Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và số ca nhiễm corona trên thế giới

19/04/2020 18:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa - TTXVN cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới từ các cơ quan chức năng.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật

Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa - TTXVN cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới từ các cơ quan chức năng.

Cập nhật 18h00 ngày 19/4/2020: Không có ca nhiễm mới, còn 65 ca đang điều trị

Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 lúc 18h00 chiều ngày 19/4 cho biết, không có thêm ca mắc mới COVID-19. Như vậy đã 3,5 ngày trôi qua, số ca mắc vẫn là 268. Trong ngày đã có thêm 2 bệnh nhân khỏi bệnh, hiện chỉ còn 65 ca đang điều trị.

Tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%, 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 62.998, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 279, cách ly tập trung tại cơ sở khác 11.338, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 51.381 người.

Tình hình điều trị theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Có 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu: BN156, BN241.

Tình hình BN188: Sau khi được xuất viện ngày 16/3, bệnh nhân này đã được Bệnh viện Đa khoa Hà Nam bàn giao lại cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội và chính quyền địa phương để tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà 14 ngày theo đúng quy định. Ngày 17/4, bệnh nhân ho khan và hơi tức ngực, nên được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đến lấy mẫu.

Ngày 18/4 xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân đã được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để tiếp tục theo dõi. Hiện nay, tình trạng bệnh nhân ổn định, có triệu chứng ho khan nhẹ.

Tình hình điều trị các bệnh nhân nặng:

- Bệnh nhân 91: Tình trạng sức khoẻ của viên phi công người Anh mắc COVID-19 nặng tiếp tục có diễn biến lâm sàng ổn định, bệnh nhân không còn tình trạng chảy máu. Hiện tại bệnh nhân không sốt, mạch huyết áp bình thường, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, chức năng phổi có cải thiện, bệnh nhân tiếp tục thở máy và hỗ trợ ECMO. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm bằng RT PCR đều âm tính với SARS-CoV-2 ở cả dịch rửa phế quản và dịch mũi họng.

- Bệnh nhân 19: Hiện tỉnh táo, tiếp xúc được, không sốt; xét nghiệm lần gần đây nhất - ngày 15/4 của bệnh nhân này cho kết quả âm tính lần 3 với SARS-CoV-2; bệnh nhân đã dừng vận mạch.

- Bệnh nhân 161: Hiện đang thở máy không xâm nhập, chức năng thận bình thường, gọi hỏi bệnh nhân đã giao tiếp chậm.

Tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành. Nhờ vậy, các ca bệnh nặng đều được điều trị thành công. Việt Nam là một trong 03 quốc gia trên thế giới có trên 200 trường hợp nhiễm COVID-19 trở lên chưa có trường hợp tử vong.

- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 13 ca.

- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 07 ca.

Cập nhật 17h30 ngày 19/4/2020: 1064 mẫu xét nghiệm nhanh tại các chợ đầu mối đều âm tính

Tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 2 ngày 18 - 19/4, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện đã tiến hành lấy 1064 mẫu xác suất, xét nghiệm nhanh cho các tiểu thương tại 5 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố để đánh giá yếu tố dịch tễ tại cộng đồng, kết quả tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trong đó, tại chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai) đã lấy 277 mẫu, chợ Long Biên (quận Ba Đình) lấy 254 mẫu, chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín) lấy 223 mẫu, chợ Yên Sở (quận Hoàng Mai) lấy 140 mẫu; chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) lấy 170 mẫu.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc hơn 1.300 người dân tại xóm Trên, thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín bằng phương pháp xét nghiệm RT - PCR hiện đang chờ kết quả.

Để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, các Trung tâm y tế phối hợp với Ban quản lý các chợ lập danh sách, gửi giấy mời cho các tiểu thương đến các điểm xét nghiệm nhanh. Tại các điểm xét nghiệm, người dân được cán bộ y tế đón tiếp, hướng dẫn tận tình từ khâu khai báo y tế, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, đo nhiệt độ theo dõi sức khỏe cơ thể, sát khuẩn tay, lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả xét nghiệm... theo quy tắc 1 chiều nhằm tránh tình trạng lây nhiễm chéo. Đồng thời, các cán bộ y tế cũng thường xuyên phun hóa chất khử khuẩn đảm bảo môi trường an toàn tại khu vực lấy mẫu xét nghiệm. 

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, tổng số mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của cả nước là hơn 206.000 mẫu, trong đó riêng của thành phố Hà Nội là hơn 73.000 mẫu. Tỷ lệ người dân được xét nghiệm sàng lọc tại Hà Nội cao gấp 4,3 lần tỷ lệ chung của cả nước. Công tác xét nghiệm sàng lọc đã góp phần phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Cập nhật lúc 15h: Thêm 2 bệnh nhân khỏi bệnh, Việt Nam có 203 ca khỏi

Ngày 19/4, tiếp tục có 02 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bạc Liêu được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được chữa khỏi ở Việt Nam lên 203/268 ca (chiếm 76% tổng số bệnh nhân).

Thông tin từ tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, hôm nay (19/4/2020) có 02 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu được công bố khỏi bệnh.

Trong quá trình điều trị các bệnh nhân này đều có tiến triển tốt, đến nay, sau nhiều lần xét nghiệm liên tục đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Cụ thể như sau:

1. BN 156 (nam, 21 tuổi, quốc tịch Việt Nam). Ngày vào viện: 27/3/2020.

- Quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã được xét nghiệm và trong các ngày từ 12/4/2020- 16/4/2020 các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân đều âm tính với SARS-CoV-2.

2. BN 241 (nam, 20 tuổi, quốc tịch Việt Nam). Ngày vào viện: 01/4/2020.

- Bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm nhiều lần âm tính với SARS-CoV-2, cụ thể: kết quả âm tính lần 1 vào ngày 9/4/2020, các ngày sau đó từ 12/4/2020- 16/4/2020 kết quả xét nghiệm của bệnh nhân đều âm tính với SARS-CoV-2.

Hiện tại các bệnh nhân không sốt, không ho, toàn trạng ổn định, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Cập nhật lúc 12h00 ngày 19/4/2020:

Thế giới: 2.331.955 người mắc; 160.767 người tử vong, trong đó:

- Hoa Kỳ: 738.913 người mắc;  39.015 người tử vong.

- Italy:175.925 người mắc; 23.227 người tử vong. 

- Tây Ban Nha: 194.416 người mắc; 20.639 người tử vong.

- Pháp: 151.793 người mắc; 19.323 người tử vong.

Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID -19. Ngày thứ 3 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Tổng cộng 201 người đã được chữa khỏi.

8h30 sáng 19/4, tổng cộng 2.330.921 ca mắc bệnh và 160.755 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 19/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 2.330.921 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 160.755 ca tử vong.

Mỹ tiếp tục là tâm dịch khi trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 1.891 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 38.644 ca tới ngày 18/4. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bùng phát, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 732.197 ca nhiễm. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, Mỹ và Canada quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế đi lại giữa biên giới hai nước tới ngày 20/5. Biện pháp này được Mỹ và Canada áp đặt từ đêm 20/3 và theo kế hoạch ban đầu sẽ có hiệu lực đến ngày 20/4, theo đó cấm mọi hoạt động đi lại không thiết yếu. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 18/4 cho biết sẽ gia hạn chỉ thị hạn chế đi lại cho đến hết ngày 30/6, nhưng sẽ cho phép thực hiện một số hoạt động tái triển khai lực lượng và đưa về nước những quân nhân phục vụ tại nước ngoài.

Tại châu Âu, tổng số ca tử vong do COVID-19 đã vượt ngưỡng 100.000 người, trở thành lục địa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Cụ thể, theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp), tính đến 1h ngày 19/4 (giờ Việt Nam), dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 100.501 người tại châu Âu, chiếm gần 2/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Tổng số ca nhiễm ở châu Âu là 1.136.672 ca.

Italy vẫn là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Âu, nhưng số ca điều trị tích cực tại nước này tiếp tục có xu hướng giảm. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 18/4 công bố nước này hiện có 25.007 ca nhập viện với các triệu chứng mắc COVID-19, trong đó số ca phải điều trị tích cực là 2.733, giảm 79 trường hợp. Trong 24 giờ qua, Italy ghi nhận thêm 3.491 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 175.925 người, trong khi tổng số ca tử vong là 23.227 ca (tăng 482 ca) và số ca hồi phục là 44.927 ca (tăng 2.220 ca). 

Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez cùng ngày thông báo sẽ gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 9/5 tới, trong bối cảnh quốc gia nằm ở Tây Nam châu Âu này đến nay đã ghi nhận tới 194.416 ca nhiễm, trong đó có 20.639 ca tử vong. Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ ngày 14/3 vừa qua. Theo quy định mới, lệnh hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng một chút nhằm cho phép trẻ em có thời gian ra ngoài, bắt đầu từ ngày 27/4 tới.

Một quốc gia châu Âu khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 là Pháp trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 642 ca tử vong tại các bệnh viện. Thông cáo của Bộ Y tế Pháp cho biết, các ca tử vong mới nâng tổng số ca tử vong lên 19.323 người. Tổng số ca nhiễm là 151.793 người, trong đó có 35.983 bệnh nhân bình phục và 5.833 đang trong tình trạng nguy kịch.

Trong khi đó, đến nay tại Nga đã ghi nhận 36.793 ca nhiễm và 313 ca tử vong. Theo người đứng đầu Cơ quan Giám sát và Bảo vệ người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor), bà Anna Popova, khoảng 80% trong tổng số người nhiễm đều dưới 60 tuổi, trong khi trẻ em tại Nga là đối tượng ít bị nhiễm nhất với tỷ lệ chỉ khoảng 5%. Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin tuyên bố tất cả công dân ở thủ đô của nước Nga có triệu chứng COVID-19 sẽ được cấp phát thuốc điều trị miễn phí.

Tại châu Á, Campuchia tiếp tục đóng cửa các trường học nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Bộ Giáo dục-Thanh Niên và Thể thao Campuchia ngày 18/4 thông báo việc mở cửa trở lại các trường học đã bị hoãn lại cho tới khi có thông báo mới vì cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch. Trước đó, lệnh đóng cửa các trường học tại Campuchia đã được ban bố từ ngày 16/3. Cho đến ngày 18/4, Campuchia tiếp tục không phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 mới.Tổng số ca nhiễm tại nước này vẫn dừng ở con số 122 trường hợp trong ngày thứ 6 liên tiếp.

Tại châu Phi, Bộ Y tế Nam Phi ngày 18/4 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 251 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này lên 3.034 ca. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi nước này thông báo ca đầu tiên hôm 5/3. 

Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Algeria Abdelaziz Djerad thông báo nước này sẽ gia hạn lệnh phong tỏa hiện nay cũng như tất cả các biện pháp phòng ngừa đi kèm thêm 10 ngày cho đến ngày 29/4. Trong đó, lệnh phong tỏa toàn phần sẽ áp dụng đối với tỉnh Blida - tâm dịch lớn nhất tại quốc gia Bắc Phi này - và phong tỏa từng phần với 47 địa phương còn lại.

Hiện Algeria xếp thứ 4 trong nhóm các quốc gia châu Phi có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất, sau Ai Cập, Nam Phi và Maroc, nhưng lại là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất (trên 14%).

Nhóm P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm