Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye chờ bị luận tội trong cô đơn, chán nản

09/12/2016 13:32 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - 3 giờ chiều nay (9/12) Hàn Quốc sẽ bắt đầu cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Park Geun Hye. Tính tới thời điểm này, các cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống ngày càng lớn và ầm ĩ hơn hơn. Tổng thống Park Geun Hye vẫn hầu như tránh xuất hiện trước công chúng, bà sống trong tuyệt vọng và cô đơn.

Các trợ ký của bà Park Geun Hye cho biết, Tổng thống ẩn mình trong Nhà Xanh, cũng là ngôi nhà thời thơ ấu của bà, và rất ít khách đến thăm.

Ở tuổi 64, Park Geun Hye không kết hôn và không con. Em trai và em gái thì đã xa lánh bà từ nhiều năm qua. 3 người trợ lý thân tín nhất của Park Geun Hye đều đã bị sa thải do bê bối tham nhũng và chính trị đang đe dọa tới nhiệm kỳ Tổng thống của bà. Một người đã bị tù giam. Còn Choi Soon Sil, người bạn thân tín nhất của Tổng thống, cũng đã bị bắt giam.


Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã trải qua nhiều đêm mất ngủ, chán nản, cô đơn sau bê bối chính trị

Bà Park Geun Hye đã không tham dự các cuộc họp nội các và đang chìm trong chán nản. Trong một lần xin lỗi trước công chúng, Park Geun Hye nói bà đã trải qua nhiều đêm mất ngủ và có những lúc thấy hối hận khi trở thành tổng thống.

"Park Geun Hye xanh xao hẳn. Bà ấy nói đã nhiều lần xin lỗi các nhà lập pháp" - Chung Jin Suk, thuộc đảng cầm quyền của Tổng thống Park, kể lại khi tới thăm bà tại Nhà Xanh hôm 10/12.

Kể từ khi vụ bê bối chính trị và tham nhũng bắt đầu bị khui ra hồi tháng 10, đã có nhiều cáo buộc rằng Parr Geun Hye đã âm mưu với bạn thân tín Choi Soon Sil để "moi" hàng chục triệu USD từ các doanh nghiệp lớn và để trợ giúp bà Choi, người không có vị trí chính thức song lại "thao túng" các công việc của chính phủ trong "bóng tối". Kể từ đó, bà Park Geun Hye rất ít khi xuất hiện trước công chúng.

Hôm 10/11, bà Park đã đón tiếp phái đoàn tổng thống của Kazakhstan và cùng ngày đó bà điện đàm với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald J. Trump. Bà Park đã có 3 lần xin lỗi trên truyền hình và mỗi lần chỉ kéo dài vài phút, có lúc nghẹn đi vì cảm xúc.

"Trái tim tôi tan nát khi nghĩ rằng mình không thể giải tỏa được sự thất vọng và nỗi tức giận của người dân, dù có xin lỗi 100 lần" – bà Park nói và cho biết bà cũng biết có nhiều cuộc biểu tình kêu gọi bà từ chức.


Các cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống Park Geun Hye từ chức ngày càng rầm rộ

Cách đây 6 tuần số người tham gia biểu tình chỉ khoảng 20.000 người, nhưng đến hôm 3/12 đã lên tới 1,7 triệu người.

"Tổng thống nghe tiếng kêu gọi của người biểu tình với trái tim nặng trĩu" - Jung Youn Kuk, người phát ngôn của Tổng thống, nói sau một cuộc biểu tình.  

Trước đó, các trợ lý của bà Park luôn từ chối nhắc đến thói quen hàng ngày hay tâm trạng của Tổng thống trong những ngày này, ngoại trừ tuyên bố bà đang cố gắng ở mức tốt nhất để giải quyết khủng hoảng.

Các trợ lý của Park Geun Hye còn cho biết, hồi tháng trước Tổng thống đã mời một số lãnh đạo Công giáo và một số bậc cao tăng Phật giáo tới để xin lời khuyên về cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Park giảm sút ghê gớm, nhiều chủ cửa hàng khắp Hàn Quốc đã tháo dỡ các bức ảnh về bà mà họ từng tự hào treo trên tường. Thậm chí ở Daegu thành phố quê hương Tổng thống, nơi Park Guen Hye đã có chuyến "hồi hương" ngắn hồi tuần trước, bà cũng phải đối diện với nhiều người biểu tình yêu cầu bà từ chức. Văn phòng của Park Geun Hye cho biết, sau khi thăm một khu chợ có niên đại 1 thế kỷ đã bị thiệt hại nặng trong một hỏa hoạn, Park Guen Hye đã trở lại ô tô riêng và khóc.

Park Geun Hye nên nắm quyền mà không hình dung được rằng có ngày bà bị cô lập như vậy.

Hồi năm 2008, Tổng thống là nhà lãnh đạo Hàn Quốc bị cô lập đầu tiên là Lee Myung Bak. Ông đã bị cô lập khi nhiều đám đông người tụ ở trung tâm Seoul để phản đối ông với quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ trong bối cảnh người dân đang rất lo ngại vì bệnh bò điên.

Thời điểm đó, Tổng thống Lee Myung Bak nói một buổi chiều ông đã trèo lên núi Bugak, ngọn núi cao xanh mát phía trên Nhà Xanh, quan sát những người biểu tình cầm nến đứng chật trung tâm thành phố và khóc.


Bức ảnh gia đình bà Park Geun Hye. Bà chụp cùng bố mẹ và hai em

Đối với Tổng thống Park Geun Hye, Nhà Xanh là nơi gợi lại cho bà nhiều ký ức. Bà chuyển tới đây sống hồi 9 tuổi, khi cha bà Park Chung Hee lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự hồi năm 1961. Năm 1979, khi Park Chung Hee bị ám sát trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống lại cách lãnh đạo đất nước của ông, Park Geun Hye đã rời dinh tổng thống và đến năm 2013 mới trở lại nơi này.

Trong khoảng thời gian "gián đoạn" ấy, Park Geun đã sống một cuộc đời ẩn dật ở phía Nam Seoul, trong một ngôi nhà dán đầy những bức ảnh của cha mẹ bà và bày nhiều di sản của họ.

"Ngôi nhà của Park Geun Hye giống như một bảo tàng tôn vinh Park Chung Hee" - Choi Sang Yeon, cây bút của tờ nhật báo JoongAng Ilbo mới kể lại như vậy trong chuyến thăm của ông cách đây 1 thập kỷ. “Cứ như thể chiếc đồng hồ của Park Geun Hye đã ngừng chạy từ những năm 1970 và bà dành nhiều thời gian để kết nối với người cha đã khuất của mình. Bầu không khí trong ngôi nhà này rất nặng nề và ảm đạm".

Trong cuốn hồi ký What If I Were Born in an Ordinary Family (tạm dịch: Sẽ thế nào nếu như tôi sinh ra trong một gia đình bình thường) xuất bản hồi năm 1993, Park Guen Hye viết về lịch sử gia đình đầy bi kịch và nỗi buồn của mình: "Trong cuộc đời mình, tôi chưa có thời gian đáng giá nào ngoài nỗi đau khổ".

Và cuộc sống ẩn dật đó đã tạo tiền đề cho sự nghiệp chính trị của bà. Pary Geun Hye từng nói tối đến bà thường ngồi một mình đọc các báo cáo của chính phủ, bà tránh các cuộc gặp gỡ cá nhân với các trợ lý. Bà thường ăn một mình, xem TV.


Tổng thống Park Geun Hye bên những chú cún đáng yêu

Park Guen Hye còn cắt đứt quan hệ với em trai và em gái mình nhằm tránh tình trạng gia đình trị, một nguyên nhân dẫn đến sự suy vi của các Tổng thống Hàn Quốc trước đây. Park Geun Hye có hai con chó, một con Jindo trằng và một con giống Hàn Quốc.

Có điều, trước khi dính vào bê bối chính trị này, hình ảnh của Park Geun Hye cũng từng bị xấu đi sau thảm họa đắm phà Sewol hồi năm 2014. Khi xảy ra thảm họa, văn phòng của Park Geun Hye không thể liên lạc được với bà trong suốt 7 tiếng.

Thời gian đó Park Geun Hye ở đâu? Đây là một trong những câu hỏi được Văn phòng Tổng thống giữ kín nhất và khiến đã xuất hiện nhiều lời đồn đại không hay và cho rằng thời gian đó bà đang ở một tiệm chăm sóc sắc đẹp.

Mới đây, Văn phòng Tổng thống mới tuyên bố rằng thời gian phà Sewol đắm, Tổng thống ở trong Nhà Xanh, nhưng không ở trong phòng làm việc chính, và bà vẫn nhận những thông tin về vụ đắm phà.

Việt Lâm
Theo Korea Times

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm