Nghệ An: Nỗ lực khắc phục sự cố vỡ đập Bara Đô Lương

07/06/2020 21:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi sự cố đập Bara Đô Lương tại hai xã Tràng Sơn và Đặng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) bị vỡ, chiều 7/6, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu dẫn đầu đã thị sát hiện trường và chỉ đạo đơn vị thi công là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hòa Hiệp tập trung phương tiện và lực lượng để đến ngày 11/6, phải khắc phục xong sự cố.

Xem phiên cuối năm của 'chợ trâu bò lớn nhất Đông Nam Á' tại Đô Lương

Xem phiên cuối năm của 'chợ trâu bò lớn nhất Đông Nam Á' tại Đô Lương

Sáng sớm qua (tức ngày 26 Tết), chợ Ú - chợ đầu mối trâu bò thuộc diện lớn nhất Đông Nam Á giao dịch phiên cuối cùng của năm cũ tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Vào khoảng 8 giờ ngày 6/6, khoang số 10, 11 tại đập Bara Đô Lương nằm trên sông Lam, đã bị gãy sập hoàn toàn. Sự cố nghiêm trọng gây nên hiện tượng tụt mực nước đầu kênh dẫn dòng và không đủ lượng nước theo yêu cầu chảy vào kênh chính, dẫn đến nước vào hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An bị thiếu hụt từ 50 - 70%, gây khô hạn vùng Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu, với tổng diện tích khoảng 20.000 ha lúa đã gieo cấy bị ảnh hưởng.

Tại hiện trường, phần đập bị vỡ hoàn toàn thuộc các khoang số 10 và 11. Khoang số 12 và 13 bị nứt nhiều chỗ, nhiều phần âm bê tông bên trong đã rỗng có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Sự cố xảy ra khiến nhiều nơi mất nước, ảnh hưởng đến tưới tiêu cho cây trồng và nước sinh hoạt cho người dân.

Trong ảnh: Đơn vị thi công đang khẩn trương khắc phục sự cố. Ảnh: Nguyễn Oanh – TTXVN
Đơn vị thi công đang khẩn trương khắc phục sự cố. Ảnh: Nguyễn Oanh – TTXVN

Đập Bara Đô Lương được xây dựng từ năm 1933 - 1937 của thế kỷ XX. Hiện nay, đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hòa Hiệp, do bê tông thân tràn cũ không đảm bảo cường độ và quá trình khai thác đã gần 90 năm, các hàng cừ chống thấm bị đứt gãy sẽ kéo theo cát móng chân công trình về hạ lưu làm rỗng chân, dẫn đến sự cố gãy sụp khoang tràn số 10 và 11.

Trong ảnh: Gói thầu xây dựng kênh Bara Đô Lương ngay cạnh đập cũ đã hoàn thành 80%. Ảnh: Nguyễn Oanh – TTXVN
 Gói thầu xây dựng kênh Bara Đô Lương ngay cạnh đập cũ đã hoàn thành 80%. Ảnh: Nguyễn Oanh – TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực và vật lực, làm việc 24/24h để đến ngày 11/6 có thể khắc phục xong sự cố, nhằm đảm bảo nguồn nước chống hạn cho vụ lúa Hè Thu và nước sinh hoạt cho người dân. Tỉnh cũng đã chỉ đạo đơn vị thi công rút thời gian thi công đập Bara Đô Lương từ 3 năm xuống còn 2 năm, vì chất lượng còn lại của các khoang cũ không thể đáp ứng yêu cầu kéo dài thời gian.

Trong ảnh: Hai khoang số 10 và 11 của đập bị vỡ hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Hai khoang số 10 và 11 của đập bị vỡ hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hòa Hiệp Phạm Đình Hạnh cho biết, ngay khi sự cố xảy ra, sáng 7/6, công ty đã đưa máy cẩu đổ những tấm bê tông lớn, đá hộc để làm đập và đóng cừ tạm thời nhằm nâng cao mực nước, đảm bảo cung cấp nước vào kênh chính.

Theo đó, khoảng 4 - 5 ngày nữa có thể điều tiết nước theo yêu cầu. Riêng 4 khoang đập cũ dự kiến năm 2021 mới thi công nhưng đã xảy ra sự cố, công ty sẽ thi công xong trước mùa mưa bão năm nay.

Được xây dựng từ tháng 10/2018, đập Bara Đô Lương là một trong những các hạng mục thuộc dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư, có nguồn vốn Jica của Nhật Bản đầu tư hơn 300 tỷ đồng.

Hiện nay, công trình đã hoàn thành 80%. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần đảm bảo cung cấp đủ nước cho hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, đồng thời tạo điểm du lịch công trình đập Bara Đô Lương.

Nguyễn Oanh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm