Máy bay Malaysia Airlines rơi xuống biển: Bài học đắt giá cho ngành hàng không

28/03/2014 07:03 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Máy bay Malaysia Airlines biến mất tại Ấn Độ Dương là một bài học đắt giá cho ngành hàng không thế giới trong việc ngăn chặn những bi kịch tương tự có thể xảy đến trong tương lai.

Chuyến bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines được kết luận đã lao xuống khu vực phía Nam Ấn Độ Dương mà không có ai trong số 239 hành khách và phi hành đoàn sống sót.

Trong khi công tác tìm kiếm với quy mô và chi phí tốn kém tiếp tục được tiến hành, nguyên nhân khiến chiếc máy bay Boeing 777-200ER lao xuống biển vẫn còn là ẩn số. Hiệp hội Vận tải quốc tế đại diện cho ngành công nghiệp hàng không toàn cầu nói rằng cho đến nay chưa có nhiều thông tin xác thực về nguyên nhân xảy ra đối với chuyến bay MH370, do vậy vẫn còn quá sớm để thay đổi quy trình vận hành và an ninh hàng không.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng việc thiết kế lại hệ thống liên lạc hay mở rộng sử dụng hộ chiếu điện tử sẽ có thể ngăn chặn những bi kịch tương tự…

Thiết kế lại hệ thống liên lạc

Phi công trên máy bay hoàn toàn có khả năng kiểm soát mọi hệ thống thông tin liên lạc và định vị trên máy bay. Điều này đã tạo nên lỗ hổng lớn nếu như có người cố ý muốn chiếc máy bay thoát khỏi sự theo dõi của đài kiểm soát không lưu.


Hàng trăm chữ ký cầu nguyện cho chuyến bay MH370. Ảnh: Reuters

Trong sự kiện khủng bố ngày 11/9, những kẻ đánh bom tự sát cũng đã tắt các hệ thống liên lạc và trực tiếp lái máy bay đâm vào những mục tiêu đã định trước. Việc thiết kế một hệ thống liên lạc không thể bị tắt một cách trực tiếp hoặc có thể gửi thông tin tự động trở về đài kiểm soát không lưu nếu như máy bay gặp phải những sự cố bất ngờ là một điều hoàn toàn cần thiết.

Một hệ thống như vậy từng được lên kế hoạch nâng cấp đặt trên các máy bay thương mại kể từ sau sự cố chuyến bay Air France 447 lao xuống Đại Tây Dương vào năm 2009.

Chi phí lắp đặt vào khoảng 50.000 USD cho mỗi máy bay là không lớn nhưng vấn đề duy trì hoạt động cũng như việc sử dụng một lượng lớn băng thông internet được đánh giá là khá tốn kém.

Chuyên gia tư vấn hàng không George Hamlin và cũng là cựu Giám đốc Airbus nói rằng ngoài vấn đề chi phí, còn nhiều lý do khác ngăn cản kế hoạch nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc. “Việc lắp đặt một thiết bị mà phi công trên máy bay không thể kiểm soát sẽ gây khó khăn trong quá trình điều khiển máy bay nếu như gặp các sự cố về điện”, ông Hamlin chia sẻ.

Công nghệ điều khiển máy bay từ xa

Để tránh khả năng phi công trên máy bay có thể đột ngột đổi hướng và điều khiển chuyến bay theo chủ ý riêng, công nghệ điều khiển máy bay từ mặt đất là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng.

Công nghệ này có khả năng đưa các chuyến bay thương mại trở thành máy bay không người lái mà quân đội thường sử dụng. Năm 2009, Fred Smith, nhà sáng lập Công ty Chuyển phát nhanh Fedex từng hé lộ ý tưởng máy bay chở hàng điều khiển từ xa được đi vào hoạt động. Cho đến nay Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chưa chính thức cấp phép cho dịch vụ này.

FAA đã đồng ý để các hãng hàng không áp dụng công nghệ này vào việc nghiên cứu, phát triển hay làm mô hình luyện tập cho các phi công. Nhưng không được phép áp dụng vào các chuyến bay thương mại do vấn đề đảm bảo an ninh và bảo mật.

Sẽ là tai họa nếu như tin tặc có thể đột nhập vào hệ thống, chiếm quyền kiểm soát máy bay phục vụ cho mục đích khủng bố hoặc phá hoại.

Mở rộng sử dụng hộ chiếu điện tử

Richard Aboulafia, một chuyên gia tư vấn hàng không vũ trụ tại Virginia tin rằng công tác đảm bảo an toàn tối đa cho chuyến bay cần phải được thực hiện trước khi các hành khách và phi hành đoàn lên máy bay.

Trong trường hợp của chuyến bay MH370, nhà chức trách Malaysia đã phải mất nhiều ngày để tìm kiếm danh tính của hai thanh niên mang quốc tịch Iran sử dụng hộ chiếu giả mà vẫn không giải thích được nguyên nhân máy bay rơi xuống Ấn Độ Dương.

Hộ chiếu điện tử có dấu vân tay của chủ sở hữu cùng các thông tin cá nhân sẽ góp phần làm giảm tối đa tình trạng sử dụng hộ chiếu giả, hộ chiếu đã bị chỉnh sửa hình ảnh. Qua đó giúp các nhà điều tra nhanh chóng loại trừ những nguyên nhân có thể xảy ra nếu máy bay gặp sự cố.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), một cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho biết có 93 quốc gia thành viên bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia châu Á khác đã bắt đầu cấp hộ chiếu điện tử từ năm 2011.

Nhưng cho đến nay chưa có quốc gia nào bắt buộc các hành khách phải sử dụng hộ chiếu điện tử. Câu chuyện về hộ chiếu điện tử vẫn là tham vọng của tương lai.

Bài học từ việc chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines gặp nạn có thể sẽ tạo nên những bước đột phá mới góp phần tăng cường sự an toàn trên mỗi chuyến bay. Bởi việc đảm bảo tính mạng của các hành khách luôn là mục tiêu hàng đầu.

Rắc rối về tiền đền bù cho nạn nhân chuyến bay MH370

239 hành khách và phi hành đoàn tử nạn trên chuyến bay MH370 sẽ nhận được khoản tiền đền bù lên tới 750 triệu USD từ Malaysia Airlines. Nhưng không phải tất cả những người xấu số đều nhận được số tiền ngang nhau.

Theo Công ước Montreal, mỗi quốc gia tham gia tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân ít nhất 176.000 USD. Số tiền thỏa thuận sau đó tùy thuộc vào mức độ thiệt hại tinh thần, kinh tế và quốc tịch của các nạn nhân.

Thân nhân của các hành khách mang quốc tịch châu Á như Malaysia, Trung Quốc... có thể nhận được tối đa 1 triệu USD tiền đền bù. Trong khi con số này lên tới 10 triệu USD đối với những người xấu số mang quốc tịch châu Âu và Australia.

Malaysia Airlines khẳng định sẽ chưa chi trả số tiền đền bù cho đến khi các nhà điều tra xác định nguyên nhân chính thức khiến chuyến bay MH370 gặp nạn.

(Theo Daily Mail)

Đăng Nguyễn (Theo VOA)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm