Vụ gian lận điểm thi tại Sơn La: Các bị cáo ăn năn hối hận, xin giảm nhẹ hình phạt tù

26/05/2020 21:01 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 6 ngày làm việc, chiều 26/5,  phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo liên quan đến vụ án gian lận điểm trong Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La đã kết thúc phần tranh tụng. Trước khi nghị án, Hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cùng trước tòa.

Vụ gian lận điểm thi tại Sơn La: Phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng

Vụ gian lận điểm thi tại Sơn La: Phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng

Ngày 25/5, phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo liên quan đến vụ án gian lận điểm trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La bước vào ngày làm việc thứ 5, các bị cáo, luật sư và đại diện Viện Kiểm sát tiến hành tranh tụng.

Là người đầu tiên đứng trước bục khai báo nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) cho biết đã nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh gia đình, thành tích trong công tác và việc thành khẩn khai báo để giảm nhẹ hình phạt tù và miễn hình phạt bổ sung cho bị cáo.

"Khi được các lãnh đạo sắp xếp, do nhận thức của mình, bị cáo đã làm, vì không làm thì sẽ không tồn tại được", bị cáo Nga nói thêm về lý do phạm tội.

Bị cáo Nga là một trong hai người bị đề nghị tuyên phạt mức án cao nhất từ 23-25 năm tù cho hai tội danh "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ". 

Là người tiếp theo được nói lời sau cùng, bị cáo Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) thừa nhận những tiêu cực trong Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La gây ra ảnh hưởng xấu, gây mất công bằng trong xã hội.

Chú thích ảnh

Là lãnh đạo ngành giáo dục, bị cáo đã bị sốc và hoảng loạn tinh thần trong thời gian dài vì đã mất sự nghiệp, uy tín trong 25 năm gây dựng. Trước dư luận xã hội 12 bị cáo sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc, nhưng bị cáo Yến mong hội đồng xét xử đánh giá khách quan lời khai của các bị cáo và chứng cứ để tuyên án.

Bị cáo Yến nói mình không có động cơ, không thực hiện, không chỉ đạo ai trong hành vi sửa bài thi, nâng điểm cho thí sinh. Bị cáo Yến cũng đề nghị hội đồng xét xử không tuyên phạt tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ". Trước đó, Viện kiểm sát đề nghị mức án 7-8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" đối với bị cáo Yến.

Bật khóc khi nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) mong hội đồng xét xử xem xét những luận điểm luật sư bào chữa và mức độ, hành vi, hậu quả mà bị cáo gây ra để có bản án khách quan.

Bị cáo Nhàn bày tỏ, những người làm ở Sở Giáo dục và Đào tạo nói chung và ở phòng chuyên môn nói riêng, tâm thế trước mỗi kỳ thi là hoàn thành nhiệm vụ, không để xảy ra sai phạm nào. Vì thế, trong suốt 2 năm qua bản thân luôn ân hận, day dứt về những sai phạm liên quan, nhất là việc bị khai trừ ra khỏi Đảng, bởi đây là điều mà bị cáo đã phấn đấu đạt được từ lúc còn sinh viên năm thứ 3, nếu không có gì xảy ra bị cáo chuẩn bị được nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.

"Chúng tôi mong muốn những người có tham vọng, ý đồ, dùng quyền lực của mình để con cái đạt được kết quả mong muốn trong kỳ thi sẽ thấy có lỗi với chúng tôi", bị cáo Nhàn, người bị đề nghị mức án 2-3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" nói trước tòa. 

Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) thừa nhận vì tình cảm nể nang đồng nghiệp, bạn bè và một số mối quan hệ khác đã nhờ xem điểm cho 5 thí sinh.

Bị cáo nói, ngay từ khi sự việc xảy ra, bản thân đã nhận thức được việc làm  này vi phạm đến danh mục bí mật Nhà nước. Một lần nữa trước tòa, bị cáo Khoa khẳng định mình không thực hiện hành vi phạm tội vì Viện kiểm sát không đưa ra được chứng cứ phạm tội. Vì vậy, bị cáo mong hội đồng hội đồng xét xử xem xét lại kết quả của cơ quan an ninh điều tra để tuyên bị cáo vô tội. 

Nói lời sau cùng trước tòa, các bị cáo Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La); Hoàng Thị Thành (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La); Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La); Lò Thị Trường (lao động tự do, thành phố Sơn La); Đặng Hữu Thủy (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Tô Hiệu); Trần Văn Điện (nguyên cán bộ Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Chiềng Cơi, thành phố Sơn La); Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La); Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) bày tỏ sự ăn năn, hối hận về hành vi phạm pháp của bản thân. Các bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh gia đình, thành tích cá nhân để được hưởng lượng khoan hồng, sớm trở về với xã hội. 

Hội đồng xét xử nghị án và dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 29/5.

Theo Hữu Quyết - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm