Blog bóng đá: "Việt Nam vô địch"

13/08/2012 11:34 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) -Việt Nam vô địch” là một thành ngữ mang nhiều sắc thái. Đó là một khát vọng, một ước mơ, một phát ngôn đầy tính tự hào khi lên đỉnh vinh quang. Nhưng ý nghĩa phổ biến nhất của nó là một lời… cổ vũ.

Bạn không tin ư? Cứ đến bất kỳ trận đấu nào của đội tuyển Việt Nam nói chung và các môn thi thể thao của Việt Nam nói chung, bạn sẽ nghe câu cổ động ấy từ đầu đến cuối trận.

Nói thật là tui chưa thấy nơi nào cổ động nghèo nàn như Việt Nam. Có cái câu “Việt Nam vô địch” nói đi nói lại hoài không chán. Vô địch kiểu gì mà nửa thế kỷ mới có duy nhất một chiếc Cúp AFF, vô địch kiểu gì mà hết thập kỷ này đến thập kỷ khác cứ lỡ hẹn với chiếc HCV SEA Games. Mới có cái giải chút xíu đó mà còn không vô địch nổi, nói gì đến Asian Cup, World Cup. Nếu tự hào là mình có tố chất, tiềm năng phát triển mà cứ đứng hoài một chỗ thì cái đó không gọi là vô địch mà gọi là… vô dụng.


Thành ngữ "Việt Nam vô địch" được sử dụng rất nhiều

Vậy nhưng các CĐV tuyệt vời của chúng ta luôn sẵn sàng hô to cái câu cổ động đôi khi nghe… buồn cười ấy. Họ sẵn sàng hô “Việt Nam vô địch” ngay khi đó chỉ là một trận vòng loại, vòng bảng, vòng knock-out trong khi khung cảnh thích hợp nhất cho câu ấy phải là trận chung kết. Có những hoàn cảnh mà câu ấy không những chẳng phù hợp mà còn trở nên… trớt quớt. Chẳng hạn như ta đã thua trận bán kết, đá trận tranh ba tư mà cứ “vô địch, vô địch” thì rõ rất là… vô duyên. Trận đấu với đội Olympic Brazil năm nào, khán đài cũng dậy lên những tiếng “Việt Nam vô địch” dù đá là trận… giao hữu. Mấy bạn Ronaldinho, Pato, Thiago Silva… chẳng may biết bập bõm tiếng Việt chắc cười mình chết, quê ơi là quê.

***

Vô địch tức là… vô đối, không một ai có thể địch lại mình. Đến cả Barcelona lừng lẫy bên trời Âu và Brazil 5 lần vô địch thế giới cũng không dám tự xưng mình vô đối. Trong những trận đấu của đội nhà, CĐV của cả 2 đội ấy cũng chỉ hát lên những bài ca truyền thống, cũng chỉ “cố lên” hay “tiến lên” mà thôi. Bên nước ngoài, khái niệm hát để cổ vũ mang ý nghĩa rất quan trọng. Đấy có thể là những khúc dân ca không rõ xuất xứ hoặc một bài hát do nhạc sĩ cũng là CĐV ruột sáng tác. Nói chung nghe thứ bài hát thấm đẫm tinh thần cổ động ấy, cầu thủ đội mình thì đá hăng lên còn đối phương thì suy sụp tinh thần.

Việt Nam ta cũng hát, nhưng vì không có một bài hát nào chính thức nên ta đành phải gán ghép những bài hát hoàn toàn không liên quan gì đến bóng đá. Chẳng hạn, Giữa Việt Nam sáng tươi rực rỡ, V-League hoa đèn mà hát “Alibaba” của xứ Ba Tư. Trong tương lai, sẽ có một thế hệ CĐV tuổi teen lớn lên trong bầu không khí K-Pop, V-Pop vào sân sẽ mang những bài hát nói lên nỗi phẫn uất của tuổi trẻ, ức chế của tình yêu ấy vào sân. Ôi, nghĩ đến là thấy… vui rồi.

Nói như thế không có nghĩa là tui chê các CĐV mình nha. Trong lúc rất cần thay đổi cái gọi là văn hóa cổ động của nước ta, trước hết là bạn phải có…. CĐV đã. Bởi nghe những lời cổ động ngô nghê và buồn cười kia vẫn còn tốt hơn khi đứng trong một sân vận động hay một nhà thi đấu lặn ngắt như tờ, để cho sự cô đơn ấy nhấn chìm. Nhất là khi thi đấu quốc tế, 1 CĐV là quý 1 người, 10 người là quý 10 người. Nó tạo mối dây liên kết, khơi gợi niềm tự hào xứ sở.

***

Vì vậy mà tui thật sự cười muốn rớt răng khi một vị lãnh đạo hàng đầu của Olympic nước ta lại quy chụp cho thất bại của VĐV Trần Lê Quốc Toàn ở môn cử tạ là do… cổ vũ. Ý của ông ấy: tại mấy CĐV cổ vũ “Việt Nam vô địch” to quá lành ảnh xao nhãng nên không thi đấu thành công. Nhưng nếu nhìn lại cân nặng tốt nhất mà Toàn nâng được trong sự nghiệp, vấn đề đâu phải là do ta yếu, chỉ là do ta yếu… hơn đối thủ mà thôi.

Nhìn lại quá trình chuẩn bị cho Olympic của đoàn Việt Nam, ta sẽ thấy đầy rẫy những điều bất cập. Bạn đâu thể thành công nếu không có một chiến lược rõ ràng. Mấy trăm năm nữa Việt Nam ta mới có thêm một Trần Hiếu Ngân hay một Hoàng Anh Tuấn với cách làm này? Anh Tiến Minh tài nghệ là thế, đánh ở Việt Nam riết “dở dần đều” bởi không ai tạo điều kiện cho anh thi đấu. Bạn trả lời ra sao khi những VĐV điền kinh phải tập chạy trên những đôi chân trần, những trung tâm thể thao có điều kiện tập luyện của vài chục năm trước?

Vị lãnh đạo kia từng là một VĐV thể thao đỉnh cao, ổng phải quá rõ sức mạnh của cổ động trong thi đấu. Biết nhưng vẫn nói. Điều này làm tôi nhớ đến cách giải thích “tại ngực to nên mặc gì cũng lộ” của một cô trong ngành du lịch. Cách giải thích lạ lùng ấy thường xuyên xuất hiện trong những điều tra bê bối tiêu cực. Những công trình bị rút ruột, những dự án ngưng trệ, những thất thoát tiền tỷ. Có hậu quả nghiêm trọng nhưng không có ai nhận trách nhiệm vì luôn có “tại vì thì mà là”. Lý do có dở thì cũng là… lý do. Về vấn đề giải thích cho thất bại này, đúng là “Việt Nam vô địch”!

BLV Đình 8



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm