Hà Nội thông tin kết quả xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí

01/10/2019 20:14 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/10, tại buổi họp Giao ban báo chí thường kỳ, Thành ủy Hà Nội, liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí của Hà Nội, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Vũ Đăng Định cho biết, theo số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ ngày 13/9/2019 đến nay, chất lượng không khí của Hà Nội, ở nhiều thời điểm trong ngày, nằm ở mức "Kém", trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM 2.5.

Vì sao ô nhiễm không khí tại Hà Nội kéo dài?

Vì sao ô nhiễm không khí tại Hà Nội kéo dài?

Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài, kể từ 13/9 tới nay. Ngày 29/9, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được từ các trạm quan trắc ở Hà Nội cũng ở mức kém từ 131 tới 174, ngưỡng gây hại sức khỏe đối với nhóm người nhạy cảm như mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, người già và trẻ em...

Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết thêm: Vào các thời điểm có chất lượng không khí kém, trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp cần hạn chế thời gian ra bên ngoài. Nếu phải ra ngoài người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe. Để biết chính xác chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội, đề nghị tham khảo trên website của UBND thành phố Hà Nội (http://hanoi.gov.vn ) và website của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (http://tnmtnd.hanoi.gov.vn/), website:moitruongthudo.vn, báo Hà Nội Mới, Kinh tế Đô thị... và bản tin giờ vàng 18 giờ 30 phút hàng ngày tại Đài truyền hình Hà Nội. 

Bụi mịn, Bùi mịn là gì, Bụi mịn nguy hiểm thế nào, Bụi mịn hà nội, Ô nhiễm không khí, ô nhiễm không khí hà nội, bui min, bui min nguy hiem the nao, o nhiễm môi trường
Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Vũ Đăng Định phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN

Một số nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội được xác định gồm: Khí xả thải từ các phương tiện ô tô, xe máy; bếp than tổ ong, đốt củi; bụi từ quá trình thi công các công trình xây dựng; vận chuyển vật liệu xây dựng; mùi hôi thối tự hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đốt rơm dạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao, hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa. 

Trước thực trạng trên, Hà Nội đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp quản lý, cải thiện môi trường không khí trên địa bàn như: Tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng xe quét, hút bụi; xử lý ô nhiễm ao, hồ nội ngoại thành; xây dựng kế hoạch vận động đến ngày 31/12/2020 không còn hộ xử dụng bếp than tổ ong; triển khai xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện; triển khai xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và xử lý rác thải rắn xây dựng từ phá rỡ các tòa nhà bằng công nghệ mới...

Bụi mịn, Bùi mịn là gì, Bụi mịn nguy hiểm thế nào, Bụi mịn hà nội, Ô nhiễm không khí, ô nhiễm không khí hà nội, bui min, bui min nguy hiem the nao, o nhiễm môi trường
Ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN

Bên cạnh đó, sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân Thủ đô về cải thiện chất lượng không khí cho thành phố; triển khai chương trình trồng cây xanh; chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ "; Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 "; phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần cải thiện chất lượng không khí; tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...

Đồng quan điểm, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cũng cho rằng, thời gian này đang giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt, sáng sớm gió lặng khiến việc khuếch tán các chất ô nhiễm thấp. Trong khi điều kiện thời tiết bất lợi, cộng thêm tác động từ con người gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí. Theo dự báo, ngày 3/10/2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ có mưa, giông, nên chất lượng không khí sẽ được cải thiện. 

Cung cấp thông tin thêm về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trong vụ cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, ông Mai Trọng Thái cho biết, đến thời điểm này, trên 800 tấn chất thải, tro xỉ, bụi cháy và trên 1.000 tấn phế thải xây dựng, sắt thép tại hiện trường khu vực cháy đã được các lực lượng chức năng thu gom, vận chuyển. Công ty Urenco 10 đã đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển chất thải, phế thải theo đúng quy định pháp luật. Bộ Tư lệnh Hóa học đã triển khai tiêu tẩy độc, đến nay hoàn thành khu vực 1 với diện tích 2.500 m2; dự kiến hoàn thành mục tiêu tẩy độc khu vực còn lại xong trước ngày 8/10. 

Cũng tại buổi họp, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Vũ Đăng Định đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô trong 9 tháng qua và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019. Theo đó, thành phố tiếp tục là điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư; thu ngân sách đạt khá; quản lý xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường được tăng cường; chỉnh trang đô thị được quan tâm. Cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được đẩy mạnh. Văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển; công tác y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới; dịch bệnh được kiểm soát; lao động, việc làm và chính sách xã hội được quan tâm thực hiện tốt; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Nguyễn Thắng 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm