Lời hứa nghị trường và hành động của thành viên Chính phủ: Xóa 'gánh nặng' văn bằng, chứng chỉ

01/04/2021 15:54 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân một trong những Bộ trưởng ngồi “ghế nóng” nhiều nhất trong nhiệm kỳ qua. Chắc hẳn nhiều người vẫn nhớ những câu trả lời rất chân thành của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, tới mức, ông khiến đại biểu Quốc hội phải bật cười vì sự chân thành của mình.

Lời hứa nghị trường và hành động của thành viên Chính phủ: Gỡ 'mối nợ' bộ máy, biên chế, giảm áp lực chi ngân sách

Lời hứa nghị trường và hành động của thành viên Chính phủ: Gỡ 'mối nợ' bộ máy, biên chế, giảm áp lực chi ngân sách

Nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021 sắp kết thúc. Có những thành viên Chính phủ tiếp tục tái cử, có người chuyển sang vị trí khác và cũng có những người rời chính trường, về nghỉ chế độ. Một nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã tổ chức 8 kỳ chất vấn trực tiếp đối với 25/26 thành viên Chính phủ.

Thử thách “ghế nóng”

Vừa giữ chức vụ Bộ trưởng Nội vụ được 7 tháng, tại kỳ họp thứ 2, vào tháng 11/2016, ông đã ngồi “ghế nóng” trong lần chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV với hàng chục câu hỏi và tranh luận liên tục, thẳng thắn của đại biểu Quốc hội.

Khi đó, chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã hỏi ngay về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc kiểm tra tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. Vấn đề này đã được bà đặt ra tại Phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII và ngày 19/07/2016, một ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, bà đã trực tiếp ký Công văn số 3514 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIII gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị chỉ đạo kiểm tra những phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, bà vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ. Ngay ngày hôm sau, Bộ Nội vụ sẽ gửi văn bản báo cáo của Thủ tướng Chính phủ cho đại biểu. Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ tăng cường thanh tra công vụ, chấn chỉnh về mặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là giai đoạn cuối nhiệm kỳ.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Lời hứa đã được Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thực hiện sau đó. Lần đầu tiên trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã thể hiện nắm rất chắc chức năng, nhiệm vụ, thấy rõ trách nhiệm của ngành và trách nhiệm của người đứng đầu về thực trạng công tác nội vụ. Đánh giá lần đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, đối với những vấn đề khó, phức tạp ông cũng không né tránh.

Thử thách “ghế nóng” lần thứ hai được đặt ra với người đứng đầu Bộ Nội vụ vào tháng 11/2019, tại kỳ họp thứ 8. Trong hơn 3 tiếng trả lời chất vấn của 40 đại biểu và 16 đại biểu tranh luận trước Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã 3 lần nhận trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về những hạn chế trong lĩnh vực của mình quản lý. Ông khiến đại biểu bật cười khi bày tỏ một cách thành thật rằng “đã lường trước” là đại biểu sẽ chất vấn nên ngay buổi chiều 6/11/2019 đã ký ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 34 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, với tinh thần cầu thị “Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội về việc Nghị định này đã có hiệu lực nhưng thông tư chưa ban hành”.

“Cuộc chiến” với văn bằng, chứng chỉ

Đã nhiều năm nay, có không ít phàn nàn về vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký học ngoại ngữ, tin học với thời gian rất ngắn, dẫn đến chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không thực chất. Chứng chỉ chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch, gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…Những bất cập này đã được đại biểu chất vấn Tư lệnh ngành Nội vụ.

Giải thích, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm. Nhận khuyết điểm khi để một quyết định áp dụng hơn 20 năm mà không sửa đổi, để cho thủ tục thi nâng ngạch công chức, xét thăng hạng viên chức rườm rà, Bộ trưởng Nội vụ cam kết trước Quốc hội, “năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay và chúng tôi sẽ thực hiện các quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ, thủ tục nào nữa”. Vấn đề chứng chỉ tin học, ngoại ngữ sẽ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức mà đi vào thực chất có đạt được trình độ hay không để áp dụng trong công việc chuyên môn.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ trưởng thẳng thắn cho biết thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ, “không riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức, mà quy trình bổ nhiệm cũng yêu cầu phải có tới 7 bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều”. Bộ Nội vụ tiếp thu và sẽ chỉnh sửa lại trong hướng dẫn về vấn đề thi nâng ngạch, bậc.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng các chứng chỉ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng có nhiều cách tháo gỡ như tổ chức thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính, sát hạch bằng tiếng Anh; đồng thời khẳng định sẽ đưa vào triển khai các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính hiện đang quá nhiều.

Ông cũng “xin nợ với đại biểu Quốc hội khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực” sẽ hoàn thành việc xây dựng nghị định về vấn đề bãi nhiệm, miễn nhiệm, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, từ chức đối với cán bộ, công chức để bổ sung cho phù hợp với Luật sửa đổi. Dự thảo Nghị định này đã được Bộ Nội vụ hoàn thành cuối năm 2017, gửi xin ý kiến Trung ương đầu năm 2018 và qua thảo luận vẫn còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau.

Nhiều lời hứa đã được Tư lệnh ngành Nội vụ chuyển thành hành động ngay trong nhiệm kỳ của mình. Nội dung nổi bật mà Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân điểm ra trong 5 dấu ấn của ngành Nội vụ, đó là công tác xây dựng thể chế. Ngành tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 4 đạo luật quan trọng: Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, Bộ chủ trì, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền 9 văn bản, đề án; 40 nghị định; 60 thông tư thuộc thẩm quyền và 27 nghị quyết.

Đây là khối lượng xây dựng thể chế rất lớn được Bộ Nội vụ thực hiện trong thời gian qua, nhằm tháo gỡ nhiều vướng mắc đã được đại biểu Quốc hội đặt ra, hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật trước đây không còn phù hợp, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể hóa những quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ Nội vụ đã dự thảo, trình Chính phủ ban hành các nghị định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức…, trong đó tập trung vào vấn đề xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, bổ nhiệm, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Để thực hiện việc này, nghị định của Chính phủ đã giao cho các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.

Dấu ấn cuối nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện rõ khi thực hiện lời hứa loại bỏ tình trạng thi nhau đi học các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tiêu chuẩn chức danh.

Mới đây, vào tháng 2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một chùm thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập. Theo đó, không quy định “cứng” về trình độ đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, điều này tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho đội ngũ giáo viên.

Bên cạnh động thái này, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ quản lý chuyên ngành để rà soát các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp để sửa đổi các quy định có liên quan cho phù hợp.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BNNPTNT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành khuyến nông, chuyên ngành quản lý, bảo vệ rừng, trong đó cũng không quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Theo lĩnh vực ngạch công chức, viên chức chuyên ngành quản lý, Bộ Nội vụ xây dựng thông tư sửa đổi về tiêu chuẩn công chức hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và tổng hợp xong, đang trong quá trình thẩm định, báo cáo lãnh đạo Bộ sớm ban hành.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm