Vụ gian lận điểm thi tại Sơn La: Phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng

25/05/2020 22:11 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/5, phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo liên quan đến vụ án gian lận điểm trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La bước vào ngày làm việc thứ 5, các bị cáo, luật sư và đại diện Viện Kiểm sát tiến hành tranh tụng.  

Vụ gian lận điểm thi tại Sơn La: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị mức án cao nhất từ 23 năm đến 25 năm tù

Vụ gian lận điểm thi tại Sơn La: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị mức án cao nhất từ 23 năm đến 25 năm tù

Ngày 24/5, phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo liên quan đến vụ án gian lận điểm trong Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La bước sang ngày làm việc thứ 4. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã đưa ra quan điểm luận tội và đề nghị hình phạt dành cho các bị cáo, với mức án cao nhất từ 23-25 năm tù.

Bị Viện Kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt 7-8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ", trong phần tự bào chữa, bị cáo Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) không nhất trí với nhiều nội dung luận tội. Bị cáo Yến phủ nhận cáo buộc phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" để nhờ nâng điểm cho 13 thí sinh.

Bị cáo Yến cũng cho rằng Viện Kiểm sát cáo buộc Yến phải chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm kết quả bài thi là không đúng và không có cơ sở pháp lý. Lý do là trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, Thông tư số 04/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rằng trong quá trình chấm thi phải bố trí bộ phận giám sát gồm công an và thanh tra, bị cáo là đối tượng được giám sát không phải là người giám sát.

Chú thích ảnh
Bị cáo Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) tại phiên tòa ngày 24/5. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Bị cáo Yến cũng phủ nhận cáo buộc về sự đồng thuận, cho phép các bị cáo khác rút bài thi trắc nghiệm mang về nhà để sửa nâng điểm. Theo đó, ngoài lời khai của bị cáo Nga thì các bị cáo khác và người làm chứng đã khai rằng họ không được Yến chỉ đạo hay can thiệp để các bị cáo rút bài, sửa bài, nâng điểm cho thí sinh.

Ngoài ra, bị cáo Yến cũng không thừa nhận quy kết của Viện Kiểm sát về việc Yến chỉ đạo Nguyễn Thị Hồng Nga xóa dữ liệu máy tính để che dấu hành vi nâng điểm thi khi xuất hiện đoàn thanh tra.

Đối đáp với bị cáo Trần Xuân Yến, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, cáo trạng không cáo buộc hành vi phạm tội của bị cáo Trần Xuân Yến trong việc đưa danh sách nhờ nâng điểm cho 13 thí sinh mà chỉ coi đây là  một tình tiết trong vụ án, là nguyên nhân để dẫn đến các hành vi phạm tội tiếp theo.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, hành vi phạm tội chính của bị cáo Yến là trong vai trò Tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm. Bị cáo Yến có trách nhiệm công bố các quyết định về việc thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm; thành lập tổ thanh tra chấm thi; phân công nhiệm vụ cho từng thanh viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm; giám sát việc thực hiện của các thành viên trong tổ xử lý bài thi trắc nghiệm; chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi trắc nghiệm của tổ xử lý bài thi trắc nghiệm. Trong quá trình điều tra, lời khai ban đầu của bị cáo Yến về quyền hạn, trách nhiệm của Yến phù hợp với các tài liệu được cơ quan điều tra thu thập khách quan. Cùng với đó, lời khai của các bị cáo khác cũng phù hợp với lời khai của bị cáo Yến. Vì vậy, đủ căn cử quy kết bị cáo Yến có hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", với tình tiết phạm tội nhiều lần.

Ngoài ra, lời khai của bị cáo Yến thể hiện Yến đã đồng thuận cho các bị cáo rút bài thi trắc nghiệm, sau đó, sửa đáp án và quét lại để cập nhật vào máy tính. Cùng với đó, kiểm sát viên cũng khẳng định lời khai của bị cáo Yến và các bị cáo khác cho thấy với vai trò Tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, bị cáo Yến đã không chỉ đạo niêm phong bài thi sau khi quét. Đến chiều 4/7/2018, bị cáo Yến mới chỉ đạo và lập biên bản niêm phong khi các bài thi đã được sửa nâng điểm.

Cũng theo kiểm sát viên, khi tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến Sơn La kiểm tra thì bị cáo Yến đã mang hai hộp đĩa CD chứa dữ liệu bài thi gốc ra nghĩa trang để tiêu hủy. Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường và đã thu được các mẫu than của đĩa CD bị đốt.

Chú thích ảnh
Bị cáo Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) tại phiên tòa ngày 24/5. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Đối đáp với bị cáo Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La), đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, đủ căn cứ để truy tố bị cáo về hành vi "nhận hối lộ" với số tiền 1 tỷ đồng từ bị cáo Nguyễn Minh Khoa. Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Huynh phủ nhận việc nhận tiền cũng như nguồn gốc số tiền là từ tiết kiệm và mua bán đất là không có cơ sở.

Chú thích ảnh
Bị cáo Lò Thị Trường (lao động tự do, thành phố Sơn La) tại phiên tòa ngày 24/5. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Trong phiên xét xử ngày 25/5, tự bào chữa trước tòa, các bị cáo Lò Thị Trường (trú ở thành phố Sơn La), Hoàng Thị Thành (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) đã thừa nhận hành vi phạm tội. Các bị cáo bày tỏ sự ăn năn, hối cải và mong hội đồng xét xử xem xét cho được hưởng án treo để về chăm sóc gia đình.

Còn bị cáo Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó phòng Phòng An ninh chính trị nội bộ thuộc Công an tỉnh Sơn La) cho rằng bản thân bị oan, không nhất trí với bản kết luận điều tra và bản cáo trạng mà Viện Kiểm sát quy kết về tội "đưa hối lộ".

Hữu Quyết - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm