Giải Nobel Hóa học 2015: Ngợi ca 3 'người mở đường' chống ung thư

08/10/2015 07:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển loan báo hôm 7/10 rằng giải Nobel Hóa học 2015 đã được trao cho các nhà khoa học Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar. Ba con người xuất chúng này đã có các phát hiện giúp lập bản đồ và giải thích cách thức tế bào sửa chữa dữ liệu di truyền (ADN), qua đó bảo vệ thông tin về gene.

“Mỗi ngày, bộ gene di truyền của chúng ta lại bị hư hại vì tia tử ngoại và các tác nhân khác. Nhưng ngay cả khi không chịu sự tác động từ bên ngoài như thế, một phân tử di truyền đã rất không ổn định” - Thông cáo của Ủy ban Nobel Hóa học thuộc Viện Hàn lâm nêu rõ  - “Hoạt động phân chia tế bào diễn ra mỗi ngày có thể gây ra các khiếm khuyết và tạo nên thay đổi trong bộ gene của một tế bào”.

“Lý do để vật chất di truyền của chúng ta không biến thành một đống hỗn độn là bởi sự tồn tại của nhiều hệ thống cấp phân tử, thường xuyên theo dõi và sửa chữa gene di truyền” - Ủy ban Nobel nói trong Thông cáo báo chí.

Đoạt giải nhờ liều lĩnh đổi lĩnh vực nghiên cứu

Theo đó, ba “nhà khoa học tiên phong” được trao giải Nobel Hóa học năm nay đã giải thích chi tiết một số hệ thống giám sát và sửa chữa di truyền.

“Công việc của họ đã mang tới kiến thức nền tảng, về việc một tế bào sống hoạt động ra sao và được sử dụng như thế nào trong sự phát triển các biện pháp điều trị ung thư mới” - Thông cáo có ghi.


Thông báo của Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển về 3 người đoạt giải Hóa học 2015

Lindahl, một nhà khoa học Thụy Điển đang làm việc ở Anh, nổi tiếng vì điều hành một phòng nghiên cứu ở Clare Hall, vùng Herfordshire, chuyên nghiên cứu về hoạt động sửa gene di truyền. Những năm 1970, ông đã chất vấn niềm tin của các nhà khoa học rằng ADN là một phân tử ổn định.

Sau khi cho thấy rằng phân tử này thoái hóa với tốc độ nhanh, ông đã phát hiện ra một cơ chế của cơ thể, cho phép sửa chữa những hư hại về di truyền.

“Tôi cảm thấy rất may mắn” - Lindahl nói trong một cuộc phỏng vấn, được thực hiện ngay sau khi ông nhận cú điện thoại từ Stockholm, nói rằng mình đã đoạt giải.

Ông cũng mô tả lại một quyết định khó khăn mà mình phải đưa ra vào đầu sự nghiệp: “Tôi đang theo học ngành dược, vào thời điểm hoạt động nghiên cứu về di truyền bắt đầu trở nên thú vị, hấp dẫn. Vì thế tôi tự hỏi rằng liệu mình có nên tạm ngưng việc học để tập trung vào nghiên cứu?” - ông nói - “Đó là một quyết định mạo hiểm với một anh chàng trẻ tuổi như tôi. Nhưng tôi đã liều lĩnh đón nhận cơ hội.”

Hướng tiếp cận mới cho cuộc chiến chống ung thư

Trong khi đó, Sancar, một nhà khoa học gốc Thổ Nhĩ Kỳ và hiện đang làm việc ở Trường y Đại học Bắc Carolina, đã lập bản đồ một cơ chế sửa chữa gene di truyền khác có tên “Sửa chữa cắt bỏ nucleotide”. Hệ thống này được tế bào sử dụng để sửa các hư hại do tia tử ngoại và các chất tác động khác gây ra.

“Tôi nhận được cú điện thoại từ cách nay nửa giờ. Vợ tôi nhận điện và đánh thức tôi dậy. Tôi chẳng mong chờ cú điện nên rất ngạc nhiên” - ông nói với Adam Smith, một quan chức thuộc bộ phận truyền thông của giải Nobel - “Hiển nhiên tôi rất vinh dự, khi các công trình nghiên cứu mình thực hiện trong nhiều năm qua được ghi nhận. Nhưng tôi còn tự hào thay cho gia đình mình, cho quê hương (Thổ Nhĩ Kỳ) và đất nước đã đón nhận tôi (Mỹ)”.

Như vậy, Sancar là người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên nhận giải Nobel Hóa học. Trước đó, nhà văn Orhan Pamuk của Thổ Nhĩ Kỳ đã giành giải Nobel Văn chương trong năm 2006.

Bên cạnh đó, nhà khoa học Mỹ Modrich có phát hiện cho thấy, tế bào đã tự sửa lỗi di truyền trong quá trình nhân đôi, dựa trên một cơ chế so sánh đặc biệt.

Theo Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển các phát hiện của ba nhà khoa học trên rất quan trọng trong hoạt động nghiên cứu ung thư. Các tế bào gây ung thư được giữ cho sống sót nhờ cơ chế sửa chữa hư hại về di truyền. Giới khoa học hiện đang tìm cách phá hủy cơ chế sửa chữa này trong tế bào ung thư để giết chúng.  

Viện Hàn lâm nêu bật một trong các loại thuốc có khả năng phá hủy cơ chế tự sửa chữa gene di truyền hiện đã xuất hiện trên thị trường. Đó là thuốc olaparib, được dùng để chống ung thư buồng trứng.

Theo kế hoạch, giải Nobel Hóa học sẽ được trao cùng các giải Nobel khác vào ngày 10/12, cũng là ngày mất của người sáng lập giải, Alfred Nobel, vào năm 1896. Hoạt động xướng tên người đoạt giải Nobel sẽ tiếp tục với lễ công bố người đoạt giải Văn chương trong ngày hôm nay (8/10), giải Hòa bình trong ngày 9/10 và giải Kinh tế vào thứ Hai tuần sau.

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm