Thư EURO: Ông chủ triệu đô và xe nước mía

20/06/2016 10:16 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Thú thật, khi nhìn triệu phú đô la Ngô Minh Đường hì hục rửa xe bán nước mía siêu sạch, rồi đội mưa cùng nhân viên dọn dẹp hàng quán, chúng tôi càng hiểu niềm đam mê lao động và sự hòa đồng với nhân viên của các ông chủ Pháp.

1. Nghe danh siêu thị Thanh Bình đã lâu, hôm qua chúng tôi mới có dịp ghé thăm. Đây là một trong ít siêu thị của người Việt còn sót lại ở Pháp chuyên cung cấp thực phẩm thuần Việt của đại gia Ngô Minh Đường, vang tiếng trên các phương tiện truyền thông.

Thanh Bình là cứ địa, triệu phú đô la này còn sở hữu 3 siêu thị khác. Tận mắt nhìn cái kho hàng rộng mênh mông, mới thấy sức cung ứng đồ sộ chuỗi siêu thị của ông Đường. Cứ mỗi tháng một lần, một công-ten-nơ hàng từ Việt Nam sang mang theo tất cả những nhu yếu phẩm cả 3 miền, không thiếu thứ gì. Do tiêu chuẩn kiểm định khắt khe ở Pháp nên Thanh Bình phải về tận Trà Vinh thuê đất và thuê bà con để trồng lúa, rau sạch, mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trước tiền sảnh siêu thị là một không gian thuần Việt. Trên tường vẽ những bức tranh 3 miền. Mấy hàng quán được bày ra phục vụ khách đến mua hàng đói bụng có thể ăn. Một xe nước mía đề bảng nước mía siêu sạch, giá 3,50 EURO/ ly; kèm theo trứng vịt lộn và bia. Một quầy bán bún chả cá, bò kho, bánh mì thịt, bánh ướt chả lụa. Một quầy bán bò bía, bột chiên, bánh bột lọc, bánh ướt tôm cháy, chè chuối nước dừa…

Chỉ chừng ấy thôi, đã làm nên một phong vị Việt. Để ý, thấy khách ra ăn khá nhiều, cả tây lẫn ta.

Chúng tôi mua ủng hộ 2 quả vịt lộn, mấy lon bia Sài Gòn, một dĩa bò bía, 2 li nước mía. Bàn bên cạnh là cặp vợ chồng du lịch, vừa ăn vừa  nói vọng sang: Tui ngồi ăn ở đây mà ngỡ như đang ở… Tiền Giang.

Bước vào siêu thị, phải nói rằng có khi nhu yếu phẩm còn đầy đủ hơn nhiều siêu thị ở Việt Nam. Đằng kia, một ông Tây đang cầm mấy quả khế, vẫy chào khi thấy chúng tôi quay phim.

Một đôi vợ chồng già từ tỉnh Val de Varne lên. Họ “khuân” cơ man nào là thực phẩm, riêng mắm tôm đã chục lọ. “Lâu lâu mới có đợt mắm tôm, nên tôi phải mua nhiều như thế”, ông cụ hí hửng. “Vườn nhà bà rất nhiều loại rau, nhưng vẫn thích lên đây để mua thêm, đơn giản muốn có chút không khí Việt Nam. Được trò chuyện với người Việt để đỡ nhớ quê hương”, bà cụ nói. Một chút không khí quê hương, phải làm thân lữ thứ mới thấu hiểu điều đó!

2. Trời đổ mưa rào. Mưa Paris cũng như mưa Việt. Cũng sấm đùng đoàng! Khách đã vãn, mọi người lục tục dọn quán. Chúng tôi hỏi nhân viên, ông chủ triệu đô khét tiếng đâu, cho nhìn mặt cái coi? Một sinh viên chỉ về phía người đàn ông đang lui cui lau xe nước mía: “Ông Đường đó. Ổng gần gũi và siêng việc lắm, chả nề hà gì đâu”.

Người đàn ông giàu có vang danh đấy ư? Một nông dân đúng nghĩa, thay vì chúng tôi tưởng tượng phải bệ vệ, cà vạt và xức nước hoa thơm phức, chỉ tay năm ngón. Ông chìm vào đám đông nhân viên, nên khi ngồi ăn, chúng tôi không nhận ra.

Cầm chiếc khăn trên tay, ông Đường lau xe nước mía sạch bóng như tâm thế của một người làm thuê. Rồi ông bưng bê mấy cái bàn, mưa làm nhà triệu phú ướt lướt thướt. Đấy là việc của nhân viên, lẽ ra phải thế.

Một góc siêu thị Thanh Bình. Ảnh Hữu Quý

Ông Đường khua chiếc khăn: “Ông chủ bên này là thế đấy con ạ, không có khoảng cách, phải lao động cật lực. Nhân viên có quyền cãi lại ông chủ là bình thường khi thấy cần phải có ý kiến. Các ông chủ cũng không vì thế mà trù dập, định kiến. Hôm nay tôi rảnh, có việc ra đây thì cùng làm với nhân viên cho vui”.

Rồi ông Đường kể rằng ông mở siêu thị đã gần 50 năm. Thành công chỉ một ít may mắn, còn đa số đều nhờ lao động cực nhọc, phải tranh đấu đúng nghĩa. Bởi chuỗi siêu thị của ông không những phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp bản địa mạnh nền tảng, mà còn với siêu thị của người Trung Quốc, người châu Á, vốn rất tinh nhuệ bán buôn các sản phẩm như ông.

3. Tôi hỏi ông có tư vấn gì cho các bạn trẻ muốn lập nghiệp và kinh doanh ở Pháp? Ông trả lời rất đơn giản: “Tôi để ý, thấy các bạn trẻ sang đây du học hình như đa số gia đình đều có điều kiện. Có cảm giác nhiều cháu làm thêm cho vui, có chút đỉnh chi tiêu, chứ không khao khát cháy bỏng làm giàu, cũng không chịu khó lắm đâu! Tôi mở mấy cái quán nhỏ này, chủ ý để bình dân thế, cũng để giúp các cháu có thêm việc làm. Quan trọng, có chút không gian thuần Việt để bà con ngồi chơi, trò chuyện, ăn vặt cho vơi nỗi nhớ quê, chứ có lời lãi bao nhiêu đâu”.

Mưa mỗi lúc một to, nước trút ào ào. Chia tay ông Đường và mấy sinh viên ra về, qua cửa kính ô tô, vẫn thấy nhà triệu phú và “quân của mình” đội mưa dọn dẹp, càng thấm câu: “Lao động là vinh quang”!

Tri túc, chưa hẳn là túc

“Tri túc, hà thời túc” (biết đủ là đủ), câu nói này cần phải xem lại ở Pháp. Trên thực tế, không bộ phận không nhỏ dân Pháp, trong đó có thanh niên, đã khá ỷ lại sự bảo hộ của chính phủ. Chế độ phúc lợi xã hội của chính phủ Pháp dành cho người dân là quá lớn.

Chúng tôi có người chị Việt kiều gốc Hải Phòng, lấy chồng Pháp. Một người chị vô cùng tốt, hiền lành và nhiệt tình làm công tác từ thiện. Nhìn bên ngoài, nhất là ăn mặc, trông chị quá ư là “nông dân”. Nhưng chồng chị là một người đàn ông thuộc giai tầng quý tộc ở Pháp. Quen chị bên Việt Nam, đeo đuổi tán tỉnh mãi chị không thích. Anh cứ đến nhà trồng cây si hàng tuần. Bố mẹ chị thương quá, động viên con gái mãi, chị mới chịu lấy.

Nhà con trai một, bố mẹ mất, để lại một gia tài đồ sộ. Chị nói rất thật chẳng biết làm gì với gia sản đó, chỉ thích cái trang trại ở miền quê và đang có ý tưởng trồng rau sạch. Hai đứa con của chị đều sinh ở Việt Nam. Chị dứt khoát sinh con ở bệnh viên C, chỉ tốn vài chục triệu đồng. Chị bảo nếu sinh ở bệnh viện, chính phủ Pháp sẽ trả hết các chi phí và bảo hiểm lên đến dăm nghìn EURO. Chị cũng muốn vào nơi sinh con này cho sướng cái thân, nhưng dứt khoát không vì như thế sẽ góp phần làm nước Pháp thêm gánh nặng, và con của chị sau này sẽ phải “trả nợ”.

Hàng ngày, chị vẫn đi dạy học bình thường, và làm từ thiện. Khi chúng tôi “tham mưu” chị rằng ăn mặc tươm tất một tí, trang điểm tí, chị khoát tay “không không”, anh chồng bảo thế mới đáng yêu, chỉ thích tri thức và tâm hồn của vợ. Hàng ngày, chị vẫn đi dạy học rất cần mẫn.

Hay anh Sinh, chủ nhà hàng Đêm Sài Gòn nhỏ, trong tay sở hữu vài chục tỷ đồng, vẫn phải đi làm thêm cho doanh nghiệp nước ngoài hàng đêm. Ông Ngô Minh Đường giàu đến mức đó vẫn khao khát kiếm tiền, vẫn lọ mọ với cái xe bán nước mía sạch, có lẽ nhiều người Việt chúng ta ồ lên cười: “làm gì cho lắm”!


Hữu Quý- Việt Sơn (Từ Paris, Pháp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm