Kết thúc hành trình ‘đưa tang Titanic Italy’

28/07/2014 15:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) – Sáng qua (27/7), tàu du lịch Costa Concordia đã hoàn thành chuyến đi cuối cùng kéo dài 4 ngày và về đến nơi “an nghỉ” tại cảng Voltri, thành phố Genoa (Italy).

Bị mắc cạn ngoài khơi đảo Giglio với hơn 4.200 hành khách trên tàu hồi tháng 1/2012, đến hôm 23/7, “Titanic Italy” đã chính thức được kéo về thành phố cảng Genoa để tháo dỡ.

Lực lượng cứu hộ thực hiện công tác giải cứu con tàu định mệnh Costa Concordia hơn 2 năm về trước.

Theo nhà chức trách Italy, trong suốt hành trình “đưa tang”, Costa Concordia may mắn không gặp bất cứ sự cố lớn nào mặc dù trải qua một đêm giông bão. Giám Đốc cơ quan Bảo Vệ Dân Sự Franco Gabrielli cho hay, gió mạnh chỉ cản trở được vận tốc di chuyển của con tàu nhưng “Titanic Italy” vẫn cập bến đúng như dự kiến.

Một người vẫn còn mất tích 

Sau hơn 2 năm rưỡi xảy ra thảm kịch đắm tàu Costa Concordia, thi thể của Russel Rebello, bồi bàn 33 tuổi – một trong các hành khách thiệt mạng trên tàu, vẫn chưa được tìm thấy. Trong tổng số 32 người nạn nhân, Russel là người duy nhất mất tích mà đến nay không có bất cứ tung tích gì.

Hiện thi thể của bồi bàn 33 tuổi Russel Rebello vẫn bị mất tích.

Trong suốt 30 tháng qua, nhà điều tra vẫn tiếp tục tìm kiếm thi thể Rebello tại khu vực đảo Giglio, nơi con tàu tử nạn. "Hy vọng họ tìm thấy Russel", Nick Sloane, người đứng đầu chiến dịch cứu hộ tốn kém nhất lịch sử cho hay.

Nick cũng nói thêm, ban đầu, nhà chức trách dự định sẽ để “Titanic Italy” “an nghỉ” trong vùng biển Địa Trung Hải hoang sơ, nơi nó bị mắc cạn nhưng vì vấn đề môi trường, các quan chức đã quyết định hiện kế hoạch làm nổi và di dời Costa Concordia dù công việc này không hề đơn giản và hết sức tốn kém với chi phí lên đến 1,5 tỷ USD.

Mất 2 năm để tháo dỡ

Theo giới chức Italy, quá trình tháo dỡ con tàu du lịch đoản mệnh sẽ mất ít nhất hai năm thực hiện. Công việc đầu tiên sẽ là thu gom tất cả hành lý của hành khách vẫn còn mắc kẹt trên tàu. 

Đống đổ nát của “Titanic Italy”.

Hơn 80% xác tàu Concordia sẽ được tái chế hoặc tái sử dụng, bao gồm cả dây đồng, ống dẫn nước, nhà bếp và một số phụ tùng phòng nhựa có thể được sửa chữa. 50.000 tấn thép còn lại sẽ được nấu chảy và bán theo giá thị trường để làm dầm xây dựng, xe hơi và thậm chí cả những con tàu khác. 

CNN cho hay, kể từ khi bi kịch đắm tàu xảy ra vào đầu năm 2012, 24 tấn mảnh vỡ, bao gồm đồ nội thất, thực phẩm, thức ăn, vật dụng cá nhân và các bộ phận của tàu đã được thu gom từ đáy biển.

Hải Yến
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm