Khám phá dây chuyền sản xuất tên lửa khổng lồ của NASA

12/03/2015 06:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đã hàng thập kỷ trôi qua kể từ khi Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho ra lò quả tên lửa cuối cùng đủ mạnh để bay tới Mặt trăng. Nhưng nay cơ quan này đang quay trở lại chế tạo tên lửa khổng lồ, để phục vụ cho các chuyến thám hiểm vào sâu hơn trong vũ trụ.

Nếu thông tin kỹ thuật về quả tên lửa mới của NASA quá phức tạp với bạn, chỉ cần nhớ một điều này: nó đủ sức để mang 12 con voi trưởng thành lên quỹ đạo Trái đất.

Tên lửa mới dựa trên công nghệ cũ

Quả tên lửa với tên gọi chính thức Hệ thống phóng không gian (SLS) sẽ có chiều cao hơn hơn tượng Nữ thần tự do, trọng lượng hơn 7,5 lần chiếc Boeing 747 và sức mạnh bằng 13.400 đầu máy xe lửa cộng lại. Tất cả các yếu tố này khiến nó trở thành quả tên lửa đầu tiên kể từ năm 1972 (thời điểm tên lửa Saturn V cuối cùng đưa các phi hành gia Mỹ tới Mặt trăng) có thể mang con người ra khỏi quỹ đạo Trái đất.


SLS là quả tên lửa tiếp theo của Mỹ và nhân loại có khả năng đưa con người rời khỏi quỹ đạo Trái đất

“Đây sẽ là quả tên lửa có một không hai” – Dawn Stanley, kỹ sư hệ thống của dự án SLS, cho biết - “Nó sẽ đưa chúng ta trở lại Mặt trăng và đi xa hơn, tới các thiên thạch, sao Hỏa...” Stanley hiện làm việc tại Trung tâm không gian Marshall ở Alabama, đằng sau các lớp rào an ninh cao của khu vực Redstone Arsenal.

Trong hơn 60 năm qua, nơi này là cái nôi của các chương trình tên lửa Mỹ. Toàn bộ khu vực rộng 154 km2, đầy các bãi thử tên lửa, hệ thống thử nghiệm và thiết bị thải loại. Những phế tích ở đây gồm có các giàn đỡ dùng để thử nghiệm quả tên lửa đã đưa người Mỹ đầu tiên vào không gian; xác của một con tàu vũ trụ sử dụng năng lượng hạt nhân, trong một dự án đã bị hủy bỏ; các động cơ khổng lồ của tên lửa Saturn V. Ở gần bãi đậu xe của Redstone là một đống vỏ các quả tên lửa đẩy phụ đã qua sử dụng của tàu con thoi, với dòng chữ “rỗng” viết trên thân chúng. Đây là những bằng chứng chắc nịch cho thấy dự án SLS đã được “gửi gắm” đúng chỗ.

SLS được thiết kế để mang theo tàu vũ trụ Orion đời mới của Mỹ - con tàu đã được thử nghiệm thành công hồi tháng 12 năm ngoái. Dù là thiết kế mới, quả tên lửa lại sử dụng nhiều công nghệ đã có từ thời Mỹ chinh phục Mặt trăng.

Cụ thể, 4 quả tên lửa SLS đầu tiên sẽ sử dụng các động cơ đẩy mà chương trình tàu con thoi để lại. Các tên lửa đẩy phụ về cơ bản giống với tên lửa đẩy phụ của tàu con thoi. Trong khi đó động cơ thuộc các tầng tên của tên lửa đã dựa trên thiết kế động cơ tên lửa Saturn V, ra đời từ những năm 1960.

Stanley nói rằng chẳng có lý do gì để không sử dụng các công nghệ cũ. “Để rời khỏi Trái đất chúng ta vẫn cần tên lửa. Vì thế chúng tôi sử dụng công nghệ của tàu con thoi và từ chương trình Apollo, kết hợp với các công nghệ mới” – cô nói – “Tầng quan trọng nhất của tên lửa là một thiết kế mới hoàn toàn. Chúng tôi cũng đã sử dụng kỹ thuật sản xuất mới để có một quả tên lửa hiệu quả, giá thành chấp nhận được”.  


 Bên trong nhà máy Michoud của NASA, nơi đang chế tạo phần lõi tên lửa SLS

Công cụ giúp nhân loại tiến sâu vào vũ trụ

Trong khi các kỹ sư ở Marshall nghiên cứu về động cơ cho SLS, quả tên lửa thực tế đang thành hình tại nhà máy lắp ráp Michoud của NASA nằm ở New Orleans. Có chiều dài gần 1km, nhà máy này từng được dùng để chế tạo tên lửa Saturn V và gần đây là thùng nhiên liệu gắn ngoài của tàu con thoi.

Bởi kích cỡ khổng lồ của nhà máy, các công nhân phải di chuyển trên những chiếc xe đạp hoặc xe điện. Trong chuyến viếng thăm Michoud, phóng viên hãng tin BBC đã choáng ngợp trước các thùng chứa, các đai kim loại, tấm nhôm linh kiện...phục vụ việc sản xuất quả tên lửa mới. Mỗi linh kiện này đều làm từ nhôm đặc biệt nguyên tấm, chỉ mỏng vài mm nhưng có khả năng chịu lực cực tốt.

Chẳng mấy chốc các linh kiện này sẽ được hàn lại với nhau để trở thành phần cốt lõi của quả tên lửa. Kỹ thuật sử dụng để kết nối các mảnh linh kiện được gọi là hàn ma sát xoay. Kỹ thuật này dùng nhiệt tạo ra từ sự ma sát để làm nóng chảy và “hòa trộn” các miếng nhôm linh kiện vào thành một khối. Cách hàn mới giúp tạo ra những mối hàn chắc chắn và đáng tin cậy hơn bất kỳ hoạt động hàn thông thường nào khác. Sau khi phần lõi được hàn xong, người ta sẽ lắp thêm bình chứa nhiên liệu, động cơ và hệ thống điều khiển cho nó.

Theo kế hoạch, quả tên lửa SLS đầu tiên sẽ được phóng lên vũ trụ vào năm 2018. Điều này có nghĩa các kỹ sư ở Michoud và Marshall sẽ có chưa đầy 2 năm để chế tạo xong lõi tên lửa đầu tiên, thử nghiệm các động cơ, tên lửa đẩy phụ và chuyển các thành phần tên lửa tới điểm lắp ráp cuối ở Trung tâm không gian Kennedy tại Florida.

Với việc vốn đã rót đủ cho SLS, gần như chắc chắn rằng quả tên lửa này sẽ đi vào hoạt động và không bị hủy bỏ như nhiều dự án khác của NASA. Giả dụ rằng tất cả các thử nghiệm với quả tên lửa và tàu Orion đã diễn ra xong, đội phi hành gia đầu tiên sẽ cùng nó bay vào vũ trụ vào cuối thập kỷ này. Khi ấy, câu hỏi chính mà người ta quan tâm là họ sẽ bay đi đâu.

Các chính trị gia Mỹ hiện vẫn đang tranh cãi về việc họ muốn NASA làm gì với khả năng mới này. Liệu họ có muốn trở lại Mặt trăng, hay sẽ ghé qua thiên thạch nào đó, hoặc tham vọng hơn là tiến thẳng tới sao Hỏa. Cho dù Nhà trắng và Quốc hội Mỹ lựa chọn ra sao, sau hơn 40 năm trời, nước Mỹ lại có công cụ để đưa con người vào sâu hơn trong vũ trụ.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm