Mạnh tay xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Vào cuộc tổng lực

08/04/2021 15:37 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trước sự phát triển rất nhanh và nóng của đô thị Hà Nội đã để lại một hệ lụy, hậu quả là công trình xây dựng phá vỡ quy hoạch mà nhiều năm qua thành phố phải dành nhiều tâm sức, nguồn lực và kinh phí để giải quyết.

Mạnh tay xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Mô hình mới đặc thù

Mạnh tay xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Mô hình mới đặc thù

Trước tình hình quản lý trật tự trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do có nhiều bất cập, Hà Nội là địa phương duy nhất của cả nước đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện thí điểm mô hình quản lý mới mang tính chất đặc thù là “đưa đội ngũ thanh tra xây dựng về quận huyện quản lý”.

Vài ba năm gần đây, việc quản lý đã dần đi vào quy củ, cán bộ có trách nhiệm hơn, người dân cũng ý thức và sợ vi phạm hơn. Do vậy, thành phố đang đặt mức báo động cao và cần sự vào cuộc tổng lực từ nhiều phía, nhiều cấp và nhân dân.

Vẫn nhiều bất cập

Hà Nội là Thủ đô đang có nhiều khởi sắc, nhiều dự án lớn đầu tư và dự báo trong tương lai gần sẽ có sự đột phá trong xây dựng tại nhiều khu vực, khu đô thị mới. Thế nhưng, đối lập với đó là người dân nơi đây ngày càng đông, nhà cửa mọc nhiều cảnh báo dễ xảy ra xây dựng một cách tràn lan khó kiểm soát.

Vì vậy, việc quản lý trật tự xây dựng không phải làm một sớm một chiều, mà phải thường xuyên, liên tục được tăng cường bởi còn nhiều tồn đọng vi phạm, hạn chế, yếu kém cần tháo gỡ.

Chú thích ảnh
Tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Chủ tịch UBND phường Phú Thượng Nguyễn Công Quảng cho biết, nhiều năm gần đây, đội ngũ quản lý trật tự xây dựng đã thực sự có trách nhiệm, gắn kết với xã phường nên quản lý sâu sát tới từng hộ dân. Tuy nhiên, địa bàn phường Phú Thượng có đặc thù trải rộng từ ngoài đê đến trong đê khiến việc quản lý rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Công Quảng, gần đây người dân kháo nhau về việc tới đây sẽ phê duyệt quy hoạch đô thị vùng ven sông. Vì vậy, càng gia tăng mua bán đất sang tay, chuyển giao từ nhiều chủ, mọc nhanh nhiều lều lán thêm phần khó khăn cho quản lý. Trong năm 2020 nhờ bám sát địa bàn, phường đã quyết tâm xử lý 16 trường hợp vi phạm, không để xảy ra phát sinh mới.

Chủ tịch UBND phường Phú Thượng cũng nêu lên một thực trạng vướng mắc khi cưỡng chế các hộ dân. Nhiều đối tượng mua bán đất viết tay, không ai chứng kiến, đất không đủ điều kiện pháp lý, dẫn đến khiếu kiện tranh chấp trong lĩnh vực đất đai. Trong quá trình xử lý phải xác định chủ sử dụng, đối tượng vi phạm, làm cho quy trình kéo dài hơn so với dự kiến. Có trường hợp phường phải phát thông báo tìm chủ, nếu không xác định được chủ sẽ thực hiện xử lý theo quy trình vô chủ để khép lại hồ sơ.

Một cái khó nữa mà nhiều cán bộ quản lý trật tự xây dựng nêu ra là thẩm quyền xử lý về tài sản, nếu giá trị trên 5 triệu đồng  thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện. Vì thẩm quyền và quy trình như vậy, rất nhiều hồ sơ vi phạm xã phường phải chuyển lên quận dẫn đến quá trình xử lý vi phạm kéo dài, hoạt động cưỡng chế, xử lý vi phạm gặp nhiều vướng mắc mất thời gian, dồn việc cho cấp trên nên việc đề xuất, kiến nghị cấp trên xem xét điều chỉnh số tiền vi phạm thuộc thẩm quyền của cấp phường được nâng cao lên.

Hiện nay giá trị đồng tiền có sự thay đổi, luật vẫn chưa có sự điều chỉnh theo kịp sự phát triển của xã hội, thẩm quyền của phường bị hạn chế. Bên cạnh đó, cấp phường còn nhiều hạn chế về mặt thẩm quyền để xử lý vi phạm, chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, dẫn tới công trình bành trướng mới đi giải quyết hậu quả. Trong khi đó, ngăn chặn bước đầu là khâu thành công nhất.

Một vấn đề khó khăn khác ở các khu phố cũ, có nhiều nhà tập thể, chung cư cũ nát xuống cấp nghiêm trọng, hiện chưa có các quy định rõ ràng nên người dân bị hạn chế sửa chữa. Trong lúc nhu cầu sinh hoạt bức thiết của người dân lại lớn khiến đội ngũ quản lý cũng phải mất nhiều thời gian để giám sát không để sửa chữa, cơi nới, lắp chuồng cọp trái phép.

Điển hình như phường Quỳnh Mai, ông Bùi Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường cho biết: Với đặc thù trên địa bàn có 44 khu nhà tập thể chung cư cũ, hiện nay đã xuống cấp, mong muốn được các cơ quan chức năng  chủ quản hỗ trợ, phối hợp cùng chính quyền trong việc cấp phép sửa chữa cải thiện đời sống cho các hộ dân...

Chú thích ảnh
Một cột trụ bê tông bị mục nát, lộ cả sắt bên trong tại khu tập thể ba tầng, quận Hà Đông. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Giải pháp tổng lực

Quản lý trật tự xây dựng được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu mà thành phố Hà Nội tập trung giải quyết. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 03 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh, các vụ việc được HĐND thành phố, cử tri, cơ quan báo chí quan tâm; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyên đề và chỉ đạo của UBND thành phố về quản lý trật tự xây dựng.

Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng; kịp thời tổng hợp báo cáo tình hình đồng thời đề xuất Thành ủy, UBND, HĐND thành phố các biện pháp hữu hiệu để nâng cao quản lý. Đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật, văn bản pháp lý để điều chỉnh những bất cập.

Tới đây, một nhiệm vụ mới Sở Xây dựng chuẩn bị triển khai là thực hiện thanh tra đối với các địa bàn, khác với trước đây là Thanh tra Sở chỉ thực hiện kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo các kế hoạch kiểm tra chuyên đề. Việc thanh tra cơ sở này sẽ chuyên sâu, toàn diện và có kết luận về quản lý, tính chịu trách nhiệm đối với người đứng đầu.

Trong kế hoạch được phê duyệt, đây sẽ là năm đầu tiên Thanh tra Sở Xây dựng sẽ thanh tra về quản lý trật tự xây dựng từ 8-12 đơn vị xã, phường, thị trấn trên toàn thành phố. Hiện tại, Thanh tra Sở đang tổ chức thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ để chuẩn bị bắt đầu thanh tra từ quý II/2021.

Đáng lưu ý, thanh tra lần này sẽ tiếp tục phát hiện các vướng mắc, bật cập trong chính sách, pháp luật để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp; phát hiện những tồn tại hạn chế trong quản lý để có biện pháp khắc phục; đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đây được xem là bước đột phá, then chốt để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả về quản lý trật tự xây dựng.

Đặc biệt, thành phố cũng nghiên cứu để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, công nhận chính thức lực lượng Đội quản lý trật tự xây dưng đô thị trên địa bàn thành phố trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh: Việc thanh tra chỉ là giải pháp để mang tính ngăn chặn, phòng ngừa. Còn giải pháp vận động, tuyên truyền để người dân hiểu biết và làm theo quy định pháp luật mới là căn bản và lâu dài. Vì vậy, thành phố luôn chú trọng và kêu gọi các cấp chính quyền, cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng sự đồng lòng của người dân mới làm nên tổng lực trong phòng chống vi phạm trật tự xây dựng đầy khó khăn này.

Nguyễn Văn Cảnh - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm