Dịch Covid-19: 16.773 ca khỏi bệnh, số mắc giảm nhẹ trong ngày 20/11

20/11/2021 19:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 19/11 đến 16 giờ ngày 20/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.531 ca mắc mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 9.518 ca ghi nhận trong nước (giảm 99 ca so với số ca mắc của ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố; có 4.776 ca trong cộng đồng.

Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh ở cả Hà Nội và TP.HCM, chủ động phương án kiểm soát dịch

Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh ở cả Hà Nội và TP.HCM, chủ động phương án kiểm soát dịch

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (116 ca), Khánh Hòa (98 ca), Thái Bình (42 ca).

Cụ thể, có 60 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh mới, cụ thể: Thành phố Hồ Chí Minh (1.046 ca), Bình Dương (669 ca), Đồng Nai (621 ca), Đồng Tháp (515 ca), Tây Ninh (495 ca), Bình Thuận (407 ca), Sóc Trăng (391 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (370 ca), Bạc Liêu (345 ca), Cà Mau (342 ca), An Giang (329 ca), Vĩnh Long (297 ca), Trà Vinh (281 ca), Bình Phước (256 ca), Kiên Giang (246 ca), Tiền Giang (243 ca), Hà Nội (234 ca), Đắk Lắk (205 ca), Cần Thơ (201 ca), Hậu Giang (188 ca), Khánh Hòa (158 ca), Bến Tre (131 ca), Long An (112 ca), Lâm Đồng (106 ca), Gia Lai (103 ca), Bắc Ninh (98 ca), Thừa Thiên - Huế (96 ca), Đắk Nông (86 ca), Hà Giang (84 ca), Nam Định (68 ca), Nghệ An (66 ca), Bình Định (61 ca), Thanh Hóa (58 ca), Vĩnh Phúc (53 ca), Thái Bình, Ninh Thuận (mỗi địa phương 51 ca), Bắc Giang, Đà Nẵng (mỗi địa phương 44 ca), Quảng Ngãi (42 ca), Quảng Nam (40 ca), Quảng Trị (35 ca), Phú Thọ (33 ca), Tuyên Quang (28 ca), Quảng Bình (25 ca), Hà Nam, Điện Biên (mỗi địa phương 23 ca), Phú Yên (20 ca), Hải Phòng (14 ca), Quảng Ninh (13 ca), Hà Tĩnh (12 ca), Hải Dương, Sơn La (mỗi địa phương 11 ca), Cao Bằng (10 ca), Lạng Sơn (7 ca), Lào Cai (6 ca), Hưng Yên, Thái Nguyên (mỗi địa phương 4 ca), Hòa Bình (3 ca), Ninh Bình (2 ca), Yên Bái (1 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với số ca mắc của ngày trước đó: Thành phố Hồ Chí Minh (giảm 293 ca), Tiền Giang (giảm 139 ca), Tây Ninh (giảm 104 ca). Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhấ so với số ca mắc của  trước đó: Trà Vinh (tăng 87 ca), Bình Phước (tăng 73 ca), Cà Mau (tăng 72 ca). Trung bình có 9.370 ca mắc trong nước mỗi ngày trong 7 ngày qua.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.084.625 ca mắc, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi về tỷ lệ ca mắc trên 1 triệu dân thì nước ta đứng thứ 150 (bình quân cứ 1 triệu người có 11.006 ca mắc). Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay) có 1.079.529 ca mắc mới được ghi nhận trong nước, trong đó có 897.520 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Yên Bái, Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (455.107 ca), Bình Dương (247.337 ca), Đồng Nai (81.688 ca), Long An (37.231 ca), Tiền Giang (23.724 ca).

Có 16.773 ca bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi tại Việt Nam là 900.337 ca. Có 4.630 ca bệnh nhân nặng đang được điều trị, trong đó: thở oxy qua mặt nạ là 3.086 ca; thở oxy dòng cao HFNC là 960 ca; thở máy không xâm lấn là 124 ca; thở máy xâm lấn là 451 ca; sử dụng hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO) là 9 ca.

Chú thích ảnh
Hà Nam: Kiểm tra công tác chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại

Ngày 20/11 nước ta ghi nhận 107 ca tử vong, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 42 ca, An Giang (14 ca), Đồng Nai (7 ca), Kiên Giang (5 ca), Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ (mỗi địa phương 4 ca), Thanh Hoá, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Vĩnh Long (mỗi địa phương 3 ca), Cà Mau, Ninh Thuận, Sóc Trăng (mỗi địa phương 2 ca), Hà Nội, Trà Vinh (mỗi địa phương 1 ca). Trung bình số ca tử vong được ghi nhận ở Việt Nam trong 7 ngày qua là 95 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.685 ca, chiếm 2,2% tổng số ca mắc.

Tăng cường giám sát trọng điểm để phát hiện sớm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng

Bộ Y tế vừa có công văn hoả tốc gửi UBND các y tế các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu

Bộ Y tế nêu rõ, trong thời gian qua đã có một số lượng người dân di chuyển về các địa phương từ vùng dịch sau nới lỏng giãn cách xã hội, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và bùng phát ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào vẫn luôn hiện hữu.

Để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vừa an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nội dung, cụ thể:

Chú thích ảnh
Lẫy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, không cục bộ, "cát cứ", ban hành quy định vượt quá mức cần thiết.

Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và lấy cấp cơ sở là nền tảng trong phòng, chống dịch... Chuẩn bị sẵn sàng thiết lập các Trạm Y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở.

Tăng cường giám sát trọng điểm  

Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm, viêm phổi nặng, giám sát trọng điểm COVID-19, giám sát dựa vào sự kiện, giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc COVID-19 tại cộng đồng; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19, kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng… Đồng thời, triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa; kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở.

Cũng theo Bộ Y tế, trên cơ sở đánh giá mức độ nguy cơ theo Nghị quyết số 128/QĐ-CP, các địa phương thần tốc truy vết, xét nghiệm là then chốt để sớm kiểm soát hiệu quả dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch, chuyển dần các vùng cấp độ 2, 3, 4 về cấp độ 1 theo hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT…

Chú thích ảnh
Chốt kiểm soát dịch Covid-19. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Các cơ sở khám chữa bệnh phải nghiêm túc thực hiện phân luồng, sàng lọc, phân loại người bệnh. Cán bộ y tế, các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao phải cảnh giác, không chuyển lên tuyến trên đối với bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng để phòng tránh quá tải và nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất...

Hoàn chỉnh kế hoạch sẵn sàng thiết lập hệ thống điều trị bao gồm các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến, đặc biệt là thành lập các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc COVID-19 ngay tại nhà để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa.

Đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay khi được phân bổ

Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bổ vaccine, đảm bảo an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng. Tăng nhanh độ bao phủ mũi 1, triển khai tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 (Pfizer) mũi 1 cho học sinh lớp 8,9 tại Cung thể Thao Tiên Sơn ngày 20/11. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học... thực các biện pháp đảm bản an toàn COVID-19, thường xuyên đánh giá, cập nhật lên hệ thống An toàn COVID-19. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp, trường học; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn".

Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.

Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm chắc tình hình công dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc,...) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm