Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Cổng trại Bảo An Binh - cầu nối giữa quá khứ và hiện tại

02/10/2023 11:22 GMT+7 | Văn hoá

Tháng 7 vừa qua, khi Nhà hát Hồ Gươm tại 40 phố Hàng Bài (Hà Nội) được Bộ Công an và UBND TP Hà Nội khánh thành, rất nhiều người hướng sự chú ý vào một kiến trúc nằm phía trước công trình này: Cổng trại Bảo An Binh.

Không bề thế và hoành tráng, lại mang dáng dấp của một cổng tam quan trong kiến trúc chùa, Cổng trại Bảo An Binh thật ra đã nằm tại đây rất lâu trước khi trở lại với một diện mạo mới vào tháng 7/2023. Nhưng đằng sau nó là một câu chuyện dài của lịch sử Hà Nội...

Chứng nhân lịch sử

Theo giới nghiên cứu sử học, vào cuối thế kỷ XIX - một thời gian sau khi chiếm được Hà Nội - lực lượng quân đội thuộc địa Pháp tại đây đóng trong thành. Đồng thời, để bảo vệ trị an cho thành phố, một trại lính được xây trên đất làng Vọng Đức vào năm 1895 để dành cho lực lượng mang tên Garde civile Indigène (Lực lượng phòng vệ bản xứ).

Thường được dân gian gọi là lính khố xanh, đây là sắc lính được người Pháp lập ra từ khi mới đặt ách bảo hộ tại Bắc kỳ và Trung kỳ. Sắc lính này có nhiệm vụ giữ trật tự an ninh nội địa, bảo vệ chính quyền thực dân và triều đình Huế, tham gia đàn áp các vụ hoạt động nổi dậy, trong đó có các phong trào cách mạng và yêu nước.

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Cổng trại Bảo An Binh - cầu nối giữa quá khứ và hiện tại - Ảnh 1.

Cổng trại Bảo An Binh lúc chưa trùng tu

Ở thời điểm trại lính này được thành lập, khu vực làng Vọng Đức còn thưa dân, nhưng đã được quy hoạch thành một khu dân cư phía Nam Hồ Hoàn Kiếm nhằm đáp ứng làn sóng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ sau khi cầu Doumer (Long Biên) được khánh thành năm 1902. Thực tế, cạnh trại lính này về phía hồ, trường nữ sinh đầu tiên của Bắc kỳ cũng đã sớm được thành lập và xây dựng (nay là trường Trưng Vương).

Trại lính này tiếp tục tồn tại tới tháng 3/1945, khi Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập sau khi Nhật đảo chính Pháp. Thời điểm đó, lực lượng vũ trang bản xứ này tiếp tục được duy trì dưới tên mới là Bảo An Binh, có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho chính quyền Trần Trọng Kim.

Đặc biệt, vào đúng dịp Cách mạng tháng Tám (1945) bùng nổ, không gian quanh cổng trại Bảo An Binh là nơi diễn ra một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử hiện đại Việt Nam - như nhận xét của nhà sử học Dương Trung Quốc. Thời điểm đó, lực lượng hơn 1.000 lính khố xanh tại đây vẫn còn còn nguyên vẹn cả về quân số và vũ khí và có thể gây nguy hiểm cho chính quyền cách mạng, nếu không được sớm khống chế.

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Cổng trại Bảo An Binh - cầu nối giữa quá khứ và hiện tại - Ảnh 2.

Cổng trại Bảo An Binh hiện tại - sau khi trùng tu

Do vậy, vào trưa ngày 19/8/1945, một lực lượng cách mạng và quần chúng đã cùng Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết trực tiếp tới đây vận động, yêu cầu lực lượng Bảo An Binh hạ vũ khí. Đáng nói hơn, khi biết thông tin này, lực lượng quân sự Nhật tại Hà Nội cũng đã điều xe tăng và binh lính tới để uy hiếp phía cách mạng.

Dù vậy, trước tinh thần sục sôi của cách mạng, cũng như khí thế áp đảo của cuộc khởi nghĩa, sau quá trình đàm phán, phía quân đội Nhật đã chấp thuận rời khỏi trại Bảo An Binh, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã thành công trọn vẹn. Riêng với lực lượng lính bảo an tại đây, ngoài một bộ phận giao nộp vũ khí và tìm đường về quê theo sự vận động của cách mạng, một bộ phận quan trọng khác đã bước sang hàng ngũ cách mạng, tham gia vào lực lượng vũ trang của chính quyền mới.

Như thế, ngoài vai trò là một công sở quân sự được chính quyền thuộc địa xây dựng gần như cùng lúc với thời điểm thành lập thành phố Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, trại Bảo An Binh cũng là chứng nhân quan trọng, gắn với lịch sử Việt Nam hiện đại, cũng như lịch sử Hà Nội trong cuộc cách mạng tháng Tám của dân tộc.

Đội quân nhạc đặc biệt

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trong bộ phận binh lính tại trại Bảo An Binh bước sang hàng ngũ cách mạng vào ngày 19/8/1945 có cả đơn vị quân nhạc do ông quản Liên (Đinh Trọng Liên) chỉ huy. Họ trở thành đội quân nhạc đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và nhà nước Việt Nam độc lập, có mặt trong nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử và được coi là tiền thân của Đoàn quân nhạc Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

Chắt chiu và bảo vệ quá khứ

Kể từ sau khi Hà Nội được tiếp quản vào năm 1954, những thay đổi theo thời gian đã khiến khu trại Bảo An Binh không còn được như trước. Phần lớn diện tích của trại lính này đã bị biến dạng, chia sẻ thành nhiều cơ quan khác nhau. May mắn, kiến trúc tiêu biểu nhất của nó - phần cổng trại - vẫn còn được giữ lại.

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Cổng trại Bảo An Binh - cầu nối giữa quá khứ và hiện tại - Ảnh 4.

Cổng trại Bảo An Binh thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Hiện tại, vẫn chưa có tài liệu xác định chính xác thời điểm kiến trúc này được xây dựng và hoàn thành, chỉ biết là cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên, các thông tin được lưu giữ cho biết: tác giả của nó là một KTS người Pháp có tên Henri Vidieu, từng thiết kế các công trình nổi tiếng như Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ, Tòa thượng thẩm, Hỏa Lò… đồng thời từng xây tòa nhà đại diện hình ảnh cho Bắc kỳ và Trung kỳ tại Đấu xảo Paris 1889.

Khác với những công trình này, kiến trúc Cổng trại Bảo An Binh không quá hoành tráng, nhưng rất đẹp, đặc biệt, mang đậm dấu ấn của văn hóa phương Đông, thay vì phong cách kiến trúc Pháp thuộc địa. Theo các chuyên gia, việc chiếc cổng này mang hình dạng giống với cổng tam quan của hệ thống chùa chiền, đền miếu Việt Nam có thể bắt nguồn từ việc công trình được thiết kế dành cho một đơn vị là người bản xứ.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trên thực tế, đã có một thời gian dài, Cổng trại Bảo An Binh rơi vào tình trạng xuống cấp và gần như bị "bỏ quên" tại Hà Nội khi có phần lạc lõng giữa những công trình xung quanh. Một bộ phận lớn người dân thành phố vẫn lầm tưởng đây là dấu vết của một ngôi chùa cổ nào đó, thay vì một kiến trúc thời Pháp thuộc, có ghi đậm dấu ấn của Cách mạng tháng Tám. Thậm chí, có thời điểm, một tấm biển tên lớn của cơ quan phía trong còn được gắn lên trụ cổng.

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Cổng trại Bảo An Binh - cầu nối giữa quá khứ và hiện tại - Ảnh 5.

Cổng trại thời Pháp thuộc, trên một bưu thiếp

"Đó là điều vô cùng đáng tiếc và bất hợp lý, bởi trên thực tế, những di tích có liên quan tới ngày 19/8 tại Hà Nội gần như không còn nhiều" - ông Quốc cho biết - "Và, trong những lần tiếp xúc với các cán bộ lão thành từng tham gia sự kiện này, tôi đều được nghe tâm nguyện của họ về việc cần gìn giữ, bảo tồn Cổng trại Bảo An Binh".

Bởi vậy, sau khi Nhà hát Hồ Gươm được Bộ Công an và UNBD TP Hà Nội khởi công xây dựng tại đây từ cuối năm 2021, việc cổng trại Bảo An Binh được quyết định trùng tu và bảo tồn - dù chưa được xếp hạng di tích - là một thông tin rất đáng mừng. Trong nhiều năm qua, ông Quốc và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã nhiều lần đề xuất lên các lãnh đạo thành phố quanh việc này.

"Điều đó cho thấy rõ ý thức, trách nhiệm của những người làm quản lý trước một công trình trình tuy không lớn nhưng có giá trị lịch sử rất cao. Đó là minh chứng về việc chúng ta không chỉ tập trung xây dựng những công trình mới mà còn chắt chiu, tập trung bảo vệ những giá trị truyền thống và lịch sử" - ông Dương Trung Quốc nhận xét.

Như những thông tin được chia sẻ, trong quá trình phục dựng, Bộ Công an và các cơ quan của Hà Nội đã nhiều lần tổ chức tham vấn ý kiến từ giới chuyên gia về kiến trúc này. Sau khi thống nhất phương án, Cổng trại Bảo An Binh được phục hồi gần nhất với hiện trạng cổng cũ vào năm 1945. Công trình được tôn tạo với kỹ thuật thủ công, sử dụng vật liệu truyền thống, có sự giám sát về chuyên môn và đội ngũ thi công là các thợ thủ công lành nghề, giàu kinh nghiệm tại khu vực phía Bắc.

Sau khi hoàn thiện trong thời gian vừa qua, Cổng trại Bảo An Binh có hình dạng giống như trong tư liệu lưu trữ của người Pháp kể từ hệ thống ngói, các họa tiết hình rồng đắp nổi bằng sứ hoặc dòng tên Garde Indigene phía trên cao. Thậm chí, để tôn trọng lịch sử, các chuyên gia Hán-Nôm cũng đã khảo sát các ảnh tư liệu cũ để xác định nội dung của 2 cặp câu đối từng tồn tại trên các trụ cổng, trước khi chúng được đắp lại trong quá trình trùng tu. (Đây đều là các cặp câu đối chữ Hán, sử dụng khá nhiều điển tích với tính ẩn dụ cao, có nội dung ca ngợi sự bình yên và vai trò của các đội quân có nhiệm vụ phòng ngừa trộm cướp, giặc giã).

Việc bảo tồn những dấu tích kiến trúc cũ khi xây dựng những công trình hiện đại để tạo sự kết nối với lịch sử đô thị không phải là điều ít gặp trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, nhiều năm trước, chúng ta cũng đã có một ví dụ về cách làm này, khi phần ống khói của nhà máy gạch Đại La cũ được gìn giữ và trở thành điểm nhấn mỹ quan, góp phần tạo nên thương hiệu riêng của khách sạn Horison (nay là khách sạn Pullman) được xây dựng liền kề. Nhưng với trường hợp của Cổng trại Bảo An Binh, câu chuyện còn đi xa hơn thế, khi một di tích lịch sử/cách mạng được bảo tồn cạnh một nhà hát hiện đại vừa xây dựng, tạo nên sự kết nối đặc biệt - và bình đẳng - trong một quần thể không gian văn hóa…

Đề cử Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội

Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức sẽ diễn ra từ 14h thứ Năm, 5/10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Giải gồm 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Việc làm, Giải Ý tưởng.

Hạng mục Giải Việc làm năm nay có 3 đề cử chính thức:

- Festival Thu Hà Nội - Đến để yêu lần đầu tiên do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (UBND TP Hà Nội) tổ chức.

- Việc trùng tu di tích cổng Trại An Binh do Bộ Công an và UBND TP Hà Nội phối hợp thực hiện.

- Không gian sáng tạo nghệ thuật phố đi bộ kết nối Công viên Thống Nhất do ICEP - Hanoi Classy phối hợp với Công viên Thống Nhất tổ chức.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm