Những 'cô gái tên lửa' của NASA: 'Vẻ ngoài như đàn bà, tư duy như đàn ông, làm việc như con chó'

16/10/2016 07:20 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ở cái thời hồng hoang của kỹ thuật máy tính, mọi dữ kiện cho tên lửa của NASA đều được tính lại bằng phương pháp thủ công, chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm. Quan trọng là thế, nhưng phương châm lao động của họ không hẳn mang màu sắc của vinh quang: “Vẻ ngoài như đàn bà, tư duy như đàn ông, làm việc như con chó”.

Năm 1953, "máy tính mặc váy"...

… dài quá đầu gối, sơ mi đứng đắn, tóc chải ngôi sắc lẻm và hầu như không son phấn. Quả thật 28 cô gái của Trung tâm nghiên cứu tên lửa Hoa Kỳ JPL ở Pasadena (California) có tên “Computress (máy tính nữ)”! Họ ngượng nghịu mỉm cười vào ống kính. Không có mống đàn ông nào, vì đàn ông đảm nhận những công việc lớn lao và quan trọng hơn nhiều: thiết kế tên lửa, dẫn đường tên lửa vào vũ trụ hoặc tự tay lái. Và cũng nhận hết mọi vinh quang.

Neil Armstrong, Buzz Aldrin, John Glenn: bất cứ đứa trẻ nào ở Mỹ cũng thuộc lòng tên tuổi các anh hùng khai sơn phá thạch của NASA. Nhưng, có ai biết Macie Roberts, Sue Finley, Margaret Hamilton và các bộ óc “máy tính nữ” khác trong phòng tối của các trung tâm vũ trụ?

Đó là các “cô gái tên lửa” trong kỷ nguyên mà con người còn mơ đến IBM, Apple... nhưng họ là những người làm tất cả các phép tính bằng tay, với bút chì và giấy kẻ ca-rô, máy tính cơ với bốn phép tính như máy đếm tiền trong siêu thị!

Mãi sau này mới xuất hiện các máy tính to bằng cả ngôi nhà mà khả năng chỉ xấp xỉ một cái laptop rẻ tiền của thời hiện tại. Chừng ấy thập kỷ không mấy ai biết đến họ, cho đến khi một tổng thống da màu lên ngôi.


Vận mệnh của các nhà du hành nằm trong tay 28 “cô gái tên lửa” trong trung tâm máy tính của NASA, dù chủ yếu họ tính bằng giấy và bút chì 

Đầu năm 2017...

… Hollywood sẽ tung bộ phim đầu tiên về họ ra rạp, đồng thời chính phủ chủ trì hai công trình nghiên cứu về Nathalie Holt và Margot Lee Shetterly. Trong đó Shetterly phải chịu gánh nặng kép: là phụ nữ trong thế giới NASA đa số đàn ông, và có nước da đen.

Có lẽ cũng nên nhắc tên một tài năng toán học xuất chúng nữa là Katherine Johnson, nối tiếng từ lúc còn nhỏ. “Tôi đếm hết mọi thứ xung quanh – số bước chân từ nhà đến trường, số bát đĩa tôi rửa, và ngay cả số sao trên trời tôi cũng thử đếm”, người phụ nữ hôm nay 98 tuổi, kể lại. 


Ngay ở Langley các nữ nhân viên cũng bị trả lương kém hơn đàn ông: khởi điểm 1.440 USD/năm, trong khi đàn ông nhận 2.600 USD

Là con út trong một gia đình bốn con ở West Virginia, Katherine biết đọc và viết từ khi chưa đến trường, và sau lễ khai giảng được vào thẳng lớp 2.  Do ở thành phố quê hương cấm trẻ da đen đi học cấp 3, gia đình phải chuyển đi xa 200 km. Ở tuổi 15 Katherine được vào đại học và tốt nghiệp thủ khoa với 18.

Một ngày đẹp trời, cô giáo Toán Katherine Johnson đọc báo thấy NACA (tiền thân của NASA) tìm người cho trung tâm tính toán để bù cho số đàn ông ra trận. Ngay từ 1935 không lực Mỹ đã dựa vào phụ nữ, ví dụ trong các phòng thí nghiệm về sức cản gió hay phòng chỉ huy không lưu.

Phụ nữ làm những việc “tính toán lặt vặt” như Lee Shetterly kể lại, nhưng họ lấp chỗ trống của hàng ngàn đàn ông nhập ngũ, và họ ở lại đó đến tận sau Thế Chiến II.

Lúc bấy giờ công nghiệp hàng không là ngành công nghiệp mạnh nhất thế giới, họ cần những đầu óc sáng láng, tuy nhiên đã kỹ sư, kỹ thuật viên hay nhà nghiên cứu thì phải là đàn ông, còn các “máy tính nữ” đóng vai trò trợ lý xin đẹp, cần mẫn và lương thấp.

Nhà nữ toán học Macie Roberts...

… sếp của nhóm “máy tính nữ” từ 1942 ở Pasadena, định nghĩa chính xác: “Chúng tôi phải có vẻ ngoài như đàn bà, tư duy như đàn ông và làm việc như con chó”.

Katherine Johnson thoả mãn tất cả các điều kiện đó từ 1953, khi nhận việc trong phòng nghiên cứu Langley ở Hampton (Virginia). Bà ngồi trong phòng “colored computers (máy tính màu)”, không phải vì máy có màn hình màu, mà vì bà là người da màu! Người da màu không được dùng chung phòng vệ sinh hay căng tin với người da trắng. “Các cô gái khác làm những gì được ra lệnh, không hỏi han gì”. 

Riêng Johnson không chịu đi xa để đến phòng vệ sinh cho mình. Và khi nghe thông báo là không được tham gia họp kỹ sư, Johnson hỏi: “Cho tôi đọc đạo luật nào cấm tôi tham gia!”


Cô giáo Toán Katherine Johnson tốt nghiệp đại học năm 18 tuổi nhưng thoạt tiên không được nghiên cứu khoa học vì… da màu.

Từ chỗ miễn cưỡng chấp nhận, các đàn ông của trung tâm nghiên cứu hàng không ngày càng nể phục người mẹ ba con. Chính bà được tính đường bay của tàu vũ trụ Mercury chở Alan Shepard, người Mỹ đầu tiên lên vũ trụ.

Dần dần máy tính đã hiện đại hơn, nhưng ở các thử nghiệm ban đầu mọi phi hành gia đều thiếu yên tâm. Máy tính hồi ấy hiếm và đắt, rất nhanh nóng, do đó các “Computress” vẫn đóng vai trò chủ đạo. Chỉ huy tàu vũ trụ Mercury, John Glenn, trước khi khởi hành hồi tháng 2-1962 còn gọi: “Bảo các cô gái kiểm tra lại mọi thông số!” và gọi đích danh  Katherine Johnson, và bà duyệt lần nữa các kết quả của máy tính IBM 7090 trước khi bật đèn xanh.

Sau này, Johnson tham gia tính quỹ đạo bay của trạm vũ trụ Apollo 11. Khi Neil Armstrong vào hồi 02h56’20’’ ngày 21-7-1969 là người đầu tiên đặt chân lên mặt trang thì ông cũng phải cảm ơn các “máy tính nữ” như Katherine Johnson.

Katherine Johnson rời NASA năm 1986...

… khi đi lại đã khó khăn. “Bà là người tiên phong phá tan ranh giới của chủng tộc và giới tính, và cho lớp trẻ thấy rằng ai cũng có thể có thành tích đỉnh cao trong khoa học tự nhiên và vươn tới các vì sao”, tổng thống Obama nói khi trao cho bà Huân chương Tự do của Tổng thống ngày 24-11-2015, một trong hai giải thưởng dân sự cao quý nhất ở Mỹ.


Tổng thống Barack Obama tặng Huân chương Tự do cho Katherine Johnson và ngôi sao bóng chày da đen Willie Mays Baseball-Star

Huân chương Tự do, phim Hollywood – và bây giờ Lego sẽ thiết kế Katherine Johnson cùng bốn nữ đồng ngiệp nữa thành hình xếp. Sáng kiến này khi đưa ra được 10.000 chữ ký ủng hộ.  

Người bà của bốn đứa cháu không cảm thấy mình là người hùng hay người đấu tranh cho nữ quyền. “Tôi bận lắm”, bà trả lời trong Nhà Trắng như vậy. “Đơn giản là tôi chỉ sống theo lời cha tôi: các con chẳng hơn gì mọi người trong thành phố này, và cũng chẳng ai hơn các con!”.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm