Nhiều nạn nhân thiệt mạng vì văn hóa vâng lời?

23/04/2014 07:13 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến ngày 21/4, lực lượng tìm kiếm đã vớt được tổng cộng hơn 100 thi thể các nạn nhân xấu số trong vụ chìm phà Seawol ở Hàn Quốc, làm hàng trăm người mất tích. Số người thiệt mạng tăng cao đặt ra câu hỏi liệu có phải một khía cạnh của văn hóa Hàn Quốc đã góp phần tạo nên thảm họa gây sốc này?

Thông tin mới nhất được hé lộ cho thấy cuộc gọi cấp cứu đầu tiên từ phà Seawol do một nam thiếu niên với giọng nói run rẩy thực hiện.

"Hãy cứu lấy bọn cháu"

Nó diễn ra chỉ 3 phút trước khi con phà lật nghiêng và khiến hàng trăm hành khách ở bên trong mắc kẹt, không còn đường thoát. Cuộc gọi khẩn cấp đến số 119 đưa cậu tới đường dây của dịch vụ cứu hỏa, trước khi được chuyển đến lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc. Một thời gian ngắn sau đó có khoảng 20 cuộc gọi cấp cứu khác xuất hiện, tới từ nhiều học sinh khác đang mắc kẹt trên con phà.

Thiếu niên đầu tiên được xác định có họ Choi, hiện vẫn nằm trong số những người còn mất tích. Nhân viên cứu hỏa nhận cuộc điện thoại mô tả cậu nói giọng run rẩy và khá sợ hãi. Phải mất một khoảng thời gian cậu mới mô tả mình đang bị mắc kẹt trên chiếc phà Seawol.

"Hãy cứu lấy bọn cháu. Bọn cháu đang ở trên một con tàu và nó đang chìm dần" - hãng thông tấn Yonhap dẫn lời nhân viên cứu hỏa thuật lại lời nói của cậu. Nhân viên dịch vụ cứu hỏa phản hồi lại rằng cậu cần đưa điện thoại cho thuyền trưởng. Khi nghe vậy, cậu lại nghĩ rằng phải thông báo lại cho giáo viên chủ nhiệm. Trong tiếng Hàn Quốc, phát âm của từ "thuyền trưởng" và "giáo viên" gần giống nhau.


Người dân Hàn Quốc cầu nguyện cho các nạn nhân còn mất tích trong thảm họa đắm phà Sewol

Mệnh lệnh chết người

Một vài nhân viên và thủy thủ đã bắt đầu rời khỏi phà Seawol khi nó có dấu hiệu bị chìm. Sau khi bị bắt giữ vài ngày trước, thuyền trưởng phà Seawol là Lee Joon-Seok thừa nhận ông đã ra lệnh cho các hành khách giữ nguyên vị trí trên tàu, cho đến khi có lực lượng cứu hộ đến giải cứu.

Đầu tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố mệnh lệnh đó tương đương với một hành động giết người. Sau khi nghe lệnh, các học sinh đã ngồi yên tại chỗ trên phà Seawol, không thắc mắc với người lớn tuổi rằng chuyện gì đang xảy ra.

Cuối cùng chỉ có 2 trong số 46 thuyền cứu sinh được triển khai và chỉ 174 hành khách được giải cứu ngay sau khi lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường. Hàng trăm thiếu niên trong số 339 học sinh có mặt trên phà cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

Lỗi từ văn hóa vâng lời

Một số nhà bình luận cho rằng hành vi của các học sinh trên phà đã gián tiếp khiến con số người thiệt mạng tăng cao. Các học sinh đều tuân theo mệnh lệnh của thuyền trưởng và giáo viên để ở lại trong phà, ngay cả khi nước đã tràn vào trong.

Đây có thể là hệ quả của nền văn hóa cổ truyền ở Hàn Quốc, trong đó những người trẻ tuổi được dạy phải tuân theo lời chỉ bảo của người lớn hay người có quyền mà không được đưa ra bất kỳ thắc mắc nào.

Thứ văn hóa này được đánh giá cao trong quân đội và hoạt động tại nhiều tập đoàn lớn ở Hàn Quốc. Nhưng thảm họa chìm phà Seawol đã đặt ra câu hỏi rằng liệu các thanh thiếu niên Hàn Quốc ngày nay có nên tuân theo văn hóa này một cách cứng nhắc, ngay cả khi họ đang ở trong những trường hợp khẩn cấp.

Những người sống sót kể lại rằng các em được ra lệnh phải ở lại tàu, song đã phản ứng theo bản năng và trở thành các cá nhân đầu tiên được cứu.

Theo nhận xét của chuyên gia văn hóa Hàn Quốc Mike Breen, trong khi thanh thiếu niên đến từ các nền văn hóa khác sẽ hành động theo bản năng khi gặp tình huống khẩn cấp hoặc sợ hãi, người trẻ tuổi ở Hàn Quốc có xu hướng không làm như vậy. "Thanh thiếu niên Hàn Quốc đã quen với việc được chỉ bảo phải làm gì và nghĩ gì" - Mike Breen, tác giả của cuốn sách Người Hàn Quốc cho biết.

Một giáo viên người Hàn Quốc nói rằng thanh thiếu niên trong thời đại ngày nay có xu hướng suy nghĩ độc lập, thoát khỏi quá khứ và điều này nên được khuyến khích trong những thảm họa như vụ đắm phà Seawol. "Sự cố đắm phà Seawol là bài học cho học sinh và giáo viên ở Hàn Quốc, khuyến khích việc nới lỏng các quy tắc văn hóa truyền thống và tăng sự ứng biến tùy vào những tình huống cụ thể" - Lee Yoon-hee, giáo viên của trường trung học Homaesil chia sẻ.

Hồng Đăng (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm