Chân tướng tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã bắn hạ máy bay Nga

25/11/2015 10:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga, mối quan tâm của dư luận đã xoay quanh quả tên lửa đứng sau sự kiện gây sốc này.

Theo trang Defence World, máy bay Su-24 bị bắn rơi bởi tên lửa AIM-9 Sidewinder bắn đi từ máy bay F-16. Đây là một quả tên lửa không đối không tầm ngắn, được Hải quân Mỹ phát triển từ những năm 1950. Quả tên lửa này đi vào trang bị từ năm 1956, tới nay đã có nhiều lần nâng cấp, với nhiều phiên bản khác nhau.

Đây là một trong những loại tên lửa được sử dụng nhiều nhất thế giới. Nó nằm trong trang bị của phần lớn không quân thuộc các quốc gia phương Tây và đồng minh. Tổng cộng có hơn 110.000 quả tên lửa loại này được sử dụng tại Mỹ và 27 quốc gia khác. Khoảng 1% trong đó đã được sử dụng trong chiến đấu.

Tổng cộng có 110.000 quả tên lửa Sidewinder đang được sử dụng tại Mỹ và 27 quốc gia

Đại đa số phiên bản tên lửa AIM-9 Sidewinder đều sử dụng cơ chế dẫn đường hồng ngoại. Phiên bản AIM-9C dùng hệ thống dẫn đường bằng rađa bán chủ động và đóng vai trò nền tảng để phát triển tên lửa chống rađa AGM-122 Sidearm.

Quả tên lửa có 4 thành phần chính, gồm hệ thống dẫn đường, thiết bị phát hiện mục tiêu, đầu đạn và động cơ tên lửa. Hệ thống dẫn đường và kiểm soát (GCU) chứa phần lớn thiết bị điện và cơ khí, cho phép tên lửa hoạt động bình thường. Ở đầu tên lửa là đầu dò hồng ngoại. Tên lửa mang theo đầu đạn nặng 10kg có khả năng phá mảnh. Các loại tên lửa gần đây còn sử dụng nhiên liệu thể rắn Mk-36 tạo ít khói để khó bị mục tiêu phát hiện và né tránh.

Có thể nói, AIM-9 Sidewinder là một trong những loại tên lửa rẻ tiền nhất, nhưng lại thành công bậc nhất trong không chiến. Thứ vũ khí này được thử lửa lần đầu trong cuộc khủng hoảng trên eo biển Đài Loan, diễn ra vào tháng 9/1958, khi các máy bay F-86 Sabre của Mỹ bắn hạ máy bay MiG-17 của Trung Quốc. Trong chiều dài lịch sử kể từ khi ra đời, tên lửa Sidewinder đã bắn hạ khoảng 270 chiếc máy bay.

Tháng 3/2010, Boeing đã giành được hợp đồng kéo dài hoạt động của tên lửa Sidewinder cho tới tận năm 2055. Phát ngôn viên Không lực Mỹ Stephanie Powell tuyên bố rằng do có giá rẻ và độ tin cậy cao, tên lửa Sidewinder sẽ vẫn nằm trong trang bị của quân đội Mỹ cho tới cuối thế kỷ 21.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm