Mông Cổ tôn vinh Hoàng đế Hốt Tất Liệt nhân 800 năm ngày sinh

24/09/2015 13:14 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 23/9, Mông Cổ đã bắt đầu kỷ niệm 800 năm ngày sinh Hoàng đế Hốt Tất Liệt (1215-1294), vị hoàng đế sáng lập ra nhà Nguyên, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn.

Các sự kiện kỷ niệm sẽ kéo dài 1 tuần nhằm “tôn vinh nhà thống trị của đế chế có vùng đất tiếp giáp lớn nhất trong lịch sử và đánh giá sự đóng góp của Hốt Tất Liệt cho lịch sử Mông Cổ và thế giới”.

Sự kiện lớn nhất được tổ chức ở thủ đô Ulan Bator với các vũ công và nhiều nghệ sĩ trình diễn dưới bức tượng lớn của Thành Cát Tư Hãn.

Dưới sự lãnh đạo của ông, đế quốc Mông Cổ đã đạt đỉnh điểm của sự hưng thịnh. Ông đã dời đô từ Hoa Lâm về Đại Đô tức Bắc Kinh ngày nay. Vào năm 1271 ông đã lập triều đại của người Mông Cổ mang tên nhà Nguyên. Năm 1279 quân đội của ông tiêu diệt nhà Nam Tống (1127-1279), thống nhất Trung Quốc.


Hoàng đế Mông Cổ Hốt Tất Liệt, người sáng lập ra triều Nguyên

Tất cả các vương quốc nằm cận kề với đế quốc Mông Cổ đều trở thành các nước chư hầu lệ thuộc. Hốt Tất Liệt còn có ước mộng thôn tính cả Nhật Bản, Đại Việt, Bagan và Java nhưng không thành. Mặc dù rằng Hốt Tất Liệt theo đạo Phật nhưng ông lại cũng để ý đến sự phát triển của đạo Kitô trên thế giới và đã mời các sứ giả truyền đạo này vào Trung Quốc. Ông cũng chú trọng đến việc phát triển các nghề thủ công, khoa học và nghệ thuật.

“Hốt Tất Liệt đã tạo nên bản đồ của châu Á hiện đại và đưa Trung Quốc trở thành một thế lực thế giới. Thế giới ngày nay đã được Thành Cát Tư Hãn và cháu nội ông là Hốt Tất Liệt tạo dựng nên. Họ là 2 nhân vật quan trọng nhất trong hàng ngàn năm qua” - chuyên gia lịch sử Mông Cổ Jack Weatherford nói.

Nhân dịp này, Bảo tàng Quốc gia Mông Cổ trưng bày nhiều di sản từ thờ của Hốt Tất Liệt và triều đại nhà Nguyên, với nhiều vũ khí được trang trí công phu, áo giáp và quần áo.

“Ở Mông Cổ, Hốt Tất Liệt nổi tiếng là một nhà lãnh đạo quân sự, song cũng là một vị hoàng đế cai quản một vương quốc rộng lớn. Trong triều đại của Hốt Tất Liệt, Con đường Tơ lụa, tuyến đường giao thương với phương Tây, đã có một kỷ nguyên phát triển thịnh vượng mới” - nhà nghiên cứu Egiimaa Tseveendorj nói.

Di chỉ Thượng Đô (Xanadu), từng là thủ đô mùa Hè của triều đại Nguyên và hiện thuộc khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 2012. 


Di chỉ Thượng Đô đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới

Di chỉ này là những gì còn sót lại của một thành phố được xây dựng dưới chế độ cai trị của hoàng đế Mông Cổ Hốt Tất Liệt, nó nằm ở phía Bắc của Vạn Lý Trường Thành. Đây là nơi truyền bá văn hóa, tôn giáo và mở rộng xâm lược của đế chế Mông Cổ. Các đền đài, cung điện, lăng mộ, hệ thống tường thành và các công trình thủy lợi là những gì còn lại của một thành phố quan trọng trong thời kỳ xâm lược và cai trị của đế chế Mông Cổ.

Tuấn Vĩ
Theo AFP


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm