Mỹ mắc kẹt trong các cuộc chiến ở Trung Đông

11/09/2014 07:17 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - 13 năm sau các vụ khủng bố ngày 11/9, người Mỹ lẽ ra đã có thể thư giãn, khi chính quyền Iraq tiếp quản đất nước và lính chiến đấu Mỹ rút hết khỏi Afghanistan. Tuy nhiên thực tế đã diễn ra theo chiều hướng khác hẳn.

Những ngày này, người Mỹ đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự mới sẽ diễn ra trong khu vực Trung Đông, nhằm vào Nhà nước Hồi giáo (IS hoặc ISIS) tự xưng.

Cuộc chiến dài hơi chống cực đoan

Hiện nay Tổng thống Barack Obama dường như đã có sự hỗ trợ của hai đảng trong Quốc hội khi ông lên kế hoạch mở rộng hoạt động quân sự nhằm vào IS, lực lượng đã chiếm được một vùng đất rộng lớn ở Iraq. Chính quyền của ông thận trọng nói rằng cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm.

Về mặt ngắn hạn, công chúng ủng hộ Obama. Cuộc thăm dò mới do hãng ABC News và tờ Washington Post tổ chức thấy rằng 71% người Mỹ ủng hộ hoạt động không kích chống các chiến binh IS, so với tỷ lệ chỉ 45% hồi tháng 6.


Vụ 11/9 khiến Mỹ không còn có thể phớt lờ chủ nghĩa cực đoan

Về mặt dài hạn, cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew và tờ USA Today cho thấy phần lớn người Mỹ tin rằng thế giới đã trở nên nguy hiểm hơn. Họ cũng đánh giá những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ tăng ảnh hưởng thay vì giảm đi và như thế, nước Mỹ sẽ chưa thể ngưng các hoạt động quân sự.

"Chiến tranh Lạnh kéo dài 45 năm” - Elliott Abrams, một nhà ngoại giao lâu năm và từng là cố vấn hàng đầu cho Tổng thống Mỹ George W. Bush về Trung Đông nói - “Chuyện này cũng giống hệt vậy. Thật khó để thấy cuộc chiến ở trung Đông sẽ kết thúc ra sao”.

Không thể phớt lờ mối đe dọa

Kể từ mùa Thu năm 2001, Mỹ và các đồng minh đã bắt đầu tiến hành chiến tranh nhằm vào nhiều nhóm chiến binh Hồi giáo và khủng bố, gồm Taliban, Al Qaeda, bên cạnh chi nhánh của các lực lượng này nằm tại Yemen, Somalia và nhiều nơi khác.

Tuy nhiên một số nhà phân tích nói rằng xung đột giữa đôi bên đã bắt nguồn từ trước đó rất lâu. Họ nhắc tới vụ đánh bom Trung tâm Thương mại thế giới diễn ra hồi năm 1993 hay vụ đánh bom trại lính Mỹ ở Lebanon vào năm 1983 làm 241 người lính thiệt mạng. Sử gia quân sự Max Boot thậm chí còn nói rằng khởi điểm của hoạt động xung đột là cuộc cách mạng Iran 1979, khi Đại sứ quán Mỹ ở Tehran bị chiếm giữ và các nhân viên sứ quán bị bắt làm con tin trong 444 ngày.


Sự trỗi dậy của tổ chức IS khét tiếng tàn bạo khiến Mỹ vẫn chưa thể ngừng các cuộc chiến ở Trung Đông

"Lần đầu tiên chúng ta hiểu được mối đe dọa từ những kẻ Hồi giáo cực đoan có vũ trang” - Boot nói - “Nhưng chúng ta đã không đối mặt với nó. Chúng ta cố gắng phớt lờ nó càng lâu càng tốt. Chỉ sau vụ 11/9, chúng ta mới không thể phớt lờ được nữa”.

Các vụ khủng bố 11/9 đã châm ngòi cho cuộc xâm lược Afghanistan do Mỹ và đồng minh thực hiện, bắt đầu từ tháng 10/2001. Mục tiêu khi đó là giải tán các căn cứ của Al Qaeda, lật đổ chính quyền Taliban. Nhưng dù bị lật đổ chóng vánh, Taliban không chết mà vẫn tiếp tục tổ chức hoạt động phiến loạn.

Năm 2003, Mỹ xâm lược Iraq với lý do mở cuộc chiến chống khủng bố quy mô toàn cầu. Nhà lãnh đạo Iraq là Saddam Hussein bị bắt, bị hành quyết. Tuy nhiên hoạt động phiến loạn chống liên quân do Mỹ cầm đầu còn tăng lên mạnh hơn, thay vì giảm xuống. Góp sức vào hoạt động phiến loạn này là các chi nhánh của Al Qaeda và các chiến binh Hồi giáo Sunni, những người về sau đã tạo ra IS.

“Sẽ còn rất nhiều người phải chết”

Trong ngày hôm nay (11/9), Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là sẽ công bố kế hoạch mở rộng hoạt động quân sự nhằm vào IS, gồm việc tăng cường không kích, nhưng không đưa quân tham chiến. Mỹ cũng sẽ dựa nhiều vào đồng minh để chiến đấu chống IS và vai trò của các nước Trung Đông sẽ được nâng cao. Tuy nhiên hiệu quả can thiệp quân sự lớn tới đâu và việc can thiệp kéo dài trong bao lâu thì chẳng ai biết rõ.

Thời gian trước mắt, các chuyên gia Trung Đông nói rằng rất khó để thấy một chiến thắng tuyệt đối, hoàn toàn cho Mỹ và đồng minh ở Trung Đông. Chuyên gia Elliott Abrams đánh giá hiện nay rất nhiều thanh niên phương Tây vẫn sẵn sàng gia nhập IS, khiến tổ chức này liên tục được bồi đắp nhân lực mới, đủ sức để tham gia một cuộc chiến dài hơi.

“Rõ ràng người Mỹ đã quyết định tham gia vào một cuộc chiến với phần kết còn bỏ ngỏ” - Hilal Khashan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Beirut nhận xét – “Người Mỹ biết cách châm ngòi chiến tranh, nhưng không hề biết cách chấm dứt chiến tranh”.

Daniel Byman, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Trung Đông thuộc Viện Nghiên cứu Brookings nói rằng ông thích cụm từ “có thể quản lý” thay vì “có thể chiến thắng” trở thành mục tiêu chính trong hoạt động chống khủng bố, cực đoan của Mỹ ở Trung Đông, bởi nó gần với thực tế hơn.

Còn theo Max Boot, người Mỹ vẫn có thể thắng trong cuộc chiến chống cực đoan, nhưng sẽ phải mất rất nhiều thời gian và với thiệt hại lớn. “Hoạt động Hồi giáo cực đoan có vũ trang sẽ sớm tự thiêu rụi bản thân chúng” - ông nói - “Vấn đề là từ nay cho tới thời điểm đó, sẽ còn rất nhiều người phải chết”.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm