Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô Hà Nội

23/06/2021 12:52 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Thực hiện những chủ trương này, những năm qua, Hà Nội tập trung thu hút các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, khai thác các tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch văn hóa. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, lễ hội được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Các giải pháp phục hồi du lịch Hà Nội trong đại dịch Covid-19

Các giải pháp phục hồi du lịch Hà Nội trong đại dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế.

Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục của cả nước, Hà Nội còn là trung tâm văn hóa lớn được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc sắc.

Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu giá trị, một trong những lợi thế để Hà Nội phát triển du lịch bền vững, nhất là du lịch văn hóa. 

Hà Nội - nơi hội tụ các loại hình di sản   

Hiện Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản với 5.922 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới, 13 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố.

Ngoài ra còn có các loại hình di sản văn hóa như: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam với sự hiện diện của 82 bia tiến sĩ đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới; các di tích quý hiếm không dễ tìm thấy ở nhiều vùng khác như: Thăng Long tứ trấn, Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, Tháp Rùa - đền Ngọc Sơn, Khu Di tích thành Cổ Loa, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh…   

Hà Nội cũng có hệ thống bảo tàng, nhà hát được khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá cao, như Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Hà Nội, Nhà hát Lớn Hà Nội...   

Chú thích ảnh
Khách du lịch quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà

Gắn bó chặt chẽ với hệ thống di tích lịch sử là những lễ hội truyền thống với nhiều quy mô, hình thức khác nhau, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô, tiêu biểu như: hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010), hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai), hội chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ)…

Hà Nội cũng có nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian, trong đó có những loại hình đã nổi tiếng, được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, như ca trù, xẩm, hát văn… tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước.   

Đặc biệt, phố cổ Hà Nội là cái nôi lưu giữ những gì cổ kính, hoài niệm một thời vẫn còn vẹn nguyên những nét trầm mặc theo dòng xoáy thời gian và chính điều này đã trở thành lý do thôi thúc nhiều lữ khách đến thăm nơi đây một lần trong đời. Mỗi con phố lưu giữ những nét đặc trưng của đất kinh kỳ, những ký ức về lịch sử, con người và đất nước. Trải qua bao thăng trầm, những con phố ấy vẫn còn tồn tại vẹn nguyên đến tận bây giờ.   

Hà Nội còn có văn hóa ẩm thực đặc sắc với những món ăn nức tiếng, như cốm làng Vòng, phở Hà Nội, bún chả, bún thang, bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây… Tất cả trở thành nguồn tài nguyên để phát triển nhiều loại sản phẩm du lịch.

Mục tiêu năm 2030

Nhận thấy rõ những lợi thế so sánh để phát triển du lịch, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần đáng kể trong việc khẳng định vị thế trung tâm du lịch lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và cả nước.      

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (ngày 26/7/2011), ngày 16/10/2012, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4597/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó khẳng định quan điểm phát triển du lịch Thủ đô có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác.

Chú thích ảnh
Ngồi xích lô tham quan, ngắm cảnh xung quanh hồ Gươm được du khách nước ngoài rất ưa thích khi đến Hà Nội

Sau đó, ngày 26/6/2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”, trong đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Gần đây nhất, ngày 30/9/2020 UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.   

Thực hiện những chủ trương này, những năm qua, Hà Nội tập trung thu hút các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, khai thác các tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch văn hóa. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, lễ hội được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, triển khai khá hiệu quả công tác giáo dục di sản văn hóa, huy động thành công hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Thành phố đã triển khai nhiều dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch. Một số sản phẩm du lịch đã ghi được dấu ấn với du khách, như không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội, xe buýt hai tầng... Một số làng nghề được đầu tư đồng bộ (hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hệ thống biển chỉ dẫn, xây dựng khu trung tâm giới thiệu làng nghề, xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho khách tham quan, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho người dân địa phương), trở thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, thu hút lượng lớn khách du lịch.   

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng tạo điểm nhấn cho các điểm du lịch văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Thành phố cũng tập trung khai thác du lịch văn hóa kết hợp với tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, phát triển du lịch hội nghị; thông qua đó quảng bá trên khắp thế giới hình ảnh về Thủ đô Hà Nội thân thiện, hòa bình, giàu truyền thống văn hóa.

Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức thường niên tại Hà Nội, như Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản, Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert, Ngày chạy Marathon quốc tế di sản Hà Nội, Lễ hội bơi chải truyền thống Hà Nội mở rộng…   

Chính vì vậy mà những năm qua, Hà Nội liên tiếp góp mặt trong nhiều cuộc bình chọn về điểm đến được yêu thích nhất trên thế giới. Hà Nội là 1/8 điểm đến cho mọi đối tượng du khách do Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn năm 2018, xếp thứ 4/25 điểm đến hàng đầu thế giới của trang TripAdvisor năm 2019.   

Theo đó, đến hết năm 2019, du lịch Thủ đô cơ bản hoàn thành 4/4 chỉ tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” đã đề ra, trong đó chỉ tiêu đón khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đã về đích trước 2 năm, tốc độ tăng bình quân khách du lịch đạt 10,1%/năm, trong đó, khách quốc tế là 21,2%/năm; tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân ước đạt 17,6%/năm; công suất sử dụng buồng phòng của các cơ sở lưu trú ước năm 2019 đạt 67,9%...   

Trong đó, năm 2019, du lịch Hà Nội phát triển nhất từ trước đến nay, đón gần 29 triệu lượt khách, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17% so với năm trước; khách du lịch nội địa đạt gần 22 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2018. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 103.800 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước.   

Việc khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch đã mang lại hiệu quả to lớn, nâng tầm vị thế của du lịch Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng tăng nhanh tỷ trọng du lịch-dịch vụ, dần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Phương Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm