'Ngược dòng' nghìn năm văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi

09/12/2017 20:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi là tựa của cuốn sách vừa được xuất bản, nội dung tập hợp và dịch khá đầy đủ về các lễ thức, phong tục, nguồn gốc tín ngưỡng của cư dân miền biển Quảng Ngãi.

Cuốn sách này được Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi biên soạn từ luận án tiến sĩ của ông năm 2002. Tác giả cho biết, sách được viết dựa trên phương pháp điền dã thực địa, gặp gỡ các nghệ nhân, nhân chứng trên địa bàn, phân tích tổng hợp và so sánh.

Phần đầu cuốn sách giới thiệu các làng biển, cửa biển của tỉnh Quảng Ngãi, “đi ngược” dòng thời gian hàng ngàn năm. Đó là nền văn hóa Sa Huỳnh cách đây 2.500 đến 3.000 năm và cư dân Sa Huỳnh đã để lại các hiện vật bằng gốm trên các rẻo cát và mộ táng. Tiếp đến là dấu tích của người Chăm Pa ở các miền biển Quảng Ngãi mà hiện nay vẫn còn để lại các dấu tích như giếng Xó La trên đảo Lý Sơn, hệ thống phòng ngự cửa biển Cổ Lũy, thành Châu Sa ở tả ngạn sông Trà Khúc...

Chú thích ảnh
Lễ an táng cá Thần Nam Hải đại tướng quân tại làng chài Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Văn Chương

Những bước tiến của người Việt vào khai phá Quảng Ngãi và có sự pha trộn, hình thành và tạo ra nền văn hóa biển hiện nay tại địa phương được tác giả viết: Theo sử liệu, năm 1402, Hồ Hán Thương cùng các tướng lĩnh nhà Hồ tấn công vào Chiêm Thành và từ năm 1403, đưa dân đi dọc theo đường biển vào đến vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy, tức Quảng Ngãi bây giờ. Đến năm 1471, Lê Thánh Tông đưa quân chinh phạt vào đất Nam Ngãi để củng cố và mở mang.

Năm Mậu Tí 1648, quân Nguyễn bắt được 30 ngàn quân Trịnh ở Quảng Bình và đưa vào vùng ven biển Nam Ngãi cho an ấp, 50 người làm một ấp và cấp cho lương thảo đủ ăn nửa năm để khai phá vùng đất mới và những cuộc hôn nhân Việt – Chăm Pa từ các làng chài ven biển đã hòa trộn giữa nền văn hóa biển và văn hóa lúa nước. Trải qua nhiều thế kỷ sinh tồn, yếu tố biển đã đi vào đời sống, phương thức sản xuất, sinh hoạt của cư dân ven biển Quảng Ngãi và chi phối mạnh mẽ đến di sản văn hóa, văn nghệ dân gian.

Trong phần tín ngưỡng lễ hội của cư dân miền biển, tác giả đề cập chi tiết các lễ tục, phẩm vật, bài cúng như một cách giữ gìn nguyên bản, tránh không để thất bản, thời gian làm cho sai lạc. Phần nghiên cứu tục thờ cá Ông, tác giả cho biết, Ông là cá voi khổng lồ gắn với tước hiệu Nam Hải đại tướng quân. Bên cạnh đó, lăng Ông còn thờ các thủy thần như Ông Sửu (cá nhà táng), ông Long Lại nhị tướng quân (cá rái), Ông Nược (cá heo), Bà Tím (rùa biển loại đặc biệt)...

Nơi thờ cúng cá Ông được bố trí bàn thờ bao gồm phần chính điện, giữa bàn thờ viết chữ “thần” bằng sơn đỏ hoặc màu trắng, bên dưới có đặt long đỉnh để ghi tước của Ông. Đặt dưới là hòm sắc đựng các sắc phong của triều đình và các mẫu văn tế. Hộ vệ của ông được thờ ở 2 bên tả, hữu là Tà lý ngư và Hữu lý lực. Phía dưới bàn thờ hoặc bên cạnh là hòm đựng bộ xương cốt của Ông.

Tại các cửa biển Quảng Ngãi thường có dinh thờ Bà được tác giả đề cập tục thờ Bà Thiên Y A Nữ mà dân gian hay gọi là Bà Chúa Ngọc, Chúa Tiên. Bên cạnh đó, tục thờ ngũ hành thượng giới; thờ Thủy Long Thần Nữ được tác giả ghi chép đầy đủ nghi lễ và lễ hội, bao gồm thời điểm tế tự, nghi thức tế tự, lễ nhập yết, lễ chánh tế.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn được tác giả dành 30 trang để rõ về nguồn gốc, chức năng, các di tích gắn với đội Hoàng Sa. Qua kết quả nghiên cứu, tác giả khẳng định: “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa chắc chắn không phải chỉ có trên huyện đảo Lý Sơn, ít nhất còn có nhiều nơi khác ven biển Quảng Ngãi. Năm 2011, tác giả đã phát hiện và sưu tầm một bài văn tế được gia đình họ Diệp ở xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi sao chép lại và lưu giữ khoảng 80 năm”.

Về phần văn nghệ dân gian, tác giả đề cập nghệ thuật diễn xướng dân gian vùng ven biển như: Hát múa sắc bùa, hát bả trạo tế thần Nam Hải. Các ngôi đình, chùa, miếu ở miền biển được tác giả phân tích dưới góc nhìn nghệ thuật tạo hình dân gian, ngữ văn dân gian, qua đó cho thấy, người dân chài ra khơi cầu sự bình an, thuận thọ bằng các câu ca được lược trích và lưu giữ lại: “Thuyền ngược ta khấn gió nồm/Thuyền xuôi ta khấn mưa nguồn gọi mây”.

Biển đảo Việt Nam: Bộ đội biên phòng cứu sống 3 ngư dân chìm tàu trên biển Nghệ An

Biển đảo Việt Nam: Bộ đội biên phòng cứu sống 3 ngư dân chìm tàu trên biển Nghệ An

Tối 3/12, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã cứu sống 3 ngư dân gặp nạn do tàu bị chìm.

Lê Văn Chương - Biên Phòng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm