Ghi chép: 'Sức dân' trong mùa dịch Covid-19

08/08/2020 13:13 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đại dịch Covid-19 một lần nữa cho thấy sức dân được đánh thức, sẽ tạo nên một nguồn lực vô biên để vượt qua mọi khó khăn.

Chào tuần mới: Tuần mới từ Đà Nẵng

Chào tuần mới: Tuần mới từ Đà Nẵng

Đã gần một tuần trôi qua, kể từ khi Đà Nẵng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Phía trước vẫn còn một chặng đường gian nan nữa phải vượt qua.

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ muốn nhìn "sức dân", từ lăng kính Đà Nẵng, địa  phương đang chịu nhiều ảnh hưởng nhất của Covid-19 hiện nay. Chi tiết hơn, nhìn từ công văn của UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành, yêu cầu các tổ chức, cá nhân ngừng tiếp tế trực tiếp lương thực, thực phẩm đến các cơ sở ý tế và các khu vực phong toả, cách ly tập trung. Đồng thời, chính quyền các cấp cũng không nhận trực tiếp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm chế biến sẵn.

Công văn ấy chắc chắn mọi người đều hiểu nó xuất phát từ lý do an toàn cao nhất cho công tác chống dịch, nhưng ai ở Đà Nẵng những ngày qua, đều phải thừa nhận: nguồn lực mà các tổ chức, cá nhân tóm lại là của dân hướng về Đà Nẵng là rất lớn. Đặc biệt lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế, bảo hộ. Có lúc còn ứ đọng. Cho nên, bảo đảm phân bố nguồn cứu trợ nhanh chóng, chuẩn xác đến các địa chỉ cần giúp đỡ, đảm bảo an toàn không lây nhiễm trong bối cảnh số ca nhiễm đang leo thang, đặc biệt các Mạnh Thường Quân cảm thấy tin tưởng, chắc chắn không một người dân Đà Nẵng nào bị bỏ đói, các bệnh viện không thiếu thốn, là những điều cần lưu tâm nhất.

Chú thích ảnh
Anh Phạm Thanh, người làm từ thiện nổi tiếng ở Đà Nẵng 30 năm qua

Đơn giản, bởi từ xưa đến nay, người dân họ không hề tiếc tiền của, sức lực và tâm huyết cho đồng bào mình đang nguy khốn.

Quan sát hành trình chống dịch, khó có thể kể hết ra đây những tấm lòng, chân dung của người dân Đà Nẵng, Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung đang ngày đêm hướng về đồng bào. Dõi theo những hành trình làm việc thiện, càng yêu thêm nhiều đồng nghiệp, nhiều doanh nghiệp, những người bạn... luôn lao vào những điểm nóng với "phong độ" bền bỉ. Nên nhớ làm việc thiện không dễ, rất dễ xuất hiện thị phi và cô độc. Cũng phải có uy tín, thực tâm mới tập hợp được nguồn lực. Bản thân họ rất dễ thương tổn. Cho nên, phải tìm được sự đồng thuận. Đồng thuận ở đây dựa trên nền tảng niềm tin lẫn sự tôn trọng nhau, trong quá trình phối hợp làm thiện nguyện. Phải ứng xử hết sức tế nhị từ hai phía.

Sáng nay đọc "phây" đầy tâm trạng của người anh - Phạm Thanh, một người làm từ thiện nổi tiếng trong 30 năm qua ở Đà Nẵng, lại phải "động viên" anh thôi cố gắng để tiếp tục lo cho dân nghèo được chừng nào hay chừng đó.

Ngay từ đợt dịch đầu tiên, anh Thanh đã lập quỹ "Vì một thành phố đáng sống", huy động được gần 4 tỷ đồng. Riêng tiền gia đình anh bỏ ra đã 3 tỷ.  Đợt này, ngay khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, anh đã huy động tầm 1 tỷ đồng, lao đến bệnh viện Đà Nẵng với cả núi nệm, chăn, sữa, khẩu trang, bảo hộ, vitamin...

"3 cái nhà riêng của tôi ở đường Hùng Vương, Phan Chu Trinh đang chứa rất nhiều hàng viện trợ. Chuyện thiếu thốn nếu có của bệnh viện thì nhà nước lo, sắp tới tôi ưu tiên cho dân nghèo. Tan dịch họ cần được giúp đỡ hơn".

Tôi hiểu tính anh Thanh đeo, giàu cảm xúc và nóng bỏng, tấm lòng anh làm việc thiện Đà Nẵng rất nhiều người trân quý, nên rủ rỉ rằng anh bớt "nóng" kẻo tốn rất nhiều năng lượng.

Chú thích ảnh
Anh Trần Quốc Diện trong phiên đấu giá cây trầm hương 250 triệu đồng ủng hộ người nghèo đợt dịch Covid-19

Cũng có nhiều doanh nghiệp đang lao đao, nhưng phải gạt "tình riêng" để hướng về cộng đồng. Trần Quốc Diện cũng là "nhân vật điển hình" tôi chọn đưa vào bài báo này. Diện là Chủ tịch Khu du lịch sinh thái rừng Hà Gia, Quảng Nam cùng một số công ty bất động sản, khai khoáng, nuôi Yến. Công ty đang hồi phục cùng Đà Nẵng, thì dịch ập đến. Lo cho hàng trăm công nhân đã hết hơi, vợ chồng anh Diện ngày nào cũng lên trang cá nhân kêu gọi bè bạn khắp cả nước từ thiện. Ai đóng góp bao nhiêu anh đưa ngay lên "phây", phông nền đỏ, kể cả 100 nghìn đến 100 triệu đồng. 4 tỷ đồng đã vận động được đến thời điểm này, một con số khá "kinh khủng" cho việc một cá nhân vận động bạn bè.  

Những ngày về huyện miền núi Quế Sơn, Quảng Nam, cách ly, tôi khá tự hào về chú em cũng dan díu thể thao, Hà Văn Tự. Tự sinh sống ở thị trấn nhỏ bé này, nhưng quen biết nhiều các cầu thủ, HLV, quan chức bóng đá Việt Nam. Thông qua cậu, nhiều doanh nghiệp đã tài trợ cho Đội tuyển Việt Nam, V.League. Đã mấy lần HLV Park Hang Seo cùng học trò về phố núi giao lưu, tạo nên một kỷ niệm đáng nhớ cho fan Quế Sơn. Hiện Tự đã vận động được số tiền hơn 250 triệu đồng để mua nhu yếu phẩm tặng các cán bộ chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch ở quê nhà. Trong đó, có danh ca Ngọc Sơn, các danh thủ Duy Mạnh, Văn Quyết (Hà Nội FC), Huy Hùng (Quảng Nam).

Anh Hà Văn Tự (áo thun trắng) trong 1 đợt trao tặng khẩu trang và thiết bị y tế tại Quảng Nam. Ảnh: ANH TRẦN
Anh Hà Văn Tự (áo thun trắng) trong 1 đợt trao tặng khẩu trang và thiết bị y tế tại Quảng Nam. Ảnh: ANH TRẦN

Lê Phi, Trưởng đại diện Báo Pháp luật TPHCM tại Đà Nẵng, đợt này nhận được rất nhiều ghi nhận trong lòng  những ai quen biết. Hình ảnh anh ngày ngày kêu gọi, rồi trực tiếp chạy xe đi trao đồ bảo hộ, khẩu trang, nhu yếu phẩn cho người dân nghèo, đặc biệt cho các đồng nghiệp, đã trở nên quen thuộc.

Dịch bệnh không từ ai, trong đó có các nhà báo, những người cũng đang ngày đêm lao lên tuyến đầu. CLB bóng đá phóng viên Đà Nẵng (jfc danang)  chọn cách đồng hành cùng nhà báo, hỗ trợ tất cả  nếu gặp rủi ro trong quá trình tác nghiệp. Tham gia có thêm chị Nguyễn Thị Bích Kiều - Emerald Nguyen. Đợt này chị Kiều ủng hộ 200 triệu đồng, trong đó 100 triệu hỗ trợ cho lực lượng y tế và 100 triệu làm "Quỹ đồng hành cùng phóng viên tác nghiệp" tại Đà Nẵng.

Chiều ngày 7/8, đại diện CLB bóng đá phóng viên Đà Nẵng cùng trợ lý chị Kiều, phóng viên Hoàng Yến, đã trao 8 triệu đồng hỗ trợ đồng nghiệp Phạm Phú Phong VTV8. Ông  Lâm Thanh, Giám đốc VTV8 đã rất cảm động. "Hành động của chị Kiều cũng như JFC danang thực sự nhân văn, động viên rất nhiều cho anh Phú Phong cũng như các đồng nghiệp. Trong gian khó mới cản nhận hết cái tình nghĩa của anh em đồng nghiệp" - ông Thanh nói.

Cùng thời gian, Hội Nhà báo Đà Nẵng đã vận động được gần 100 triệu từ các Mạnh Thường Quân. Chương trình "Ly cà phê Yêu thương" của Hội đã làm ấm lòng rất nhiều mảnh đời bất hạnh.

Còn nhiều, rất nhiều những đóng góp công khai và âm thầm của người dân cho Đà Nẵng, Quảng Nam cũng như cả nước. Xã hội luôn biết ơn họ.

Xin cảm ơn tất cả những tấm lòng vàng từ nhân dân!

Phóng viên Hoàng Yến (trái) đại diện "Quỹ đồng hành cùng phóng viên tác nghiệp" tại Đà Nẵng, trao tiền hỗ trợ cho ông Lâm Thanh, Giám đốc VTV 8, nhờ ông Thanh chuyển cho đồng nghiệp Phạm Phú Phong nhiễm Covid-19
Chú thích ảnh
Phóng viên Lê Phi, Trưởng đại diện báo Pháp luật TP.HCM tại Đà Nẵng trên đường đi cứu trợ
Chú thích ảnh
Đại diện JFC danang trao tiền hỗ trợ cho lãnh đạo VTV8, chuyển đến đồng nghiệp Phú Phong nhiễm Covid-19
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Đà Nẵng sẽ càng đẹp hơn sau khi dịch tan. Ảnh: Nguyễn Trình

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm