Thư EURO: Bên nhà có gì vui không em…

21/06/2016 08:32 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi hỏi đứa em đồng nghiệp, kỷ niệm ngày Nhà báo 21/6, bên nhà mấy ngày nay có gì lạ không em? Nó bảo chẳng có gì lạ, năm nào cũng thế, tưng bừng, phấn khởi, anh em báo chí vui lắm.

Ngày hội đúng nghĩa

Rồi chú em hỏi ngược kiểu chơi chữ: “Paris có gì lạ không anh?”

Biết nói gì nhỉ, Paris xa đó mà gần đó. Lạ đó mà quen đó. Pháp đâu có hẳn một ngày dành riêng cho báo chí. Đúng là báo chí ta dù sao cũng được “cả nước yêu thương ôm “báo” vào lòng”! Mấy ngày nay, chắc hẳn là cánh báo chí nhà ta mệt lả ra vì những lời chúc tụng, vì tiệc tùng, và cả… giải thưởng! Lên trang cá nhân nhiều anh em chiến hữu, thấy khoe giải thưởng tưng bừng.

Có sang đây mới thấy, phóng viên ở ta còn nhiều vất vả lắm. Dù nghề báo ít nguy hiểm đến tính mạng hơn bên Tây, nhưng không vì thế mà phóng viên nhà mình ít gặp nguy hiểm. Thời chiến thì hòn tên mũi đạn, thời bình thì “tên, đạn”… bọc đường, tai ách chẳng biết đâu mà lần.

Chưa bao giờ báo chí hoạt động mạnh như hiện nay, với số tượng tờ báo, tạp chí, phóng viên… đông đảo. Bức tranh đa dạng của báo chí đã đặt ra quá nhiều thách thức cho nghề báo. Viết bài nghiêm túc thì chưa hẳn bạn đọc nhiều. Tờ báo nghiêm túc cũng không dễ cạnh tranh với báo có xu hướng thị trường, câu view.

Đây, tờ Nhân đạo!

Hôm qua, hai anh em chúng tôi đi lùng mua tờ báo Nhân Đạo (L’Humannité), ra đời 1904. Đây là cơ quan phát ngôn của của Đảng Cộng sản Pháp. Tờ báo này có sự liên hệ mật thiết với cách mạng Việt Nam.

Cụ thể, vào tháng 7/1920, Bác Hồ khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin đăng trên báo L’Humannité, Người quyết tâm đi theo Chủ nghĩa Cộng sản. Năm 1922, Bác cùng một số nhà cách mạng thuộc địa ra báo Leparia (Người cùng khổ).

Những năm tháng đó, hoạt động báo chí của Bác rất sôi nổi, đăng trên nhiều tờ báo ở Pháp, trong đó đặc biệt gắn bó với tờ L’Humannité. Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới báo này là ngọn cờ đầu của báo chí cộng sản. Không khó để hai anh em sở hữu hai tờ làm kỷ niệm. Khi biết chúng tôi là người Việt, ông chủ tỏ ra rất vui. L’Humannité giờ đây vẫn ra nhật báo, riêng thứ Sáu có thêm tờ Tuần báo. Ông chủ còn cho biết thêm dịp EURO này, báo thể thao bán khá tốt.

Lại nhớ đến nhà sáng lập, Jean Jaurès, người tiên phong đưa Chủ nghĩa xã hội của Marx vào Pháp. Một nhà hùng biện kiệt xuất mà như người Paris vẫn truyền tai: “Mỗi lần ông ấy phát biểu thì một phần tư dân Paris đến nghe”. Jean Jaurès bị ám sát 1914.

Ông chủ cho biết một ngày chỉ bán được 10 tờ, nhìn chung rất khó khăn. “Khi Liên Xô sụp đổ, tờ báo này hoạt động vất vả. Nhưng vẫn may mắn còn nhiều người ủng hộ vì tờ báo này luôn đồng hành với người lao động Pháp”, ông chủ nói.

Được biết, tờ báo này vẫn duy trì quan hệ rất tốt với các đơn vị thông tin của Việt Nam tại Pháp. Hàng năm vào tháng 9,  L’Humannité  phối hợp với Văn phòng đại diện báo Nhân Dân tại Pháp tổ chức Hội báo nhân đạo. Trong công tác tác nghiệp, báo cũng như tòa soạn thường gặp gỡ, trao đổi với phía báo chí Việt Nam tại Pháp, trên tinh thần anh em đồng chí. L’Humannité vẫn cộng tác tốt với một số bộ phận chức năng khác của Việt Nam tại Pháp để góp phần thúc đẩy tình hữu nghị Pháp-Việt, như kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp năm 2013; hai nước thiết lập được đối tác chiến lược.

Cũng như nhiều tờ báo truyền thống ở Việt Nam, L’Humannité đang gặp phải nhiều thách thức trong thời đại bùng nổ thông tin, bao gồm cả vấn đề kinh phí hoạt động. Cho nên, L’Humannité cũng cần phải điều chỉnh để phù hợp với xu hướng mới của Pháp, cũng như của thời đại; duy trì bản sắc, tính chiến đấu nhưng vẫn sống khỏe, bài toán đó không phải là dễ, dù có tuổi đời 112 năm.

Hoa oải hương
(Thương tặng các nhà báo nữ ngày 21/6)

Có cách nào mang về cho em bó oải hương

Hoặc chỉ là một cánh thôi, một cánh.

Ép khô đi anh, không cần cầu kì.

Tình yêu, hãy kiệm lời hoa mĩ.

* * *

Anh đi qua bao cánh đồng màu tím

Hoa oải hương ngơ ngác tận chân trời

Có cô gái Pháp hai tóc bím

Ôm bó oải hương đẹp lắm em ơi!

* * *

Thương những ngôi làng cổ kính anh qua.

Thương những ống khói vờn thơm giữa đồng oải hương

da diết.

Anh vẫn chưa kịp nâng trên tay những đóa hoa thơm ngát.

Em hãy chờ anh nhé, chờ anh.

Hữu Quý (Từ Lille, Pháp)


Hữu Quý - Việt Sơn (Từ Lille, Pháp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm