'Hậu' thảm họa Fukushima: Người Nhật 'xài' lại điện hạt nhân sau 3 ngày nữa

11/08/2015 13:09 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) -  Ngày 11/8, Nhật Bản đã khởi động lại lò phản ứng hạt nhân đầu tiên sau gần hai năm dừng sản xuất điện hạt nhân sau thảm họa hạt nhân tại tổ hợp Fukushima  số 1 do thảm hoạ kép động đất sóng thần hồi tháng 3/2011.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, lò phản ứng số 1 tại tổ hợp hạt nhân Sendai của Công ty điện lực Kyushu nằm ở Tây Nam Nhật Bản, cách Thủ đô Tokyo 1000 km, đã hoạt động trở lại theo các tiêu chuẩn mới được quy định sau khi xảy ra sự cố tại ba lò phản ứng ở nhà máy Fukushima.

 Lò phản ứng hạt nhân số 1 tại nhà máy Sendai ở Satsumasendai, tỉnh Kagoshima tháng 7/2015. Kyodo/TTXVN

Việc tái khởi động lò phản ứng trên, bất chấp những lo ngại của công chúng về độ an toàn hạt nhân, được xem là "cú hích" quan trọng cho chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe vốn xác định năng lượng hạt nhân là thiết yếu để hạ giá thành điện và vực dậy nền kinh tế.

Tuy nhiên, động thái này có thể sẽ gây tổn hại hơn nữa đối với tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Abe, hiện đang lao dốc do những tranh cãi xung quanh dự luật an ninh mới được Hạ viện nước này thông qua hồi tháng 7 vừa qua.

Một cuộc điều tra dư luận do Kyodo tiến hành trong tháng 7 cho thấy gần 6 trong số 10 người ở Nhật Bản được hỏi phản đối tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân.

Sáng 11/8, hàng chục người biểu tình đã tụ tập trước Văn phòng Thủ tướng để phản đối việc tái khởi động lò phản ứng.

Khói bốc lên từ lò phản ứng số 3 (trái) của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, tại thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima ngày 20/3/2011. AFP/ TTXVN

Trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 đã gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo theo việc tất cả các lò phản ứng thương mại ở Nhật Bản ngừng hoạt động từ tháng 9/2013. Xác định năng lượng hạt nhân là nguồn điện năng chủ chốt trong chính sách năng lượng dài hạn bất chấp sự cố nêu trên, Chính phủ Nhật Bản hiện đang tìm cách thúc đẩy tái khởi động 42 lò phản ứng thương mại còn lại.

Các công ty năng lượng cố gắng tìm kiếm cơ hội tái khởi động các nhà máy để phục hồi tình hình kinh doanh vốn bị tác động nặng nề bởi chi phí nhiên liệu cao. Tuy nhiên, triển vọng vẫn chưa rõ ràng do những trở ngại về mặt pháp lý, quy định và chính sách.

Hai lò phản ứng của nhà máy Takahama của Điện lực Kansai (KEPCO) được cho là các ứng cử viên tiếp theo được tái khởi động, sau khi nhận được chứng thực an toàn từ Cơ quan pháp quy hạt nhân (NRA) vào tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, một toà án hồi tháng 4/2015 đã cấm KEPCO khởi động nhà máy này do lo ngại về độ an toàn, khiến kế hoạch tái khởi động có thể sẽ phải lùi lại sang tháng 11/2015.

Triển vọng đối với các lò phản ứng khác cũng không rõ ràng do quá trình tái thẩm định độ an toàn của NRA dựa trên các quy định hậu Fukushima - vốn được coi là điều kiện tiên quyết cho khả năng tái khởi động - sẽ phải mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến. Tính đến nay mới chỉ có 5 lò phản ứng được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn mới.

Lò phản ứng trên được cho là sẽ đạt công suất tới hạn vào đêm 11/8 và dự kiến sẽ bắt đầu phát điện ngày 14/8. Việc nối lại hoạt động của tổ máy số 2 nhà máy Sendai có thể sẽ diễn ra trong tháng 10/2015.

Chính phủ Nhật Bản đưa ra các quy định mới, trong đó phản ánh những bài học rút ra từ sự cố Fukushima, vốn được cho là “khắt khe nhất thế giới” và cho rằng độ an toàn của các lò phản ứng đã được khẳng định. Tuy nhiên, lo ngại vẫn hiện hữu liên quan đến việc sử dụng năng lượng hạt nhân và công chúng không ủng hộ tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân, bất chấp hóa đơn tiền điện tăng cao do chi phí nhập khẩu nhiên liệu sản xuất điện như than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác tăng vọt.

Nhật Bản cho rằng, độ an toàn của các lò phản ứng đã được khẳng định để không xảy ra một sự cố Fukushima thứ hai. Trong cảnh là ảnh thảm họa hạt nhân Fukushima

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, hoá đơn điện của hộ gia đình ở Nhật Bản đã tăng 25,2% trong vòng 4 năm qua tính đến tháng 3/2015 trong khi giá điện dùng cho các nhà máy và công ty tăng tới 38,2%. Tokyo dự kiến sẽ nâng tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong gói điện năng tổng thể từ 20% lên 22% trong năm 2030, so với mức gần 30% trước cuộc khủng hoảng.

PV (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm