Kinh doanh đến 2 giờ đêm cuối tuần tại Hoàn Kiếm: Dân kêu, phường đề nghị đóng cửa

01/12/2018 22:44 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Dù đã đạt được mục tiêu tăng thêm không gian vui chơi, đáp ứng nhu cầu giải trí, tìm hiểu cuộc sống Hà Nội về đêm của khách du lịch, tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, song hoạt động kinh doanh dịch vụ đến 2 giờ của các nhà hàng, quán bar trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào các đêm cuối tuần đang lộ rõ nhiều bất cập. Điều đó đặt ra câu hỏi cho công tác quản lý của chính quyền địa phương đối với hoạt động này.

Điều tra vụ 'hỗn chiến' ở quán karaoke khiến 2 người tử vong

Điều tra vụ 'hỗn chiến' ở quán karaoke khiến 2 người tử vong

Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đang khẩn trương điều tra, làm rõ các đối tượng gây ra vụ 'hỗn chiến' tại quán karaoke Kington (Hương lộ 80B, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn), khiến hai người tử vong.

Mở cửa vượt giới hạn thời gian

Địa bàn quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là khu vực phố cổ vốn là nơi tập trung khách du lịch, trong đó có rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Từ khi thành phố Hà Nội cho phép thí điểm mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh của các quán bar, nhà hàng đến 2 giờ, có lẽ không ai mừng hơn là chủ các quán bar, nhà hàng. Số lượng 58 cơ sở được cấp phép kinh doanh đến khung thời gian này, trong đó 28 nhà hàng sử dụng âm nhạc, 17 cơ sở kinh doanh karaoke, 13 cơ sở kinh doanh ăn uống, được đánh giá là còn ít so với số lượng quán bar, nhà hàng hiện có trên địa bàn quận. Dù số lượng còn ít, nhưng qua hai năm thực hiện thí điểm kinh doanh đến 2 giờ các đêm cuối tuần đã nảy sinh nhiều bất cập, trong đó đối tượng “chịu trận” đầu tiên chính là các hộ dân xung quanh những cơ sở này.

Các tuyến phố Mã Mây, Đào Duy Từ, Đinh Liệt, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến… trong khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội vốn là tâm điểm của khách du lịch tham quan, lưu trú, hoạt động kinh doanh dịch vụ càng sôi động hơn. Quy định các quán bar, nhà hàng chỉ được phép mở cửa đến 2 giờ vào các ngày từ thứ 6 đến Chủ nhật, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Nhiều quán bar mở cửa đến 3 – 4 giờ, thậm chí muộn hơn; nhiều cơ sở lợi dụng việc tổ chức thí điểm hoạt động kinh doanh đến 2 giờ, tiếp tục kinh doanh quá giờ quy định vào các ngày khác trong tuần. Điều này được quận Hoàn Kiếm thừa nhận là có. Trong khi đó, hoạt động của các cơ sở này ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân xung quanh do nhiều quán bar, nhà hàng mở nhạc âm thanh công suất lớn, khách ra vào ồn ào.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnhKhu vực phố cổ thu hút rất đông người nước ngoài ghé thăm và vui chơi. Ảnh: Lê Phú/ Báo Tin tức

Một người dân trên phố Mã Mây tỏ ra bức xúc khi được hỏi về hoạt động của các quán bar, nhà hàng tại tuyến phố. Bà cho rằng đã có thời gian bà phải nằm viện vì chứng bệnh đau đầu khi nhà bà ở gần quán Ballbar, âm thanh ầm ĩ cả đêm khiến bà không sao ngủ được. Không chỉ có bà mà hàng xóm xung quanh cũng rất bức xúc. Dù thành phố chỉ cho phép mở cửa đến 2 giờ các ngày cuối tuần, nhưng quán bar này thường xuyên mở muộn hơn, có khi tới 3 giờ mới đóng cửa, kéo dài hầu hết các ngày trong tuần. Bà cho rằng thành phố cho phép thì các cơ sở kinh doanh vẫn được hoạt động, nhưng cần có giới hạn, không được ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Phố Tạ Hiện về đêm sôi động với các cửa hàng, quán bar đông nghẹt khách.  Khi màn đêm buông xuống, nhiều hộ gia đình trong tuyến phố này lại vô cùng bức bối bởi âm thanh hỗn tạp từ tiếng cười nói của khách và tiếng nhạc của các quán bar. Trong đó, quán bar 1900 tại số 8B Tạ Hiện được coi là điểm “nóng” tại đây. Một hộ dân gần đó kể lại, nhạc họ mở mạnh tới mức cánh cửa các hộ dân lân cận rung lên theo nhạc, khổ sở nhất là người già. Người này cũng cho biết, khách đến quán bar rất đông và địa điểm này thường xuyên mở cửa tới gần sáng.

Phường đề nghị đóng cửa

Không chỉ mở nhạc công suất lớn, các nhà hàng, quán bar trên địa bàn quận Hoàn Kiếm còn nảy sinh nhiều bất cập khác. Chính ông Đoàn Quang Cường, Phó Trưởng phòng Kinh tế thuộc UBND quận Hoàn Kiếm thừa nhận, hoạt động kinh doanh dịch vụ đến 2 giờ là thời điểm dễ phát sinh các tệ nạn xã hội, say rượu, gây rối trật tự công cộng, một số đối tượng hình sự, ma túy lợi dụng để hoạt động tội phạm như trộm cắp, sử dụng trái phép chất ma túy, bóng cười…

Mới đây, Phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các đơn vị trong quận tổ chức làm việc với các cơ sở kinh doanh để rà soát lại các điều kiện tổ chức thí điểm. Trong số này có 6 cơ sở ngừng kinh doanh, 6 cơ sở không đến làm việc. Với 46 cơ sở đến làm việc, các phòng, ban, đơn vị quận Hoàn Kiếm đề xuất dừng hoạt động của 2 cơ sở kinh doanh nhà hàng sử dụng âm nhạc tại 57 Cửa Nam và 41 Hai Bà Trưng vì chưa đáp ứng điều kiện về phòng cháy chữa cháy; dừng hoạt động 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tại 405 Bạch Đằng, 28 Yết Kiêu do chưa đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự.

Trước những bất cập từ việc thí điểm các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động đến 2 giờ, mới đây Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ Nguyễn Trung Thủy đã có văn bản đề nghị quận Hoàn Kiếm không để kinh doanh dịch vụ đến 2 giờ, vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Lý do phường đưa ra, ngoài kinh doanh quá muộn, mở nhạc to ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của các hộ dân xung quanh, các cơ sở không thực hiện nghiêm túc việc kinh doanh theo giấy phép, thậm chí có hành vi vi phạm như kinh doanh bóng cười, shisha, kinh doanh quá giờ quy định.  

Hiện việc tổ chức thí điểm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ đến 2 giờ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã thực hiện được hai năm. Trước những hiệu quả và bất cập của việc triển khai, nhất là sự ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân, chính quyền các phường, quận Hoàn Kiếm cần có những điều chỉnh phù hợp đối với hoạt động này, bởi lợi ích kinh tế không thể "đánh đổi" sự ổn định cuộc sống người dân và trật tự an toàn xã hội.

Minh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm