Cần có đánh giá tác động toàn diện của dịch Covid-19 đối với kinh tế-xã hội

21/10/2021 17:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 21/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Toàn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Toàn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Sáng 20/10, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể theo hình thức trực tuyến qua cầu truyền hình từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đại biểu cũng thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Qua thảo luận các đại biểu đề nghị Chính phủ và các cấp chính quyền có đánh giá tác động, khắc phục những hạn chế, không chủ quan, nóng vội trong công tác phòng, chống dịch và sớm ban hành Chương trình tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ở tổ. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Dự toán ngân sách cần bám sát tình hình thực tế

Thảo luận về việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, trong bối cảnh năm 2021 rất khó khăn Chính phủ đã có những điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt. Tuy nhiên, theo đại biểu cũng còn rất nhiều điểm cần phải có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu lấy ví dụ trong đánh giá về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, nếu loại trừ các khoản thu tăng đột biến từ chứng khoán, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, về cơ bản trong hoạt động sản xuất kinh doanh bị hụt thu 4,9%. "Đây là điều đáng lưu ý, nếu chúng ta tăng thu những khoản thu như trong báo cáo đánh giá, tôi cho rằng những khoản thu này không bền vững và cần phải có giải pháp trong thời gian tới, nhất là liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu dẫn trong báo cáo của Chính phủ nêu thu nội địa về thuế, phí trong 4 tháng đầu năm tăng 17,5%, nhưng đến hết tháng 6 chỉ còn tăng 9,1% và đến tháng tháng 9 giảm 26,5 % so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng giảm rất mạnh nhưng trong khi đó ước dự toán cả năm lại tăng 1,7%, tăng vượt 22.000 tỷ đồng. "Tôi cho rằng việc dự toán của năm 2021 chúng ta chưa sát, chưa đánh giá hết được tình hình thực tế", đại biểu Giang nói.

Về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, theo đại biểu, Nghị quyết của Quốc hội đã cho tỷ lệ huy động là 16% nhưng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, tỷ lệ huy động như Chính phủ đề xuất là 15,1% GDP là phù hợp, trong đó thuế, phí là 12,7%. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý thu từ dầu thô dự kiến chiếm khoảng 2% tổng thu ngân sách nhà nước nhưng dự toán tại thời điểm này là 60 USD/thùng mà trong khi đó trên thực tế giá dầu thô bây giờ không còn ở mức 60 USD.

Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp và việc mà một số ngành nghề như du lịch, hàng không, logistics cũng có thể tiếp tục bị ảnh hưởng, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những dự báo chính xác, tính toán khả năng giảm thu.

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Bình Thuận thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Chủ trương đúng nhưng nhận thức người thực hiện chưa đúng

Cơ bản đồng ý với các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) đánh giá các báo cáo được chuẩn bị rất kỹ, chi tiết.

Theo đại biểu, trong cuộc chiến chống COVID-19, đặc biệt qua đợt bùng phát dịch thứ tư chưa có tiền lệ vừa qua, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 30 và các quyết sách chưa có tiền lệ. Qua đó, đáp ứng rất kịp thời và thể hiện vai trò của Quốc hội đồng hành với Chính phủ trong phòng, chống dịch. Kết quả của những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân cả nước là đến nay cơ bản nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh, bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới, đó là thích ứng an toàn với dịch bệnh đi cùng với việc phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế-xã hội được diễn ra bền vững, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, cần đặc biệt coi trọng mặt nhận thức của lãnh đạo các cấp và người dân. Theo đại biểu, qua quan sát của cá nhân và cử tri phản ánh, nhiều chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất đúng nhưng quá trình tổ chức thực hiện thường vướng. Và điều này bắt nguồn từ nhận thức của người thực hiện chưa đúng.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng Nguyễn Chu Hồi phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Lưu ý nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại vẫn còn rất cao, đại biểu bày tỏ lo ngại, khi Chính phủ nới lỏng giãn cách, chuyển trạng thái sang bình thường mới, nhiều nơi đã xuất hiện tâm lý chủ quan, người dân ra đường không đeo khẩu trang, ngồi tụ tập đông người, không tuân thủ nguyên tắc 5K.

“Chúng ta không có chế tài mạnh và không giữ được những nguyên tắc để xử phạt một cách nghiêm minh như trước thì mức độ tuân thủ sẽ thấp, sẽ thành nhờn luật và khả năng bùng phát trở lại rất dễ”, đại biểu Hồi nói.

Bên cạnh vấn đề nhận thức, theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi, trong phòng, chống dịch COVID-19 có hai vế: phòng và chống. Trong phòng, đại biểu nhất trí với ý kiến cho rằng khâu dự báo vừa qua vẫn yếu. Đại biểu nhấn mạnh, dự báo, cảnh báo rất quan trọng đối với các cuộc chiến, đặc biệt với những đối thủ được gọi là vô hình. Theo đại biểu, công tác dự báo tới đây cần ứng dụng nhiều hơn nữa khoa học công nghệ.

Cũng liên quan đến yếu tố khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, hiện nay, ngoài việc đẩy mạnh ngoại giao vaccine; phủ rộng và tiêm vaccine thì cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn thuốc điều trị.

Hai vấn đề nóng cử tri đang mong đợi

Tham gia thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, báo cáo của Chính phủ chuẩn bị rất kỹ, rất công phu; các báo cáo thẩm tra rất sâu sắc, thẳng thắn, mang tính phản biện cao, nhưng cũng mang tính xây dựng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, điều nhân dân, cử tri cả nước đang mong đợi nhất lúc này với những quyết sách của Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đó là: tới đây công tác phòng, chống dịch thế nào? Phục hồi, phát triển kinh tế xã hội ra sao?

"Đây là những vấn đề rất quan trọng mà cử tri rất mong muốn. Chắc chắn Quốc hội sẽ có ban hành nghị quyết và nói rõ hai vấn đề này" – Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trước khi tiến hành Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, tọa đàm, lắng nghe các doanh nghiệp trong, ngoài nước, các nhà khoa học, chuyên gia ở rất nhiều cấp độ khác nhau. Mục tiêu là để tìm lời giải tốt nhất cho hai vấn đề lớn trên. Đa số các ý kiến bày tỏ mong muốn trong mọi tình huống, hết sức tránh nóng vội, chủ quan và cũng phải đề phòng khắc phục việc chuyển trạng thái từ cực này sang cực khác quá nhanh.

Đồng tình với một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có những đánh giá tác động toàn diện của dịch COVID-19 đối với kinh tế-xã hội để làm căn cứ cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể phòng, chống và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, cũng như ban hành các chính sách kinh tế-xã hội cho sát đúng với yêu cầu của thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, chiến lược, kế hoạch tổng thể phòng, chống và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh đã được Hội nghị Trung ương 4 thảo luận. Lần này, Quốc hội thảo luận tiếp, nhưng tất cả đều thống nhất rất cao với việc cần phải có đổi mới tư duy như trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương vừa rồi và đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Chương trình tổng thể để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội quan trọng phải kèm theo đó là điều chỉnh chính sách tài khóa tiền tệ và phối hợp hai chính sách để phục vụ cho chương trình tổng thể về phục hồi lẫn phát triển kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, chương trình phải đi kèm với nguồn lực thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, do vấn đề chuẩn bị nên tại kỳ họp lần này Quốc hội chưa thể xem xét, thông qua gói tài chính thực hiện chương trình tổng thể phục hồi kinh tế-xã hội. Chủ tịch Quốc hội cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tính vận dụng Điều 53 của Luật Tổ chức Quốc hội để xin phép Quốc hội tổ chức thêm một kỳ họp bất thường vào tháng 12 tới nhằm quyết đáp vấn đề này cùng một số nội dung quan trọng khác chưa chuẩn bị kịp cho Kỳ họp thứ 2.

Việt Đức/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm