'Thiên đường đã mất' Maldives: Cuộc đào tẩu lãng mạn

22/10/2015 15:10 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên tôi đến Maldives cách đây 7 năm, lúc đó sân bay còn nhỏ xíu. Trong lúc chờ máy bay mở cửa, tôi cố gắng phân định trước mặt mình là sân bay hay...  nhà ga. Sân bay trong suy nghĩ của tôi phải là một khu vực rộng lớn, những đường băng choáng ngợp, cà phê, nhà hàng... Nhưng sân bay trước mặt tôi trong đêm tối nhỏ bé đến mức chỉ như một cái chợ gần nhà dưới ánh đèn hiu hắt.  

Sân bay ở đảo được khánh thành năm 1960. Nó nằm trên đảo có tên gọi Hulhule Island - nên đã được gọi Hulhule Airport. Tổng diện tích đường băng lúc bấy giờ  75 x 3.000ft, máy bay đầu tiên hạ cánh là của Hoàng gia New Zealand. Đến năm 1966 sân bay được xây lại theo ý Tổng thống Ibrahim Nazir. Công trình này đã quy gọi được gần 100 người dân tình nguyện và vài ngàn rufia (tiền bản xứ), thậm chí còn nhận đóng góp bằng những vật liệu cụ thể như cát, đá, gạch từ nhân dân.

Sau này tôi tìm được vài bức ảnh trắng đen với những người đàn ông mặc khố mang từng bao cát đến để góp phần xây dựng sân bay. Bức ảnh không rõ mặt người, nhạt nhòa quá nhiều theo thời gian. Sau khi hoàn tất, nơi đây lại một lần nửa đổi tên thành Male International Airport. So với sân bay năm 1966 và hiện nay diện tích không có mấy thay đổi, nội thất bên trong đã khá hơn sau vài đời tổng thống.

Vào năm 2009 sân bay chính thức đổi tên Ibrahim Nazir International Airport để tưởng nhớ vị tổng thống đã có công lớn đóng góp cho tài sản này của đất nước. Nhưng thói quen cũ vẫn gọi theo tên trước đó - Male International Airport - nơi tôi hạ cánh vào một đêm tháng 7/2009.

Vì sân bay rất nhỏ nên không cần phải có bus hay xe chuyên chở, người ta cứ như vậy mà kéo đồ xuống rồi đi bộ vài phút, vừa đủ chụp tấm ảnh làm kỷ niệm, sẽ đến ngay cổng chào.

Lúc bấy giờ tôi không có khái niệm mình đang đến một thiên đường đã mất của thế giới, xứ sở của những chuyến nghỉ mát hàng ngàn USD, chỗ tránh rét của các tài tử phương xa. Tôi chỉ vừa đến một đất nước rất lạ nằm phía nào đó của bản đồ thế giới tôi cũng không rõ, chỉ biết đi theo người đàn ông mình cảm mến. Tuổi 25 như vậy gọi là cuộc đào tẩu lãng mạn. Bây giờ nhìn lại thấy rõ sự dại dột nông nổi, nhưng không hối tiếc.

Vừa đến được cổng đã thấy ngay hàng làm thủ tục visa. Cũng nhỏ xíu, có tất cả 5 hàng, 1 hàng dành riêng cho người đến để làm việc, 1 hàng cho dân bản địa, còn lại là du khách. Nhìn hàng của người làm việc có thể cho thấy thực trạng lao động thuê phổ biến như thế nào. Nó kéo dài lê thê, hơn hẳn hàng dân bản địa.

Phần lớn là những người đàn ông da màu rất sậm (khi đó tôi không rõ quốc tịch nhưng bây giờ đã biết họ bao gồm Bangladesh, Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal), những người da sáng màu hơn chủ yếu là phụ nữ (Philippines, Thái Lan, Indonesia) và một vài người phương Tây với âu phục sắc vóc phong thái khác hẳn phần còn lại.

Đêm đó giữa cái nóng của biển Ấn Độ Dương, tôi bước ra khỏi sân bay, trời tối đen, chưa nhận rõ được cảnh vật đã nghe mùi biển thẳng thừng xông vào các giác quan. Mùi biển mạnh mẽ nồng nàn, tiếng sóng biển ngay dưới chân tôi, vươn một cánh tay đã chạm được mũi thuyền dập dềnh.

Sau đó tôi lên thuyền vào thành phố. Hành lý được nhân viên làm việc trên phà thay nhau tải xuống. Phà là thuyền gỗ khá to, hình dáng xa lạ chưa từng thấy bao giờ. Những băng ghế gỗ đầy người do nhiều chuyến bay hạ cánh vào ban đêm. Những khách du lịch khác đã từ bến phà nhảy lên các chiếc tàu cao tốc giữa đêm nhanh nhẹn đi thẳng ra resort. Cả vùng nước đen sẫm phút chốc náo động không khác gì những con đường nhỏ trong thành phố tôi vừa rời xa.

Trong đêm tối chỉ có thể cảm nhận gió biển hơi khô, mặn mà, phủ lên quần áo tóc tai, loáng thoáng nghe tiếng động cơ của thuyền, ngoài ra không còn dấu tích của sinh hoạt thành thị đất liền. Tôi biết mình đã đi rất xa.

Thành phố Thủ đô Male nằm trên đảo khác, nói dông dài vậy chứ cách đảo có sân bay khoảng 10 phút đi tàu thường hoặc 2 phút tàu cao tốc. Phía bên kia bến phà lại là cảnh đường phố tấp nập, còi xe vỡ loạn, có thể nhận ra đường được lát gạch không phải trải nhựa và nhỏ hơn rất nhiều so với TP.HCM. Người đứng đợi tôi bên này là anh chồng của bạn tôi.

Dáng đậm, nụ cười sáng rất quen thuộc và làn da nâu sậm. Anh định nói gì đó rồi chỉ đưa tay ra bắt. Hóa ra ở đây bắt tay là lời chào hỏi căn bản nhất, nam nữ lão ấu gặp nhau đều bắt tay và nở nụ cười “Assalamu Alaikum. Assalamu Alaikum - chào mừng đến với thiên đường trên hạ giới.

Thượng đế rất công bằng. Đất nước nhỏ xíu (rải rác khoảng 300.000 dân trên gần 2.000 đảo), nước biển rất mặn, cát trắng đẹp, không phù sa khoáng chất, đất kém dân thiếu, muốn làm nông cũng khó, làm công nghiệp càng không thể. Phần lớn các mặt hàng nông sản và vật dụng tiêu dùng đều phải nhập.

Bởi thế đất nước đó được Thượng đế hậu đãi, xinh đẹp khủng khiếp.Màu xanh của những dòng nước nơi này thật ma mị. Có nơi tôi đến chỉ trong vòng 2, 3m bán kính tầm nhìn đếm được gần năm loại xanh khác nhau, từng vệt từng vệt một không khác tấm vải được dệt trông có vẻ tùy tiện nhưng thật ra là khéo léo tinh tế vô cùng.

Có câu chuyện vui dân làm du lịch hay kể nhau, khách từ Ấn Độ lần đầu đến đã khều nhân viên resort hỏi nhỏ: “Tụi mày bỏ màu gì trong nước sao nó đẹp vậy”. Tôi không tin vị khách đó ngớ ngẩn.

Tôi chỉ nghĩ đôi khi đối diện một sự thật nào đó quá ngưỡng lý trí, người ta dễ dàng tin vào những giả thuyết ngông cuồng nhất. Vẻ đẹp nơi này đã làm vậy với vị khách tội nghiệp kia. Lần khác tôi đi thủy phi cơ (seaplane) đến một resort. Từ trên cửa sổ máy bay những vệt màu kia đã co tròn lại xoay quanh các hòn đảo, hình dạng bất biến, to nhỏ vô chừng, cuộn giữa lòng đại dương xanh biếc, thật sự không khác gì những giọt nước mắt xinh đẹp của tình nhân trong những câu chuyện cổ tích.

Thời điểm tốt nhất để đến quốc đảo này là từ tháng 12 đến tháng 4, vì là mùa khô, nhưng lại là mùa cao điểm du lịch nên giá cả đắt đỏ. Từ tháng 6 đến tháng 10 là mùa mưa, giá giảm 30 - 40% so với mùa khô. USD được sử dụng khá phổ biến nên bạn không nhất thiết phải đổi tiền. Ngoài ra, là quốc gia đạo Hồi nên bạn phải biết kiêng cữ.

(Còn tiếp)

Bài và ảnh: Cao Thảo
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm