướng ngày càng trẻ hóa như: Dưới 14 tuổi có 174 đối tượng, chiếm 5,2%; Từ 14 - dưới 16 tuổi: 818 đối tượng, chiếm 24,5%; Từ 16 - dưới 18 tuổi: 2.348 đối tượng chiếm 70,3%... Đặc biệt, phạm tội lần đầu chiếm tỷ lệ đa số với 3.009 đối tượng; phạm tội lần thứ 2 trở lên là 331 đối tượng.

Với các tội danh trên, lực lượng Công an đã xử lý hình sự 833 vụ, 1.067 đối tượng; Xử lý hành chính 1.425 vụ, 2.273 em, trong đó: giao cho gia đình quản lý, giáo dục 952 em; giáo dục tại xã phường thị trấn 215 em; lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng 157 em…

Nếu cộng thêm con số của 6 tháng cuối năm vào nữa, chắc chắn sẽ khiến nhiều người... không thể tin nổi.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm tội ở tuổi vị thành niên thì... vô vàn và cũng từ lâu, câu hỏi: Đối với tội phạm chưa thành niên, phải xử lý như thế nào để cho các em còn quay lại với cuộc đời còn rất dài phía trước vẫn chưa có lời đáp, dù không ít lần vấn đề này đã được mang ra thảo luận sôi nổi tại Quốc hội.

***

Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên có một nguyên tắc rất nhân văn là: “Những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”. Nhưng với những con số đã được thống kê ở trên, thì lợi ích của trẻ em nói chung, vị thành niên nói riêng đã thực sự là mối quan tâm hàng đầu chưa?

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm