Gia Lai: Phát hiện nhiều trường hợp đã tử vong vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh

01/12/2019 08:16 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Qua rà soát, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát hiện 7 trường hợp có dấu hiệu gian lận bảo hiểm y tế tại Gia Lai. Sau đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn gửi các đơn vị kiểm tra, xác minh và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp gian lận Bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

Gửi tiết kiệm, nhận ngay nhận ưu đãi bảo hiểm

Gửi tiết kiệm, nhận ngay nhận ưu đãi bảo hiểm

Những tháng cuối năm, các ngân hàng đua nhau đưa ra các chương trình thu hút tiền gửi tiết kiệm với đa dạng kỳ hạn và lãi suất. Có một khoản tiền tích lũy từ đầu năm, chị Nguyễn Lan Hạnh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội khá phân vân khi so sánh bảng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng tháng 11/2019.

Thực hiện công văn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã kiểm tra, rà soát, qua đó phát hiện thêm 48 trường hợp kích nhầm tình trạng tử vong và 4 trường hợp đã tử vong vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh.

Phát hiện 7 trường hợp có dấu hiệu gian lận bảo hiểm y tế tại Gia Lai

Ngày 30/9/2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn số 3674/BHXH-GĐB gửi đến Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị chăm sóc y tế địa phương về việc kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu gian lận trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát hiện tại Gia Lai 7 trường hợp có dấu hiệu gian lận bảo hiểm y tế.

Sau đó, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai có báo cáo bằng văn bản gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế. Văn bản của Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai cho rằng, 7 hồ sơ trên không có dấu hiệu gian lận trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Việc để xảy ra nhầm lẫn phát sinh chi phí sau khi 7 bệnh nhân này tử vong là do thao tác đánh nhầm ngày tử vong của nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai.   

Chú thích ảnh
Anh Byưnh (áo đỏ), con trai út của ông Byoch (đã tử vong), làng Ch’rơng II, xã Đăk Taley, huyện Mang Yang (Gia Lai) khẳng định gia đình không dùng thẻ bảo hiểm y tế của cha đi khám bệnh tại Trạm Y tế xã Đăk Taley nhưng lại phát sinh chi phí y tế

Cụ thể, trong 7 trường hợp mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát hiện, có 5 trường hợp qua đối chiếu với hồ sơ hưởng chế độ tử tuất thì những người này tử vong đúng ngày và không có phát sinh chi phí khám chữa bệnh sau đó. Đối với trường hợp ông Đoàn Văn Hùng, tử vong ngày 13/5/2019. Tuy nhiên, do cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Chư Prông, nơi quản lý hồ sơ của ông Hùng đã nhập nhầm ngày tử vong của ông từ ngày 13/5/2019 thành 10/10/2019 nên mới có việc phát sinh chi phí khám chữa bệnh của ông Hùng.

Riêng trường hợp bà Đoàn Thị Băng Tâm, mã thẻ HT2646423185734, điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định từ ngày 6-29/12/2018, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã xác nhận với gia đình bà Tâm và đối chiếu hồ sơ hưởng chế độ tử tuất đúng là bà tử vong vào lúc 4h30 ngày 26/12/2018. Số tiền 685 nghìn đồng chi phí phát sinh từ ngày 26-29/12/2018 của bà Tâm là không hợp lệ, theo đó Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định thống nhất không chấp nhận thanh toán số tiền trên.

Các trường hợp sai sót này được Bảo hiểm xã hội và Sở Y tế tỉnh giải thích rằng do nhân viên Bảo hiểm xã hội chỉ nhập tháng chứ không nhập ngày tử vong nên hệ thống mặc định ngày tử vong là ngày đầu tháng. Do đó, mới phát sinh các chi phí sau khi tử vong như Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu rà soát.

Phát hiện nhiều trường hợp đã tử vong vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh

Sau sự việc trên, qua rà soát thông tin trên cơ sở dữ liệu đơn vị quản lý, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai tiếp tục phát hiện thêm 48 trường hợp kích nhầm vào tình trạng tử vong khi bệnh nhân còn sống và 4 trường hợp bệnh nhân tử vong vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh.

Điển hình là trường hợp em T.H.G.L, trường Tiểu học số 3, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa có trong danh sách 48 trường hợp người còn sống bị nhân viên y tế kích nhầm vào tình trạng tử vong. Chị P.T.M.H (mẹ em L) cho biết, gia đình rất bất ngờ với thông tin trên và đề nghị cơ quan có thẩm quyền đính chính thông tin cho chính xác để đảm bảo quyền lợi của cháu sau này.

Đối với 4 trường hợp tử vong vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh, điển hình nhất trường hợp ông Byoch, làng Ch’rơng II, xã Đăk Taley, huyện Mang Yang. Theo báo cáo số 136/BC-BHXH của Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Bệnh nhân Byoch tử vong vào lúc 7 giờ 33 phút ngày 15/11/2018, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai là đúng người. Chi phí phát sinh ngày 29/11/2018 và 26/12/2018 tại Trạm y tế xã Đăk Taley, huyện Mang Yang sau khi bệnh nhân Byoch tử vong là do người nhà cầm thẻ của ông Byoch đi khám.

Tuy nhiên, anh Byưnh (con trai ông Byoch) khẳng định, người dân tộc thiểu số ai cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, thẻ bảo hiểm của ông Byoch đã được chôn cùng thi thể như phong tục địa phương.

Tại Tờ trình số 776 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai cũng cho thấy hồ sơ của ông Byoch đúng với ô kết quả tử vong và sau đó không phát sinh thêm các chi phí khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai.

Mặc dù vậy, việc phát sinh chi phí tại Trạm y tế xã Đăk Taley, huyện Mang Yang vẫn chưa được ngành y tế xác minh cụ thể, để giải trình lý do vì sao ông Byoch có phát sinh 2 lần khám chữa bệnh tại đây, sau khi ông đã tử vong.

Ngoài ra, còn có 2 trường hợp được báo là đã tử vong, tuy nhiên vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh sau đó, được Bảo hiểm xã hội và Sở Y tế tỉnh Gia Lai lý giải rằng do người nhà mượn hoặc cầm nhầm thẻ bảo hiểm y tế của người đã chết đi khám bệnh. Trường hợp còn lại là do cơ sở khám chữa bệnh đối chiếu chứng minh nhân dân không kỹ, dẫn đến phát sinh chi phí sau khi tử vong.

Thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý

Lý giải về việc sai sót trong các thao tác bấm nhầm vào ô tử vong cho bệnh nhân đang còn sống, phía Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai cho rằng trách nhiệm thuộc về cán bộ y tế cơ sở khi xác nhận thông tin bệnh nhân trên phần mềm cơ sở dữ liệu để xảy ra sai sót. Lãnh đạo Sở Y tế lại cho rằng, theo quy trình, nhân viên y tế cơ sở nếu nhấn nhầm vào ô tử vong, lập tức máy sẽ xuất hiện giao diện điền thông tin và Giấy báo tử chứ không thể có việc phát sinh chi phí khám chữa bệnh sau đó.

Đối với 4 trường hợp bệnh nhân tử vong mà vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh, ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai khẳng định: Trên địa bàn tỉnh Gia Lai không có trường hợp nào đã được xác định tử vong mà còn phát sinh chi phí khám chữa bệnh, nếu có, trên phần mềm quản lý dữ liệu của Sở Y tế sẽ báo lỗi ngay. Về 59 trường hợp này chúng tôi nghĩ là do phần mềm quản lý chung của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trục trặc gì đó dẫn đến sự việc trên.

Ông Trần Văn Lực, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai lại cho rằng phía Sở Y tế chưa rà soát thông tin cơ sở, bởi bên Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phát hiện 4 trường hợp bệnh nhân đã tử vong nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh. Do đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ sở y tế không chấp nhận thanh toán và đưa vào quyết toán năm 2019 đối với chi phí phát sinh sau khi được xác nhận tử vong đối 4 trường hợp trên.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các cơ sở y tế có các bệnh nhân đến khám chữa bệnh nêu trên có trách nhiệm giải trình phần chi phí phát sinh ở các trường hợp này, trước ngày 20/12/2019.

Hồng Điệp/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm