Cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam tiếp tục hầu tòa

23/07/2020 11:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23/7, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đối với các bị cáo Dương Thanh Cường (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thanh Phát; đang thụ án 20 năm tù), Trầm Bê (cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam – Southernbank, nay đã sát nhập vào Ngân hàng Sacombank; đang thụ án 4 năm tù) và 8 đồng phạm.

Khởi tố thêm bốn cán bộ ngân hàng cấp dưới của ông Trầm Bê

Khởi tố thêm bốn cán bộ ngân hàng cấp dưới của ông Trầm Bê

Ngày 27/8, nguồn tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, cơ quan này đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can liên quan đến bốn cán bộ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam (nay là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank).

Trong đó, Dương Thanh Cường bị truy tố, xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, còn Trầm Bê hầu tòa về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999, dù Cơ quan điều tra - Bộ Công an đề nghị truy tố Trầm Bê theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 với tội danh “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Theo cáo trạng, năm 2007, Dương Thanh Cường có ý định thực hiện dự án cao ốc căn hộ và biệt thự vườn Thanh Phát nên lấy danh nghĩa Công ty Thanh Phát mua 10,5 ha đất của các hộ dân có 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cường đem 23 giấy này thế chấp tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh 6 để vay tiền làm dự án.

Đầu năm 2008, Cường lấy tư cách là Tổng Giám đốc Công ty Bình Phát đề nghị vay tiền của Ngân hàng Phương Nam, tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh 6. Cường đã lập hồ sơ vay vốn với những thông tin gian dối về tình hình tài chính của công ty, khả năng trả nợ và thực trạng pháp lý của 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tổng cộng, Dương Thanh Cường đã chiếm đoạt hơn 185 tỉ đồng của Ngân hàng Phương Nam. Tính đến ngày 5/1/2010, tổng giá trị khoản phải thu nợ của Công ty Bình Phát là hơn 505 tỉ đồng và đây cũng là số tiền thiệt hại cho ngân hàng này trong vụ án.

Chú thích ảnh
Bị cáo Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng Bình Phát, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Sản xuất xây dựng và thương mại Thanh Phát) bị truy tố, xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Cáo trạng cũng khẳng định, bị cáo Trầm Bê và 8 đồng phạm biết rõ Công ty Bình Phát không đủ điều kiện vay tiền nhưng vẫn đề xuất cho vay, phê duyệt cho vay hồ sơ vay tiền của công ty, dù tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Dương Thanh Cường đang được thế chấp cho khoản vay khác ở Ngân hàng Agribank.

Liên quan đến vụ án này, theo Kết luận điều tra ngày 10/9/2019 và Kết luận điều tra bổ sung ngày 10/2/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đề nghị truy tố bị can Trầm Bê tội danh “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo khoản 4, điều 206 Bộ luật Hình sự 2015, có khung hình phạt từ 12-20 năm tù.

Chú thích ảnh
Bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam). Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Tuy nhiên cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố ông Trầm Bê về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo khoản 3, điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999, có khung hình phạt từ 10-20 năm tù. Theo quyết định đưa vụ án xét xử tại phiên tòa sáng 23/7, Tòa xét xử bị cáo Trầm Bê theo tội danh và khung hình phạt như Viện Kiểm sát truy tố.

Theo chương trình, phiên tòa diễn ra đến ngày 28/7, do thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh án Tòa hình sự, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ tọa.

Hà Chung/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm