Xử lý tội phạm tham nhũng – Quyết tâm chính trị và sự công tâm - Bài 1: Trừ 'giặc nội xâm' - khó vẫn phải làm

15/12/2019 08:53 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Công tác phòng, chống tham nhũng đã và đang được Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.

Tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng chủ yếu là tham nhũng, chức vụ và xâm phạm sở hữu

Tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng chủ yếu là tham nhũng, chức vụ và xâm phạm sở hữu

Sáng 22/11, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tổ chức hội nghị "Nhận diện vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thông qua thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ án của Tòa án nhân dân khu vực phía Bắc.

Các vụ án tham nhũng được xét xử nghiêm minh thời gian qua là bài học cảnh tỉnh đối với những người đang giữ chức vụ và quyền hạn trong bộ máy chính trị trước những cám dỗ của vật chất và quyền lực.

Việc làm này cũng góp phần kiểm soát quyền lực hiệu quả hơn, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm để những người cầm cân nảy mực trong các cơ quan bảo vệ pháp luật nỗ lực hơn trong việc đưa ra ánh sáng các vụ án tham nhũng. Điều trăn trở của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình xử lý tội phạm tham nhũng là nhiều người trong số này đã từng có những đóng góp cho xã hội, nhận được sự tín nhiệm của cấp trên, đồng nghiệp và nhân dân. Vậy nên, để xử lý những đối tượng phạm tội mà hôm qua họ còn là đồng chí, đồng nghiệp, thậm chí là cấp trên của mình, rất cần một sự công tâm và bản lĩnh chính trị vững vàng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Chỉ có sự chí công, vô tư mới giúp những người cầm cân, nảy mực rạch ròi giữa công và tội, cân nhắc áp dụng chính sách hình sự, mức độ xử lý để vừa đảm bảo việc xử phạt thấu tình đạt lý vừa tuân thủ nguyên tắc “luật pháp bất vị thân”, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nhằm cung cấp một bức tranh toàn diện hơn về việc xử lý tội phạm tham nhũng, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 3 bài viết “Xử lý tội phạm tham nhũng - Quyết tâm chính trị và sự công tâm”.

 Bài 1: Trừ “giặc nội xâm” - khó vẫn phải làm

 Tham nhũng được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để thực hiện mục đích vụ lợi. Tội phạm tham nhũng là những người có chức quyền, sử dụng chức quyền như một phương tiện để trục lợi cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người thân về lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần.

Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta về xử lý các vụ án tham nhũng là không có vùng cấm và xử lý triệt để, nghiêm minh. Khi có hành vi vi phạm pháp luật, bất cứ ai cũng đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng và trước pháp luật, cán bộ cấp cao vi phạm cũng bị xử lý như những người khác. Cách đây gần 70 năm, ngày 5/9/1950, tại chiến khu Việt Bắc đã diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu (nguyên Đại tá, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu) bị tuyên án tử hình về các tội: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Trần Dụ Châu cùng đồng phạm đã thực hiện các hành vi: tham ô, nhận hối lộ, cố ý làm trái các quy định của Đảng, Chính phủ, “rút ruột” các mặt hàng phục vụ chiến sĩ… khiến cho một số lượng lớn tài sản của Nhà nước bị thất thoát và bị chiếm đoạt. Trong bối cảnh nhân dân toàn miền Bắc đang dồn sức chiến đấu chống “giặc ngoại xâm”, những “giặc nội xâm” như Trần Dụ Châu là những con sâu đục khoét, làm suy yếu chính quyền non trẻ mới được hình thành.

Mặc dù Trần Dụ Châu là người đảm nhiệm chức vụ cao, quan trọng trong Quân đội, nhưng với quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, quyết trừ “giặc nội xâm” như Châu để làm trong sạch Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo điều tra làm rõ và xử lý nghiêm vụ án này. Người đã dứt khoát bác đơn xin ân xá của Trần Dụ Châu. Và Trần Dụ Châu đã bị thi hành án tử hình ngay sau đó. Quyết định bác đơn xin ân xá này của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đồng lòng ủng hộ, tin tưởng vững chắc vào con đường kháng chiến của Đảng.

Có thể nói, vụ án Trần Dụ Châu là một bài học mang tính thời sự nóng hổi trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vụ án xảy ra đã gần 70 năm, song vẫn để lại cho chúng ta một tiền lệ mang tính khuôn thước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, là bài học hữu ích trong việc quản lý, giáo dục và kiểm soát cán bộ.

Hiện tại, khi tổ chức Đảng các cấp tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bài học từ vụ án Trần Dụ Châu có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng ngừa và đấu tranh với nạn tham nhũng, thoái hóa biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Việc đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn trong thời gian gần đây, dư luận quần chúng nhân dân rất hoan nghênh và đặt niềm tin ở công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, trong đó có sự chỉ đạo trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt và hiệu quả của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao bị điều tra, truy tố, xét xử. Năm 2014, Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) bị tuyên án tử hình về tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Năm 2017, Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương - OceanBank) bị tuyên án tử hình về 3 tội: “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Cuối năm 2017, đầu năm 2018, Đinh La Thăng - người từng giữ các cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - đã bị đưa ra xét xử trong hai vụ án về cùng tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 16/12/2019, hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ”. Đầu tháng 1/2020, hai cựu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”…

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên tòa xét xử sơ thầm bị cáo Đặng Anh Tuấn. Ảnh: Trung Kiên- TTXVN

Bằng cách này hay cách khác, những người từng là cán bộ cấp cao này như những con sâu đục khoét, gặm nhấm tài sản của Nhà nước. Vì những động cơ khác nhau mà bao trùm lên trên là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, họ đã cố ý thực hiện hành vi làm trái quy định của Nhà nước, vi phạm pháp luật. Với quan điểm kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, Đảng ta kiên quyết loại bỏ ra khỏi hàng ngũ của Đảng những con sâu, những mối ung nhọt đó, bất kể đó là những người đã từng đảm nhiệm các vị trí cao cấp trong bộ máy Nhà nước, trong tổ chức Đảng. Đây là việc khó, nhưng khó vẫn phải làm, nhằm củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, của nhân dân, làm trong sạch đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời cũng là để răn đe, phòng ngừa, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Những đối tượng phạm tội này, hình phạt tù chỉ là một phần mà họ phải gánh trả, bản án nặng nề hơn cả là sự hổ thẹn và sự đánh giá của nhân dân đối với cá nhân những người đã từng đảm nhiệm những trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Những người này nắm quyền hành tập trung trong tay nên càng dễ dàng thực hiện các hành vi vi phạm nhằm thỏa mãn lợi ích cá nhân. Họ phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư; đề ra các chủ trương thiếu minh bạch; đặt ra những quy định điều hành, cách quản lý mập mờ... nhằm thu lợi cho bản thân, cho một nhóm lợi ích, xâm hại tài sản, lợi ích chung của Nhà nước, xã hội.

Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự; Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng... Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 (khóa XII) vào chiều 12/10/2019 tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bộc bạch: "Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân.

Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta". Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường. “Chúng ta đang tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất! Bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Kiên quyết xử lý tội phạm tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, song một nhiệm vụ quan trọng không kém cũng cần được triển khai tích cực, đó là chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng về cho Nhà nước.

Kim Anh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm