Hình phạt nào cho các đối tượng dùng hung khí chặn xe 'xin' tiền?

30/12/2017 09:04 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Vào khoảng 10h tối ngày 29/12, trên mạng xã hội facebook, xuất hiện video clip livestream cảnh một nhóm thanh niên tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ ngang nhiên dùng hung khí chặn xe "xin" tiền.

Theo một số luật sư, hành vi của các đối tượng trong clip đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ và gây mất trật tự trị an trên địa bàn, gây hoang mang, lo sợ cho những người tham gia giao thông.

Chú thích ảnh
Ảnh cắt từ clip

Các đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm là vũ khí thô sơ, đe dọa các tài xế nhằm mục đích "xin tiền" và các tài xế đã sợ hãi buộc phải đưa tiền cho các đối tượng. Dù là mục đích đùa vui hay động cơ gì khác nhưng thực tế đã chiếm đoạt tiền của nhiều người nên hành vi đó có dấu hiệu phạm tội cướp tài sản theo điểm đ khoản 2 Điều 133 BLHS năm 1999. Các bị hại cần có đơn trình báo đến cơ quan công an về số tiền bị chiếm đoạt để làm căn cứ xử lý các đối tượng.

Các đối tượng cũng có thể bị xem xét về hành vi gây rối trật tự công cộng theo điểm a khoản 2 Điều 245 BLHS (mức hình phạt 2-7 năm).

Điều 133. Tội cướp tài sản Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi 2009 quy định về tội cướp tài sản:

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

 Về khách thể là quyền sở hữu tài sản , tính mạng, sức khỏe của con người.

 Về mặt  khách quan  của tội cướp tài sản thể hiện bằng một trong số hành vi sau đây như:

- Dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản, làm tê liệt sự chống cự của họ nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản.Sự đe dọa thể hiện bằng lời nói, hoặc kết hợp lời nói với phô trương hung khí, uy hiếp tinh thần khiến người có tài sản phải giao tài sản cho người phạm tội.

- Hành vi khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản là bất kì hành vi nào khiến người có trách nhiệm về tài sản không thể tự vệ được để giữ tài sản.

 Về mặt chủ quan: tội cướp tài sản do lỗi cố ý trực tiếp.

 Về chủ thể của tội cướp tài sản là bất kì người nào có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự ,đạt độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên.

Theo khoản  1 Điều 133 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi 2009 thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Khoản 2 thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Khoản 3 thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm. Khoản 4 thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Khoản 5 hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai (2) năm hoặc phạt tù từ ba (3) tháng đến hai (2) năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai (2) năm đến bảy (7) năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Thảo Nhi (tổng hợp)

Xuất hiện video livestream cảnh nhóm thanh niên dùng hung khí chặn đường tài xế

Xuất hiện video livestream cảnh nhóm thanh niên dùng hung khí chặn đường tài xế

Mới đây trên mạng xã hội facebook xuất hiện một video trực tiếp quay cảnh nhóm thanh niên cầm hung khí đứng trên cao tốc chặn đầu các xe ô tô đi ngang qua.

Dùng hung khí chặn xe 'xin' tiền, thách báo công an: Còn 2 đối tượng bỏ trốn

Dùng hung khí chặn xe 'xin' tiền, thách báo công an: Còn 2 đối tượng bỏ trốn

Một nhóm gồm khoảng 10 thanh niên tại tỉnh Phú Thọ ngang nhiên dùng hung khí chặn ô tô để "xin" tiền rồi quay video clip tung lên mạng rồi thách thức cộng đồng mạng báo công an.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm