Vaccine: Biện pháp hiệu quả, chủ động phòng dịch Covid-19

15/08/2021 12:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả mà cả thế giới đang hướng tới trong nỗ lực phòng dịch và dập dịch Covid-19. Đặc biệt, vaccine càng trở nên cấp thiết khi đợt dịch bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam có những diễn biến phức tạp và khó kiểm soát do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

100 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng Covid-19

100 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng Covid-19

Thông tin từ Bộ Y tế sáng 14/8 cho biết, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng Covid-19 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên đến từ Hà Nội vào ngày 15/8/2021.

* WHO khuyến cáo: Hãy tiêm bất kỳ loại vaccine có sẵn khi đến lượt

Có thể khẳng định rằng các loại vaccine phòng Covid-19 nói chung không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm, mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế. Các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay đều có hiệu lực bảo vệ từ trên 60 đến 95%. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo vaccine là vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Để đảm bảo hiệu quả tối đa của vaccine phòng Covid-19, mỗi người dân cần được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt từ 70-85% để có miễn dịch cộng đồng, phòng, chống dịch Covid-19. Sau khi tiêm vaccine vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (thông điệp 5K) để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sĩ Kidong Park, cũng đưa ra các khuyến cáo đối với Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt dịch lần thứ 4, nhấn mạnh tới giải pháp tiêm chủng.

Theo Tiến sĩ Kidong Park, tính tới đầu tháng 6/2021, có ít nhất 17 vaccine đã được triển khai, 7 trong số đó đã được WHO phê duyệt vào Danh sách sử dụng khẩn cấp. Những vaccine này là: Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết Thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.

Các dữ liệu tính đến ngày 6/8/2021 cho thấy vaccine vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng Covid-19 bởi biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.

Thông điệp từ WHO rất rõ ràng, đó là hãy tiêm bất kỳ loại vaccine có sẵn khi đến lượt bạn. Vaccine giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh bạn. Vaccine cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới.

Chú thích ảnh
Hà Nội triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Minh Quyết

* 4 tác dụng của việc tiêm các loại vaccine phòng Covid-19

Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ - cũng khẳng định 4 tác dụng của việc tiêm các loại vaccine phòng Covid-19. Đó là làm giảm số người nhiễm SARS-CoV-2; làm giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh; giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ và giảm nguy cơ tử vong.

Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh phân tích: Cũng giống như các loại vaccine giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vaccine phòng Covid-19 giúp cơ thể con người phát triển khả năng miễn dịch, chống lại SARS-CoV-2 mà không cần mắc bệnh. Do đó, có thể có trường hợp một người nhiễm virus gây bệnh Covid-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccine rồi bị bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng đạt từ 70-85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Để bảo đảm tiêm đến đâu an toàn tới đó thì trong một ngày chúng ta chỉ có thể tiêm được một số lượng nhất định. Nếu tiêm nhiều hơn hoặc muốn tiêm thật nhanh sẽ có những vấn đề: đầu tiên là lực lượng y tế để triển khai tiêm sẽ thiếu hụt khi mà lực lượng này đang bị chia ra để làm công tác chống dịch. Thứ hai là người tiêm xong cần được theo dõi để bảo đảm an toàn, phải bố trí hệ thống cấp cứu. Tiếp theo là các vấn đề liên quan đến phân luồng, tổ chức sao cho không để tập trung đông người dồn cùng lúc. Đó là tiêm an toàn, ngay ở những vùng đang có dịch, muốn tiêm nhanh cũng phải bảo đảm những nguyên tắc này. Nếu bảo đảm những nguyên tắc này và theo hệ thống sắp xếp hiện nay thì tiến độ tiêm vẫn bảo đảm rất nhanh và người dân nên bình tĩnh, không nên lo lắng vì tất cả mọi người sẽ được tiêm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “phải bàn và làm bằng được” việc sản xuất vaccine trong nước

Sáng ngày 12/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, nhiều nhất để tiêm cho nhân dân. Việc này được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo quyết liệt, sát sao, liên tục, nhất quán trong suốt thời gian vừa qua. Trong khi trên thế giới và trong khu vực tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và vaccine đang rất khan hiếm.

Trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng, đã có những điều chỉnh về đối tượng ưu tiên, cả những người cao tuổi và có bệnh nền cũng được đưa vào đối tượng tiêm vaccine. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn người cao tuổi và có bệnh lý nền, thậm chí cả những người có tiền sử dị ứng vẫn có thể tiêm vaccine chứ không chống chỉ định như trước đây. Bởi nhóm người cao tuổi và có bệnh lý nền là nhóm hết sức nguy cơ. Nếu không may những người này bị nhiễm Covid-19 thì tỷ lệ tử vong rất lớn.

Cho nên việc càng sớm càng tốt, nhanh chóng đưa nhóm người này vào đối tượng ưu tiên tiêm chủng là một chủ trương điều chỉnh rất đúng đắn của Bộ Y tế. Còn trẻ em là nhóm đối tượng liên quan rất nhiều đến chuỗi lây truyền dịch bệnh, vì vậy việc sớm có vaccine để tiêm cho trẻ em cũng rất cần thiết.

Về thực trạng, một số người có tâm lý e ngại, lựa chọn vaccine để tiêm vì cho rằng vaccine này tốt hơn vaccine kia, các chuyên gia trong nước cũng cho rằng, vaccine tốt nhất là vaccine được tiếp cận sớm nhất. Vì vậy không nên trì hoãn việc tiêm vaccine khi đủ điều kiện.

Hiện nay, tất cả các loại vaccine được nhập về Việt Nam và được Bộ Y tế cho phép lưu hành đều đã được thẩm định qua rất nhiều tổ chức có thẩm quyền. Những người đã tiêm đủ mũi và đủ thời gian thì không có trường hợp nào bị diễn biến nặng đến mức phải hỗ trợ điều trị, nếu chẳng may nhiễm bệnh. Những vaccine mà Chính phủ Việt Nam nhập về đều rất tốt và người dân nên tin tưởng thay vì lựa chọn vaccine này hay vaccine khác.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Nguồn: TTXVN

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái cũng cho rằng, ở nước ta chỉ dùng kết hợp 2 loại vaccine trong trường hợp bị hạn chế về nguồn cung, nhưng với khả năng hiện tại thì không lo quá về nguồn cung. Vì vậy, vẫn nên tiêm thống nhất 1 loại vaccine ở cả 2 mũi tiêm, như vậy sẽ bảo đảm an toàn hơn là dùng kết hợp trong khi chúng ta chưa có đủ dữ liệu lâm sàng về việc này.

Ngoài ra, một số hãng dựa vào các kết quả thử nghiệm lâm sàng đã bắt đầu nghiên cứu về việc tiêm mũi thứ 3 và đã ra khuyến cáo về việc này. Ví dụ Pfizer khuyến cáo sau khoảng 1 năm thì tiêm nhắc lại mũi 3 hoặc Astrazeneca gần đây cũng đã có khuyến cáo là tiêm mũi 3 sau 6-9 tháng tiêm mũi 2. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm các bằng chứng và thử nghiệm, đồng thời mục tiêu trước mắt hiện nay của chúng ta vẫn đang tập trung hoàn hành việc tiêm mũi 1 và mũi 2.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bích Nga

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm