Để tai nạn do cây đổ không còn là mối họa rình rập trên đường phố Hà Nội

10/08/2019 07:53 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm gần đây, hiện tượng cây xanh bật gốc, gãy đổ gây thiệt hại về người và phương tiện vẫn xảy ra liên tiếp trên địa bàn thành phố Hà Nội khiến người dân lo lắng.

Bé gái 9 tuổi bị cây đổ đè chết

Bé gái 9 tuổi bị cây đổ đè chết

Một cây to trên miệng đường hầm điêu khắc (Khu du lịch Đường hầm, thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng) đã bật gốc đổ xuống, đè chết cháu Hoàng Nguyễn Hiểu An (9 tuổi, trú tại tổ 13, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) vào chiều ngày 20/6.

Ngoài nguyên nhân khách quan, vẫn còn không ít nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan quản lý và ý thức của người dân. Để hạn chế tình trạng này, các cấp ngành thành phố cần nhanh chóng triển khai biện pháp trước mắt cũng như lâu dài với sự vào cuộc của toàn xã hội.

Cây đổ - hiểm họa "treo" đầu người

Từ trước tới nay, tai nạn do cây đổ gây thiệt hại về người và tài sản thường được cơ quan chức năng và nhiều người dân bâng quơ cho rằng "họa vô đơn chí". Đơn cử, như vụ tai nạn giao thông sáng 9/8 gây chết người liên quan đến cây xanh xảy ra trên phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy. Nạn nhân được xác định là nam giới điều khiển xe máy Piaggio Liberty 29 B1 - 302.38 đâm vào cây đổ và tử vong tại chỗ. Nguyên nhân của vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.

Nguyên nhân cây đổ dễ nhận thấy do đêm và rạng sáng ngày 9/8 trên địa bàn Hà Nội có mưa, gió, sấm chớp rất lớn khiến cây bật gốc, đổ ra đường. Trong khi trước đó, cây xanh này không có biểu hiện gì của việc có thể gãy đổ. Một số người bày tỏ thương tiếc cho nạn nhân xấu số song cũng không ít quan điểm cho rằng, phía đơn vị quản lý cây xanh phải chịu trách nhiệm về vụ việc cây đổ gây thiệt hại về người và tài sản.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ tai nạn

Nhiều lần phía đơn vị quản lý cây xanh đã đề xuất chính quyền thành phố cho trích lại một phần kinh phí duy trì, chăm sóc cây xanh hàng năm để làm quỹ xử lý, thăm hỏi nạn nhân trong những tình huống cây đổ gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được đáp ứng. Phía đơn vị quản lý cây xanh cũng cho rằng, họ không có trách nhiệm phải bồi thường cho nạn nhân, bởi chức năng của đơn vị này chỉ là chăm sóc, duy tu, quản lý theo đơn đặt hàng của thành phố, còn cây xanh là tài sản Nhà nước, tài sản xã hội.

Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, để hạn chế cây đổ, cành gẫy trước mùa mưa bão, đơn vị này đã thực hiện nghiêm túc việc cắt tỉa. Tính từ đầu năm đến nay, công ty đã thực hiện cắt tỉa được gần 30.000 cây xanh trên toàn địa bàn, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ những năm trước.

Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát phát hiện những cây cong, xiêu vẹo đặc biệt là sâu mục để thực hiện thay thế, ngăn chặn gãy, đổ bất thường. Trước mùa mưa bão, phía công ty cũng cho bổ sung chằng chống, gia cố lại các cây mới trồng để ngăn ngừa bật gốc.

Bảo vệ ngay từ ý thức

Nói về biện pháp để ngăn ngừa sự cố từ cây xanh gây ra trong mùa mưa bão, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội khuyến cáo, người dân không nên di chuyển trên đường trong điều kiện thời tiết xấu, mưa bão. Trong trường hợp buộc phải di chuyển thì hãy cẩn trọng, quan sát kỹ, kiểm soát tốc độ và giữ khoảng cách an toàn.

Hiện môi trường sống cho cây xanh ở thành phố còn nhiều bất cập. Đó là không gian đô thị bị thu hẹp do nhà cao tầng và các công trình công cộng được xây dựng. Phía dưới là nhiều công trình ngầm khiến cho cây không thể cắm rễ sâu vào lòng đất. Hoặc nếu phát triển rễ sang ngang cũng khó do bị giới hạn bởi “một hố xi măng”, vuông vức, khó mà xuyên thủng.

Thêm vào đó, nhiều người dân còn thiếu ý thức bảo vệ cây xanh, sẵn sàng bức tử cây xanh bằng cách đổ dầu luyn, đốt cây, cưa rễ khi có cơ hội bởi "mặt phố là mặt tiền". Họ sợ cây nằm chắn trước cửa hàng, ảnh hưởng đến việc làm ăn nên phải "trảm" cây xanh bằng mọi cách. Đơn cử như một số cây sấu cổ thụ trước cổng Bộ Tư pháp trên đường Trần Phú, quận Ba Đình thường xuyên bị "bức tử" bởi những người buôn bán dịch vụ phục vụ cho bệnh nhân bệnh viện Xanh Pôn nằm đối diện bằng việc đốt lò than tổ ong dưới gốc cây để nấu nước...

Để ngăn chặn tình trạng này, thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo các phòng ban, doanh nghiệp liên quan thực hiện cắt ngọn, tỉa cành, thay thế cây rỗng, mục… nhằm hạn chế cây đổ gây tai nạn bất ngờ cho người đi đường. Các cơ quan chức năng, chính quyền quận, huyện cũng cần vào cuộc phát hiện và xử lý những trường hợp thiếu ý thức xâm hại cây xanh và cần có chế tài xử phạt; cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và yêu quý, bảo vệ cây xanh...

Về lâu dài, một số chuyên gia về cây xanh và đô thị cho rằng, thành phố cần có kế hoạch thăm khám cây định kỳ; có thiết bị để phát hiện sâu mục bên trong thân. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tính toán thay thế dần các loại cây cổ thụ quá già tuổi; phân loại nhóm tuổi tồn tại, sinh trưởng cho phép của từng loại cổ thụ để có những biện pháp thích hợp bảo vệ, thay thế…

Tại những khu phố mới, khu đô thị mới cần có bản đồ quy hoạch trồng cây xanh rõ ràng; có quỹ "đất sạch" đủ để cho mỗi cây xanh, sinh trưởng và phát triển ổn định, đảm bảo hài hòa yếu tố hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường đô thị. Nhưng ngay lúc này, không hề tốn kém kinh phí cho giải pháp đó là việc mỗi người dân Thủ đô tự nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh hơn nữa.

Mạnh Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm