Toàn cảnh biến động chính trị Ukraine

28/02/2014 22:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Ukraine V.Yanukovych tuyên bố tiếp tục đấu tranh để giải quyết khủng hoảng

Ngày 28/2, lần đầu tiên kể từ khi rời khỏi thủ đô Kiev ngày 22/2, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã xuất hiện tại thành phố Rostov-na-Donu của Nga và tổ chức một cuộc họp báo tại trung tâm triển lãm "Vertolexpo".

Trước khoảng 200 nhà báo quốc tế, một lần nữa ông Yanukovych khẳng định ông vẫn là Tổng thống của Ukraine và kiên quyết yêu cầu các thỏa thuận giải quyết khủng hoảng ký ngày 21/2 phải được thực hiện, khởi động và kết thúc cải cách Hiến pháp vào tháng 9/2014 nhằm cân bằng tất cả các nhánh quyền lực, sau đó tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 12/2014 và thông qua Hiến pháp mới, coi đây là lối thoát khỏi tình huống khủng hoảng trong nước hiện nay.

Mở đầu cuộc họp báo ông Yanukovych đã xin lỗi toàn thể nhân dân vì đã không đủ sức để duy trì ổn định xã hội. Ông khẳng định tuyệt đối không ra lệnh nổ súng vào người dân, lực lượng cảnh sát chỉ được vũ trang vì mục đích tự vệ. Ông cáo buộc Mỹ và phương Tây đã vô trách nhiệm trong tình hình khủng hoảng tại Ukraine, cụ thể phương Tây phải chịu trách nhiệm trong việc phá vỡ thỏa thuận giải giáp khủng hoảng.

Bên cạnh đó, ông kêu gọi chính quyền, phe đối lập và Hội đồng châu Âu cùng điều tra khách quan các sự kiện bi thảm tại Kiev, khi nhiều người đã thiệt mạng trong xung đột.

Về quyết định rời sang Nga, ông khẳng định đó là biện pháp đảm bảo an toàn trước những âm mưu thanh trừng nhằm vào cá nhân ông và thành viên gia đình ông, và ông sẽ quay trở về Ukraine khi nào an toàn cá nhân và cho gia đình ông được đảm bảo qua các trung gian quốc tế.

Nói về dự định hiện nay, Tổng thống Yanukovych tuyên bố ông chưa hề từ chức theo Hiến pháp (quy định Quốc hội miễn nhiệm tổng thống phải thông qua thủ tục luận tội), các điều luật mà Quốc hội thông qua sau khi ông rời nhiệm sở là không hợp pháp. Ông tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống được ấn định vào ngày 25/5 là không hợp pháp, do đó ông sẽ không tham gia tranh cử. Ông kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về các vấn đề mà đại diện xã hội dân sự và các tổ chức xã hội đề xuất, đưa các quá trình trong nước trở về trường Hiến pháp và pháp luật.

Ông cũng nhắc đến diễn biến mới nhất tại Cộng hòa tự trị Crimea, đánh giá đây là phản ứng lôgic sau tình hình tại Kiev, thể hiện thái độ phản đối chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người dân bán đảo. (Trước đó, Quốc hội nước Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về quy chế tương lai của vùng lãnh thổ này). Tuy nhiên, Tổng thống kêu gọi ngăn chặn tiếp tục đổ máu tại Crimea và khẳng định bán đảo này là một phần lãnh thổ của Ukraine, cũng như Ukraine là một đất nước "thống nhất và không thể chia cắt".

Về vai trò của Nga trong các quyết định của ông, ông cho rằng Nga có nghĩa vụ hỗ trợ Ukraine trong tình hình hiện nay theo hiệp định đã ký giữa hai nước, tuy nhiên ông cho biết không đề nghị một sự ủng hộ quân sự từ phía Nga.

Xung đột đã bùng phát giữa những người biểu tình ủng hộ Nga và người biểu tình ủng hộ chính quyền lâm thời Ukraine bên ngoài cơ quan lập pháp thủ phủ Simferopol thuộc khu vực Crimea. Ảnh: AFP/ TTXVN

Kết thúc buổi họp báo kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, Tổng thống Yanukovych một lần nữa kêu gọi chính quyền lâm thời Ukraine phải dừng ngay những bạo loạn, rời khỏi vị trí lãnh đạo đất nước và không để xảy ra thêm những tổn thất cho nhân dân Ukraine.

Trong khi đó, tại Ukraine, ngày 28/2, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov đã ký sắc lệnh miễn nhiệm Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, Đô đốc Yuriy Ilyin. Ông Ilyin được bổ nhiệm giữa lúc phong trào biểu tình phản đối Tổng thống Viktor Yanukovich lên đến đỉnh điểm. Thông cáo đăng trên trang web của văn phòng tổng thống không nêu lý do cách chức ông Ilyin.

Ukraine xác nhận quân đội Nga bao vây căn cứ quân sự của nước này

Bộ Tư lệnh Biên phòng Ukraine cho biết khoảng 30 lính thủy đánh bộ Nga đã chiếm lĩnh các vị trí bên ngoài căn cứ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển ở Sevastopol, thuộc bán đảo Crimea.

Cơ quan trên dẫn lời các lính thủy đánh bộ thuộc Lữ đoàn 810 thuộc hạm đội Biển Đen của Nga cho biết họ tới đây để ngăn chặn vũ khí ở căn cứ này rơi vào tay những phần tử cực đoan. Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa có bình luận gì.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Pháp, Đức và Ba Lan đã bày tỏ "vô cùng lo ngại" về các diễn biến ở Crimea và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế nhằm tránh mọi hành động đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Trong một tuyên bố chung, các ngoại trưởng của 3 nước cho rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết lâu dài nếu tất cả các lực lượng chính trị ủng hộ mục tiêu đó.

Cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), ông Nikolai Bordyuzha ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình Ukraine. Ông nhấn mạnh: "CSTO theo dõi diễn biến ở Ukraine với sự cảnh giác cao. Tình trạng bất ổn định và hỗn loạn trong công chúng là rất rõ ràng". Ông cáo buộc phe đối lập Ukraine vi phạm các thỏa thuận với chính phủ do các ngoại trưởng Pháp, Đức và Ba Lan làm trung gian.

Tổng thống Yanukovich: Nga cần hành động bằng mọi biện pháp

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich ngày 28/2 khẳng định không ra lệnh cho cảnh sát bắn vào người biểu tình trước khi ông bị phế truất và trách nhiệm về tình trạng bạo lực đẫm máu ở thủ đô Kiev thuộc về người biểu tình. Ông cũng phủ nhận việc sở hữu các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Rostov trên sông Đông của Nga, ông Yanukovich nói cảm thấy ngạc nhiên khi Tổng thống Nga Vladimir Putin không đưa ra tuyên bố công khai nào về các sự kiện trong tuần qua ở Ukraine. Theo ông, Nga không thể bàng quang về tình hình ở Ukraine và cần hành động bằng tất cả mọi biện pháp.

Ukraine sẽ yêu cầu Nga dẫn độ Tổng thống bị lật đổ Yanukovych

Trong khi đó, Tổng công tố Ukraine ngày 28/2 cho biết Kiev sẽ yêu cầu Moskva dẫn độ Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych.

Trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng công tố cho biết: "Tổng công tố Ukraine dự định yêu cầu công dân Viktor Yanukovych - người bị truy nã ở cấp quốc tế, phải bị dẫn độ về nước nếu việc ông này ở Nga được xác nhận".

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Litva - quốc gia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) - cho biết sẽ yêu cầu cơ quan này giải quyết tình trạng căng thẳng đang gia tăng ở bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ thuộc Ukraine có đa số dân nói tiếng Nga.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Vilnius, Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius khẳng định: "Tôi đã chỉ đạo cho phái bộ (LHQ) của chúng tôi tiến hành mọi hành động có thể nhằm đảm bảo chương trình nghị sự của HĐBA LHQ đề cập đến tình hình an ninh ở Ukraine". Ngoại trưởng Linkevicius cho rằng động thái này có thể gặp trở ngại do sẽ phải cần tới sự tán thành của các ủy viên thường trực HĐBA, trong đó có Nga. Ông đánh giá "những gì đang xảy ra ở Crimea giống như cuộc xâm lược quân sự và chiếm đóng khu vực", đồng thời cho biết đã triệu đại sứ của Nga tại Vilnius tới để giải thích về lập trường của Moskva về những sự kiện ở Crimea.

Cùng ngày, một người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi có giải pháp chính trị cho tình hình căng thẳng ở Crimea, đồng thời hối thúc các bên kiềm chế, tôn trọng tính toàn vẹn và thống nhất của Ukraine.

Nga điều hơn 10 máy bay quân sự tới Crimea

Cơ quan biên phòng Ukraine cho biết hơn 10 máy bay lên thẳng quân sự của Nga ngày 28/2 đã bay vào không phận nước này trên bán đảo Crimea.

Trong một tuyên bố, cơ quan trên cho biết các quân nhân Nga đã phong tỏa một đơn vị biên phòng của Ukraine ở thành phố cảng Sevastopol - nơi Nga bố trí một phần của hạm đội Biển Đen. Trước đó cùng ngày, hạm đội Biển Đen của Nga đã phủ nhận tin đóng vai trò trong việc chiếm giữ một sân bay quân sự ở gần Sevastopol.

Hãng thông tấn Interfax ngày 28/2 dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine, ông Andriy Paruby cho biết việc áp đặt tình trạng khẩn cấp ở khu vực phía Nam bán đảo Crimea là một trong những lựa chọn đang được cân nhắc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang lan rộng tại khu vực này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nếu lệnh này thực sự được đưa ra thì sẽ không đồng nghĩa với việc triển khai quân đội và các đơn vị an ninh hiện nay sẽ vẫn phải bao quát tình hình. Ông nói: "Vì vậy, chúng tôi đang tìm kiếm các cách thức khác hiệu quả hơn trong việc khoanh vùng tình hình trên bán đảo Crimea".

Theo luật pháp Ukraine, việc áp đặt tình trạng khẩn cấp sẽ do Quốc hội quyết định và kéo dài tối đa 2 tháng.

Nga sẽ xem xét dự luật về sáp nhập các vùng lãnh thổ nước ngoài

Trong một động thái khác, tại Nga, ngày 28/2, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề gia đình thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, bà Yelena Mizulina cho rằng Nga cần thông qua một đạo luật điều chỉnh quá trình sáp nhập các vùng lãnh thổ nước ngoài.

Phát biểu tại phiên họp Duma khi đệ trình một tài liệu để thảo luận, bà Mizulina nói: “Luật pháp quốc tế không yêu cầu phải ký kết một hiệp ước (để sáp nhập một vùng lãnh thổ). Thay vào đó, vấn đề này cần được giải quyết trong những trường hợp cụ thể”. Theo bà, nếu người dân của một vùng lãnh thổ bày tỏ “rõ ràng và dứt khoát” nguyện vọng muốn hợp nhất với Nga trong một cuộc trưng cầu dân ý, thì điều đó không cần đến bất cứ một hiệp định riêng nào.

Vấn đề trên được nêu lên một ngày sau khi Quốc hội nước Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về quy chế tương lai của vùng lãnh thổ này. Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 25/5, trùng với ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn ở Ukraine.

Thảo Vy
Theo TTXVN/THX/Reuters/AP/AFP/ Interfax

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm