Cùng chờ môn Hà Nội học cho học sinh Hà Nội

03/10/2023 18:56 GMT+7 | Văn hoá

Từng được nhắc tới từ khá lâu và trong năm 2023 vừa qua, đề xuất đưa môn Hà Nội học thành một môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tại Hà Nội đã có thêm những bước đi khá cơ bản và thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Thực tế, đề xuất này xuất phát từ một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Thủ đô thuộc chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025". Trong đó, có nội dung: "Xây dựng và phát triển đề án đào tạo giáo viên môn học Hà Nội học trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025".

Thực hiện nội dung này, Thành ủy Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Đại học Thủ đô Hà Nội xây dựng và triển khai Đề án "Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Đề án nêu: "Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Hà Nội, khơi dậy niềm tự hào, khát vọng của nhân dân Thủ đô nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thì rất cần đến việc phổ biến kiến thức về Hà Nội trên các lĩnh vực cho các tầng lớp nhân dân, trước hết là cần phổ biến trong trường học để giáo viên và học sinh Thủ đô nắm được. Hiểu về vùng đất nơi mình đang sống, hiểu được lịch sử, văn hóa, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu để từ đó khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô, đây cũng tinh thần mà Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra".

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Cùng chờ môn Hà Nội học cho học sinh Hà Nội - Ảnh 1.

TS Lê Thị Thu Hương

Gián tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Nội

TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Đại học Thủ đô Hà Nội, Chủ nhiệm Đề án đã có những chia sẻ chi tiết với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

- Từ năm học 2020-2021, cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội cũng đã được đưa vào dạy thí điểm và dạy chính thức cho học sinh phổ thông. Kết quả bước đầu khảo sát ở một số trường cho thấy giáo viên đảm nhận việc dạy môn học này đang rất lúng túng cả về tài liệu giảng dạy, phương pháp lên lớp. Đặc biệt, nhiều người chưa có kiến thức chuyên sâu về Hà Nội trên các lĩnh vực để chủ động dạy các đối tượng học sinh khác nhau. Do vậy, thành phố đã giao cho chúng tôi thực hiện đề án này.

* Đến nay, đề án này đã được triển khai như thế nào, thưa bà?

- Để có cơ sở khoa học xây dựng đề án, thời gian qua chúng tôi đã tổ chức Hội thảo Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội - Thực trạng và giải pháp. Hiện nay, các nhà khoa học cùng với nhóm tác giả đang triển khai xây dựng nội dung các chuyên đề, dự kiến sẽ hoàn thành trong 2023 để dạy thử nghiệm ở một số đối tượng. Đến năm 2024, các lớp bồi dưỡng sẽ bắt đầu diễn ra trong vòng khoảng hơn 1 năm.

Thực tế, trong khoảng thời gian ngắn, chúng tôi không quá kỳ vọng các giáo viên sẽ hiểu được tất cả các kiến thức về Hà Nội. Nhưng, kiến thức bồi dưỡng sẽ giúp họ thuận lợi hơn trong việc truyền tải những nội dung về Hà Nội đến với học sinh ở nhiều góc độ khác nhau, từ đó khắc phục tình trạng lúng túng, tự phát hiện nay.

Còn về lâu dài, như các chuyên gia đã nhắc tới trong hội thảo vừa qua, chúng ta cần đưa hẳn một môn học có tên Hà Nội học vào chương trình giáo dục tại các trường phổ thông ở Thủ đô. Môn học này cần được đào tạo giáo viên một cách bài bản, đồng thời phải được đối xử công bằng như những môn học khác trong nhà trường.

*  Cá nhân bà đánh giá thế nào về chủ trương đưa môn Hà Nội học vào nhà trường?

- Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này trong bối cảnh rộng, khi mà mọi chủ trương, chính sách hiện nay đều coi trọng văn hóa, coi văn hóa là một nguồn lực quan trọng. Đơn cử như về công nghiệp văn hóa, Hà Nội là địa phương thuộc top đầu cả nước trong lĩnh vực này. Và muốn làm công nghiệp văn hóa thì phải có lực lượng hiểu văn hóa của Hà Nội. Đó không phải câu chuyện một sớm một chiều mà cần đặt ra vấn đề đào tạo thế hệ trẻ ngay từ sớm.

Vì vậy, tôi cho rằng việc đưa Hà Nội học trở thành một môn học chính thức trong các trường của thành phố - từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông - là hợp lý và hết sức quan trọng. Thực chất công việc này đang gián tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Nội trên mọi lĩnh vực.

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Cùng chờ môn Hà Nội học cho học sinh Hà Nội - Ảnh 2.

Hội thảo “Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội - Thực trạng và giải pháp” tổ chức vừa qua đã nhận về nhiều ý kiến tích cực trong việc đưa môn Hà Nội học vào nhà trường

* Bà có thể nói thêm về những điều kiện cần thiết cho chủ trương này?

- Cần nhắc lại, lộ trình để môn Hà Nội học chính thức được công nhận trong nhà trường đang được thành phố triển khai rất hợp lý. Thứ nhất, đó là việc bồi dưỡng kiến thức về Hà Nội học cho giáo viên để giải quyết câu chuyện trước mắt về giảng dạy chương trình giáo dục địa phương. Còn về lâu dài, chúng ta bắt buộc phải đào tạo lực lượng giáo viên bài bản, có phương pháp dạy về môn Hà Nội học để đảm nhiệm môn học này ở trường phổ thông. Đó là những điều kiện đầu tiên.

Thứ 2, vấn đề này cần có sự quyết tâm của thành phố, sự đồng thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Và quan trọng hơn, các nhà trường cùng cần quyết tâm, mạnh dạn đồng thuậnđể thay đổi tên môn Giáo dục địa phương ở thành phố Hà Nội thành môn Hà Nội học. Nếu đạt được những điều này, cộng với sự nỗ lực phối hợp của các chuyên gia về Hà Nội họcvà các cơ quan có liên quan, tôi tin ta sẽ nhận về kết quả tốt.

"Tôi cho rằng việc đưa Hà Nội học trở thành một môn học chính thức trong các trường của thành phố - từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông - là hợp lý và hết sức quan trọng. Thực chất công việc này đang gián tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Nội trên mọi lĩnh vực" - TS Lê Thị Thu Hương.

Để có thêm kỳ vọng vào thế hệ trẻ Thủ đô

* Một câu hỏi được nhiều người đặt ra: Khi chính thức là môn một học, liệu Hà Nội học có trở thành "gánh nặng" kiến thức cho học sinh vốn đã có nhiều áp lực học tập?

- Cần làm rõ, nếu Hà Nội học trở thành một môn học chính trong chương trình phổ thông thì đây không phải là môn học mới, chỉ có tên gọi mới!Bởi trước đây, khi chưa có chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta vẫn lồng ghép nội dung về địa phương Hà Nội trong các trường phổ thông dưới hình thức hoạt động ngoại khóa hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên những hoạt động này chưa mang tính bắt buộc.

Thế nhưng khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai, Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc. Cho nên, ngay cả khi Hà Nội học thay thế môn Giáo dục địa phương, đó vẫn không phải là một môn học mới mà là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục 2018 (hiện đang thực hiện).

Cũng cần nói thêm, vừa qua, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến từ các giáo viên phổ thông cho biết: Với những nội dung giáo dục địa phương của Hà Nội, việc được thay đổi môi trường học tập, thay đổi cách học, được tiếp cận những kiến thức mới gần gũi đã khiến học sinh rất hào hứng. Có nơi đã thí điểm dạy môn Hà Nội học và thu được những kết quả khả quan.

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Cùng chờ môn Hà Nội học cho học sinh Hà Nội - Ảnh 4.

Việc đưa môn “Hà Nội học” vào các trường phổ thông tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hiệu quả

* Xin bà cho biết thêm về trường hợp thí điểm này?

- Đó là trường THPT Chuyên KHXH&NV (thuộc Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội). PGSNguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng nhà trường, đã tiên phong đưa nội dung Hà Nội học vào chương trình giảng dạy cho học sinh, bắt đầu từ lớp 10 cho các em mới vào trường.

Tôi được biết, nhà trường đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ học sinh và phụ huynh, khi các em được học thêm những kiến thức mới về Hà Nội và hình thức học tập phong phú. Đây cũng là 1 trong những cơ sở giúp cho chất lượng đào tạo của nhà trường tốt hơn, mà cụ thể là kết quả cao ở tất cả các môn học (không chỉ là các môn khoa học xã hội) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua.

* Cuối cùng, theo bà, chúng ta nên đặt ra những kỳ vọng gì khi môn Hà Nội học chính thức được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông tại thành phố?

- Tôi nghĩ, một chủ trương đúng, và được thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ nhận được sự đồng thuận từ học sinh, phụ huynh. Chắc chắn rằng, kiến thức Hà Nội học đến được với các em học sinh ở lứa tuổi đang đam mê hiểu biết, đang tràn đầy sức sống, sẽ không chỉ có tác động đến nhân cách của các em trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Nó còn tạo ra động lực để các em học các môn học khác tốt hơn. Đó cũng là cơ sở để chúng ta kỳ vọng vào thế hệ trẻ của Thủ đô.

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Đề cử Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội

Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức sẽ diễn ra từ 14h thứ Năm, 5/10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Giải gồm 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm.

Hạng mục Giải Ý tưởng năm nay có 3 đề cử chính thức:

1. Dự án Có một Ba Vì như thế của nhóm Enter Việt Nam.

2. Hai cuộc thi gắn với thiết kế nhà vệ sinh công cộng tại không gian Hồ Gươm của Quỹ AIF và của dự án "Hanoi Design City - Hà Nội đẹp từng centimet" cùng Viglacera và UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện.

3. Chủ trương và các bước chuẩn bị tích cực của Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng các đơn vị liên quan nhằm đưa môn Hà Nội học thành một môn học trong giáo dục phổ thông tại Hà Nội.

Công Bắc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm